Xuất hiện triệu chứng đau họng, ho, chị Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi, Bắc Ninh) đi khám, phát hiện mắc ung thư hạch bạch huyết.
Ngày 13/11, ThS.BS Nguyễn Thành Trung, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, người bệnh tới khám do đau họng, ho, nổi hạch cổ. Các bác sĩ chỉ định chụp CT lồng ngực cho kết quả u tuyến ức di căn hạch cổ trái, tổn thương tuyến ức có dính vào màng tim và màng phổi trung thất phổi trái ngang mức. U tuyến ức kích thước to 7.2 x 4.3 x 3.1 cm, hạch cổ kích thước 4,1 x 2.3 x 2.2 cm. Sinh thiết cho thấy người bệnh mắc U lympho tế bào B lớn lan tỏa (một dạng ung thư hạch bạch huyết).
Theo bác sĩ Trung, khối u tuyến ức của chị Hằng có kích thước rất to. Nếu không điều trị người bệnh sẽ có biểu hiện hạch và ngoài hạch (di căn tủy, xương, hệ thần kinh), nguy hiểm tới tính mạng.
Bằng kinh nghiệm điều trị thành công nhiều ca bệnh U lympho, bác sĩ nhanh chóng xây dựng phác đồ điều trị hóa chất kết hợp kháng thể đơn dòng (R-CHOP) cho chị Hằng. Phác đồ bao gồm 5 loại thuốc: Rituximab, Cyclophosphamide (Endoxan), Doxorubicin (Adriamycin), Vincristine (Oncovin) và Prednisone. Trong đó Rituximab là kháng thể đơn dòng tác động trúng đích phân tử CD20 có trên bề mặt tế bào u, từ đó kích hoạt hệ thống miễn dịch tiêu diệt đặc hiệu khối u hạch. Rituximab khi phối hợp với các hóa trị nhạy cảm với u lympho, tăng cao hiệu quả điều trị bệnh mà hầu như không gây thêm tác dụng phụ.
Sau 6 chu kỳ điều trị (hơn 4 tháng), người bệnh đáp ứng phác đồ điều trị. Hạch cổ và khối u tuyến ức tan hoàn toàn. Kết quả chụp PET/CT cũng cho thấy người bệnh không còn tế bào ung thư. Tuy nhiên, người bệnh vẫn tiếp tục được xạ trị 30 Gray/ 15 buổi. Xạ trị bổ sung nhằm duy trì hiệu quả điều trị, đồng thời tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại, khó nhận biết qua các phương tiện chẩn đoán.
Theo bác sĩ Trung, hạch lympho còn được gọi là hạch bạch huyết. Chúng sở hữu các tế bào miễn dịch giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách tấn công và tiêu diệt mầm bệnh di chuyển trong bạch huyết. Ước tính, người trưởng thành có khoảng 500 - 600 hạch bạch huyết phân bố rải rác trên cơ thể. Nách, cổ, bẹn là những vùng có nhiều hạch bạch huyết. U lympho được chia thành 2 dạng: U lympho Hodgkin (chiếm 20%) và U lympho không hodgkin (chiếm 80%). Trong đó U lympho không Hodgkin bao gồm U lympho loại B (phổ biến) và U lympho loại T.
U lympho là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo thống kê của GLOBOCAN 2020, thế giới ghi nhận khoảng hơn 4.000 ca mắc mới ung thư hạch không hodgkin và hơn một nửa trong số đó tử vong. Khi mắc bệnh, các tế bào bào bạch cầu lympho tăng sinh mất kiểm soát, dẫn đến hình thành các khối u. U lympho có thể biểu hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể. Mặc dù là bệnh lý phổ biến nhưng u lympho biểu hiện tại tuyến ức như trường hợp chị Hằng khá ít gặp. Bác sĩ Trung chia sẻ, gần 20 năm hành nghề, đây là ca đầu tiên bác sĩ tiếp nhận điều trị.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh Hà Nội nhận định, bệnh u lympho không hodgkin có nguy cơ cao ở nam giới, người lớn tuổi và người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch. Chủ yếu người bệnh đi khám và phát hiện ở giai đoạn muộn, khó đáp ứng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ khoa học, tỷ lệ mắc mới u lympho không hodgkin đã giảm dần. BVĐK Tâm Anh ứng dụng các loại thuốc mới nhất giúp người bệnh u lympho điều trị và kiểm soát bệnh hiệu quả. Tỷ lệ điều trị thành công các ca U lympho tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội lên đến 90%. Đa phần người bệnh được điều trị triệt căn, trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều ca khó, phức tạp được điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giống như những loại ung thư khác, ở giai đoạn sớm, u lympho không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Người bệnh nên chủ động tầm soát ung thư định kỳ. Trường hợp sờ thấy hạch cổ, sụt cân, sốt kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân… nên tới ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Ung bướu để được chẩn đoán và điều trị, tiến sĩ Khiêm khuyên.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Link nội dung: https://flowerstore.vn/trieu-chung-ung-thu-hach-a36656.html