Tết nguyên đán 2023 này, nếu bạn muốn tận hưởng trọn vẹn khung cảnh mùa xuân Đông Bắc đích thực thì sao không thử sức cùng hành trình du lịch Tết ngược lên cực Bắc của Tổ quốc? Tìm đến cung đường Hà Giang - Lũng Cú - Đồng Văn, chúng ta sẽ được hòa vào sắc xuân vị Tết nguyên bản, giản dị và tinh khôi nhất.
Hà Giang - Lũng Cú - Đồng Văn vào những ngày Tết Nguyên đán tràn đầy nhựa sống, với cành đào nhành mai lác đác hoa, trổ bông trong hợp âm nao nức của vài ba cánh én xuân. Giữa tiết xuân đương độ tươi đẹp ấy, bạn có thể ngắm nhìn núi và đèo ngun ngút tầm mắt. Tham gia cung đường Hà Giang - Lũng Cú - Đồng Văn còn là cơ hội tuyệt vời để tận hưởng mùa xuân Đông Bắc giữa một miền thiên nhiên hoang sơ hữu tình.
Hà Giang ngày Tết
Giữa tiết trời xuân Hà Giang đẹp tươi chúng ta có thể ngắm nhìn sông Lô đổi sắc. Nước sông vào chớm Xuân xanh ngắt, cái màu xanh mát gợi cho con người ta nhiều xúc cảm lâng lâng. Đèo Quản Bạ ở Hà Giang có lẽ là cung đèo bảng lảng, mờ ảo và mông lung nhất. Thấp thoáng phía xa xa là mấy cô bé người Dao mặc váy áo muôn màu đi trong sương khói như một bức tranh thủy mặc.
Hà Giang mùa này nẻo đường nào cũng đẹp. Đất trời như phủ sắc lá cái màu non tơ của chồi non, biêng biếc của lộc, màu đỏ rực của hoa chuối rừng, màu trắng của hoa lê, hoa mận, màu hồng phớt của hoa đào và cả cái màu vàng mùa trước của những chiếc lá còn sót lại. Tất cả hòa cùng những sắc màu váy áo thổ cẩm của những chàng trai cô gái người tộc xuống đường du xuân…
Thung lũng Sủng Là
Sủng Là nổi tiếng là bối cảnh chính cho phim điện ảnh “chuyện của Pao”. Sủng Là có khung cảnh tựa như cổ tích với những nếp nhà trình tường trên những cánh đồng hoa cải, lẩn khuất dưới tán mận, tán đào rực rỡ vào mùa xuân. Ngôi nhà gần 100 năm tuổi ở bản Lô Lô chính là bối cảnh quay cho “nhà của Pao”, nằm trên con đường trải dài hoa tam giác mạch.
Mùa xuân, khi muôn hoa nở khắp cao nguyên đá là lúc Sủng Là trở nên tươi đẹp nhất. Nhờ có sắc hoa mà nơi đây trở lên thơ mộng hơn. Du khách đến Sủng Là đúng dịp tháng Giêng, tháng 2 hàng năm, bao quanh “nhà của Pao” là sự điểm tô của những nhành hoa lê, hoa đào, hoa mận…. đây chính là màu sắc đặc trưng của mùa xuân Đông Bắc mà bạn không nên bỏ lỡ. Thấp thoáng sau những cành hoa là ngôi nhà trình tường đã biến đổi theo thời gian nhưng vẫn còn vẹn nguyên nét đơn sơ, cổ kính mang hơi thở bản sắc văn hóa dân tộc.
Lũng Cẩm
Lũng Cẩm là ngôi làng nhỏ ở xã Sủng Là, đây cũng là nơi sinh sống của hơn 61 hộ dân thuộc 3 tộc người H’Mông, Lô Lô và Hán. Những cánh đồng hoa trong làng biến cả khung cảnh thiên nhiên cao nguyên đá vốn lạnh lẽo trở thành một bức tranh tuyệt mỹ rực rỡ sắc màu. Như cách ví von rất nên thơ là “đá cũng nở hoa” thật nổi bật và quyến rũ.
Nhưng có lẽ điều gây ấn tượng nhất ở Lũng Cẩm đến từ những ngôi nhà trình tường cổ rất mộc mạc, xưa cũ gần 100 năm tuổi ở thung lũng hoa hồng. Từng lớp ngói âm dương đã phủ đầy rêu, những bức tường đất, hàng rào đá bao quanh dường như còn nguyên vẹn, thách thức thời gian và tiết trời khắc nghiệt. Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo của không ít nhiếp ảnh gia và đạo diễn. Ngày nay, ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của một gia đình người H’Mông được chọn làm bối cảnh trong “Chuyện của Pao” đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất làng Lũng Cẩm.
Lũng Cú
Lũng Cú là nơi địa đầu Tổ quốc, thường được miêu tả là “Nơi cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”. Đến cao nguyên đá Lũng Cú - Đồng Văn, du khách sẽ được đắm mình trong chốn thiên nhiên hùng vĩ, giữa những vách đá cao sừng sững được tô điểm bởi những nếp nhà sàn xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen chênh vênh sườn núi…
Bạn có thể đến đây tham quan cột cờ Lũng Cú và chụp hình lưu niệm. Đường lên cột cờ như dải lụa trắng vắt qua những dãy núi, ngọn đồi. Từ cột cờ Lũng Cú, chúng ta có thể ngắm phong cảnh ruộng bậc thang đẹp mắt xen kẽ những nhà trình tường của dân tộc Lô Lô trong bản Séo Lủng bên dưới.
Đồng Văn
Đến cao nguyên đá Đồng Văn những ngày mùa xuân, chúng ta sẽ được đắm chìm trong bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc của vùng Đông Bắc. Mùa xuân Đông Bắc được ví như mùa “đá nở hoa” với màu hồng phớt của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mai hoa mận và màu vàng rực sắc xuân của hoa cải. Đến đây, bạn cũng sẽ được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo giữa mênh mang trời đất.
Đèo Mã Pí Lèng
Ảnh: @iamconglongbong
Cung đèo nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc nằm trên con đường rất cheo leo và hiểm trở. Nhiều người vẫn gọi nơi đây là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Một bên là núi đá dựng đứng, phía còn lại là vực sâu với dòng sông Nho Quế cuộn chảy qua từng khe đá. Tết đến cũng là lúc hoa mai, hoa mận và hoa cải vàng nở rộ, từ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, bức tranh cảnh ngày xuân rực rỡ, tràn đầy sức sống với những gam màu rực rỡ sẽ hiện ra trước mắt du khách. Hẻm vực Tu Sản cũng là nét đứt gãy địa chất hùng vĩ và độc đáo.
Núi Đôi Cô Tiên
Núi đôi Cô Tiên hay còn được gọi là núi đôi Quản Bạ là một di tích gồm có hai ngọn núi nằm liền kề nhau tại thung lũng Quản Bạ. Ngọn núi này đặc biệt bởi nó mang một hình dáng khá tròn trịa, đỉnh núi không nhọn như những ngọn núi kế bên và nó có hai quả núi nằm liền kề nhau, thường được ví như đôi gò bồng đảo của nàng tiên đang chìm trong giấc nồng.
Theo tương truyền, chính ngọn núi đôi này đã mang lại nhiều điều tốt lành cho nhân dân Quản Bạ. Nhờ “dòng sữa” đó mà vùng đất này quanh năm mát mẻ, những loài cây sống trên núi này đều mang lại nhiều hoa thơm trái ngọt cho người trồng. Từ trên cao nhìn xuống, chúng ta còn được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp ở ngay dưới chân núi đôi. Đó là cánh đồng lúa với cảnh sắc thay đổi theo bốn mùa. Lúc thì xanh ngắt khi vào độ vừa non, lúc thì lại vàng rực cả cánh đồng mỗi khi mùa lúa chín gõ cửa.
Là thế đấy, mùa xuân Đông Bắc có những vẻ đẹp mộc mạc thôi nhưng không một du khách nào có thể kiềm lòng được, quyến luyến mãi rồi hứa hẹn với đất trời sẽ một lần nữa quay trở lại.
Xem thêm:
Link nội dung: https://flowerstore.vn/mua-xuan-dong-bac-a38871.html