Tới thăm nơi Chúa giáng sinh

Tới thăm nơi Chúa giáng sinh

Nhà nguyện Hang Sữa.

Nhà thờ Mục Đồng

Theo truyền thuyết, khi những người chăn cừu đang trông coi đàn cừu trên cánh đồng rộng lớn thì có một thiên sứ hiện ra, mang theo một tin vui, một điềm lành cho cả thung lũng. Thiên sứ thông báo rằng "Đấng Cứu thế đã ra đời, các người hãy theo sự chỉ dẫn để tìm thấy đứa trẻ được quấn khăn đang nằm trong một máng cỏ".

Cánh đồng đó hiện nay là thị trấn Beit Sahour, ngoại ô phía đông của Bethlehem. Vị trí chính xác nơi các thiên thần xuất hiện rất khó để xác định chính xác hoàn toàn. Chính vì vậy, có nhiều địa điểm được coi là nơi diễn ra sự kiện này cho đến năm 1953, khi các tu sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng Antonio Barluzzi đã xây dựng nên nhà thờ Mục Đồng như hiện tại với hình dáng giống như chiếc lều của những người chăn cừu du mục, mái vòm và thánh giá trên đỉnh.

Lối vào nhà thờ là cánh cổng đá hình vòng cung với dòng chữ được cho là những lời của thiên thần bằng tiếng Latin: "Gloria in excelsis deo" (Vinh quang của Đức Chúa trời). Phía trên lối vào chính là bức tượng đồng mô tả một thiên thần đang hạ xuống, thông báo tin tốt lành về sự ra đời của Chúa. Bên trong mái vòm được trang trí bằng hình chạm khắc của 10 thiên thần...

Trong số 4 bàn thờ, bàn thờ ở trung tâm của nhà nguyện được cung hiến vào năm 1954 được chạm khắc hình chiếc lá phong của Canada để tưởng nhớ những người Canada đã đóng góp vào việc xây dựng nhà thờ. Trên các bức tường là những bức tranh mô tả lại cuộc sống của những người chăn cừu, khung cảnh thiên thần hiện ra và thông báo Chúa ra đời.

Tới thăm nơi Chúa giáng sinh

Ngôi sao bạc 14 cánh đánh dấu nơi Chúa được sinh ra.

Nhà thờ Chúa giáng sinh

Nhà thờ Chúa giáng sinh (Church of Nativity) nằm ở trung tâm quảng trường Máng Cỏ. Đây là một trong những nhà thờ Kitô giáo lâu đời nhất thế giới, được xây dựng vào năm 339 sau khi Đại đế Constantine và thái hậu Helena đến thăm nơi Chúa ra đời vào năm 327. Nhà thờ bị cháy rụi bởi cuộc nổi dậy Samaritan vào đầu thế kỷ VI và được hoàng đế Byzantine phục hồi vào năm 565. Cánh cửa vào nhà thờ rất nhỏ, bạn phải khom người mới có thể đi vào bên trong. Cửa vào nhà thờ trước kia khá rộng rãi, tuy nhiên quân Thập tự chinh đã cho bịt lại, chỉ để một ô cửa rất nhỏ.

Họ cho rằng Chúa đã sống trong một gia đình nghèo khổ, chịu khổ nhục trên thập giá thì mọi người khi bước vào nơi thiêng liêng này đều phải cúi người, hạ thấp mình xuống. Vì thế cửa này có tên là cửa Khiêm hạ.

Thánh đường nhà thờ được trang trí với nhiều đèn, nến, hình ảnh Thiên Chúa trang nghiêm, thâm trầm khiến du khách cảm thấy không khí thiêng liêng, thành kính. Bên dưới nhà thờ chính là nơi linh thiêng nhất: Nơi Chúa ra đời. Thái hậu Helena đã xác định nơi đây là máng cỏ mà Chúa Jesus đã nằm và lập bàn thờ ở đó.

Hiện nay, nơi này được đánh dấu bằng một bàn thờ chính, dưới bàn thờ là hang đá nằm sâu trong lòng đất nơi Chúa Jesus sinh ra. Bên trên là một ngôi sao bạc 14 cánh trên nền đá cẩm thạch. Các tín đồ Cơ đốc giáo và khách du lịch thường quỳ xuống cầu nguyện, áp tay hoặc hôn lên ngôi sao để tỏ lòng biết ơn. Khu vực này luôn đông đúc, mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt mình. Nhà thờ Chúa giáng sinh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và là di sản thế giới đầu tiên thuộc Palestine được công nhận.

Nhà nguyện Hang Sữa

Nhà nguyện Hang Sữa (Milk Grotto) có tên là Magharet Sitti Mariam/ Grotto of Our Lady, được các tu sĩ dòng Franciscan xây dựng từ năm 1872 trên nền của một nhà thờ Byzantine cũ có từ thế kỷ thứ V. Nhà nguyện Hang Sữa được xây dựng khá đặc biệt khi được gọt đẽo từ đá vôi.

Tương truyền đây là nơi Đức mẹ Maria đã trốn để cho Chúa Jesus bú trong khi ngài và thánh Giuse chạy trốn sự truy đuổi của quân lính của Đại đế Herod trước khi tới Ai Cập. Một giọt sữa của Đức mẹ Maria đã rơi xuống đất trong khi Chúa Jesus đang bú và biến những bức tường đá màu đỏ nâu của hang thành màu kem trắng. Hiện nay, Hang Sữa là điểm đến yêu thích của những cặp vợ chồng hiếm muộn từ nhiều tôn giáo khác nhau ở mọi nơi trên thế giới.

Những người theo đạo Thiên Chúa ở Bethlehem thường nói: “Mỗi ngày đều là Giáng sinh ở Bethlehem”. Quả thật, khi đứng ở thành phố thiêng liêng này, dù theo tôn giáo nào, du khách cũng đều có chung sự xúc động và lòng biết ơn. Những dấu tích của một thời lịch sử đầy biến động và hào hùng vẫn còn được bảo tồn tới tận ngày nay, những giá trị tâm linh có từ hàng ngàn năm vẫn được trân trọng giữ gìn. Có lẽ, giây phút được chạm tay vào ngôi sao bạc 14 cánh hay đứng trước nơi Đức mẹ Maria chăm sóc Chúa Jesus sẽ là những ký ức không thể nào quên của mỗi người khi tới Bethlehem.

Link nội dung: https://flowerstore.vn/noi-chua-sinh-ra-a39243.html