Hiện nay, có một căn bệnh được xem như là căn bệnh nan y ở thế hệ trẻ, đó chính là bệnh “lười biếng” - một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nó có thể hủy hoại một thế hệ tương lai đất nước. Từ cổ chí kim đến nay, con người ta vẫn luôn khen ngợi những đức tính cần cù, siêng năng, có công mài sắt có ngày nên kim, trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Tuy nhiên, tình trạng lười biếng ở thế hệ trẻ ngày nay càng phổ biến hơn. Vậy thì bệnh lười biếng ở thế hệ trẻ được biểu hiện như thế nào? nguyên nhân do đâu? và chúng ta nên giải quyết nó ra sao? Hãy cùng tôi đi tìm hiểu nhé!
Bệnh lười biếng làm cản trở thành công của giới trẻ (Nguồn: Internet).
Nguyên nhân
Đầu tiên, lười biếng được giải thích đơn giản là trạng thái chẳng muốn làm gì cả, không thích tìm hiểu, không muốn cố gắng, ngại làm tất cả mọi thứ. Lười biếng ở giới trẻ được thể hiện với suy nghĩ luôn trì hoãn công việc “ chưa tới hạn deadline, thôi để mai làm cũng được”; muốn đi làm việc kiếm tiền nhưng chưa có kinh nghiệm nên từ bỏ và ở nhà chẳng làm gì cả đó là lười hành động; nhác đọc sách là lười học hỏi; có người chỉ thích hưởng thụ, ăn bám bố mẹ người thân và trông chờ vào một ngày há miệng chờ sung, lười tập thể thao nâng cao sức khỏe… và còn muôn vàn cái lười khác không kể hết được ở thế hệ trẻ hiện nay, lười biếng đã trở thành một thói quen khó bỏ và rất khó để khắc phục chúng nếu thế hệ trẻ không tự cảnh tỉnh chính mình.
Vậy thì nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng lười biếng của giới trẻ ngày càng tăng cao như vậy? Nguyên nhân dễ thấy và quan trọng nhất chính là ở bản thân của các bạn trẻ, các bạn không có chí cầu tiến trong công việc và cuộc sống, có thể là các bạn đã quá quen với cuộc sống an nhàn, yên phận “thế là đủ rồi”, vậy thế nào là đủ hả các bạn trẻ ơi!. Ngay cả tỷ phú Bill Gates - người giàu thứ hai thế giới vẫn luôn làm việc chăm chỉ từng ngày, trong khi các bạn chưa bằng một phần mười của ông ấy, sao lại gọi là “đủ” cho được. Với những học sinh, sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì sự lười biếng được thể hiện như lười tham gia các hoạt động trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm; ngồi trong lớp học thì lướt mạng xã hội, chơi game, làm việc riêng, không chú ý đến bài giảng; thường đi học trễ không có tính kỷ luật trong công việc học tập lẫn sinh hoạt; đối với sinh viên nói riêng thì các bạn lười suy nghĩ, thích đi chơi hơn đi học lấy kiến thức, đi làm tích lũy kinh nghiệm. Và tất nhiên chính các bạn là người gánh chịu hậu quả khi lựa chọn cuộc sống “an nhàn” này, thua bạn bè cùng trang lứa, nhìn bạn bè của mình ai cũng có việc làm đáng ngưỡng mộ, thăng tiến trong sự nghiệp, trong khi bản thân mình không kinh nghiệm, không vững kiến thức, không kỹ năng gì ấn tượng, viết CV mà không biết nên ghi gì. Đến lúc đó, chắc chắn bạn sẽ thấy hối hận vô cùng vì đã lãng phí thời gian tuổi trẻ vào những những chuyện không đâu. Đúng như câu nói: “Thanh xuân như một ly trà/ Ăn xong miếng bánh hết bà thanh xuân”. Nguyên nhân nguy hiểm nhất, chính là các bạn không nhận ra bản thân mình đang “lười biếng”, đang dần dần đánh mất bản năng sinh tồn, bản năng sống của một con người.
Hậu quả của lười biếng (Nguồn: Internet).
Giải pháp
Cho nên các bạn trẻ ơi, hãy mau cảnh tỉnh bản thân đi nào! Các bạn đang sống trong thời đại 4.0 tiến bộ, văn minh, hãy biến khoa học kỹ thuật thành công cụ để nâng cấp bản thân chứ đừng để nó chi phối bạn. Hãy xây dựng cho mình thói quen độc lập từ nhỏ, ham học hỏi, tham gia nhiều hoạt động bổ ích để phát triển kỹ năng, năng lực của bản thân, đọc nhiều sách để có thêm kiến thức, bước ra ngoài đời mà va chạm với nhiều thử thách hơn nữa. Hãy xây dựng cho mình một thời gian biểu, lập kế hoạch cụ thể những việc bạn đang và sẽ làm ở hiện tại và tương lai. Để thoát khỏi căn bệnh lười biếng nguy hiểm này thì điều quan trọng nhất chính là ở bản thân các bạn, phải quyết tâm làm đến cùng, vượt qua giới hạn của bản thân để vượt qua những cảm giác rụt rè, sợ hãi mà dũng cảm gạt bỏ những thứ tầm thường đang chiếm lĩnh bên trong con người bạn. Hãy tìm cho mình một Leader giỏi, người sẽ dẫn dắt bạn bước qua ranh giới của sự sợ hãi và cho bạn những kỹ năng sống và làm việc tuyệt vời mà bạn chưa hề có. Hãy luôn chăm chỉ, ham học hỏi, khiêm tốn, lễ phép với các anh chị đi trước. Đầu tư thật nhiều cho bản thân những kỹ năng cẩn thiết phục vụ công việc như kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết phục người khác, học tiếng anh cho giỏi và đừng quên chọn cho mình một môn thể thao ưa thích để nâng cao sức khỏe nhé. Nhất định phải tự giác làm chứ không cần ai nhắc nhở. Hãy chịu trách nhiệm với bản thân mình. Chỉ có bạn mới chăm sóc được bản thân bạn mà thôi.
Kết luận
Tóm lại, chính bản thân mỗi người phải tự nhận thức được tác hại của bệnh lười biếng sẽ dẫn đến hậu quả gì, bên cạnh đó các bạn trẻ cần tạo lập cho mình một kế hoạch cụ thể để hạn chế sự lười biếng. Hãy làm việc thật chăm chỉ, cố gắng phấn đấu không ngừng và luôn nhớ rằng “trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
Tác Giả: Trần Uyên Nhi
Link nội dung: https://flowerstore.vn/thoi-quen-luoi-bieng-a40086.html