Ngọn núi nổi trên biển nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long

Núi độc lạ nhất Việt Nam

Núi Nổi, Hán tự là phù sơn, nằm bên bờ sông Tiền đoạn đi qua thị xã Tân Châu (An Giang) được xem là ngọn núi kỳ lạ bậc nhất Việt Nam. Lạ không chỉ bởi là ngọn núi duy nhất nằm trên nền đất phù sa hạ lưu sông Mê kông, mà còn bởi những màu sắc huyền bí bao quanh.

Đường vào Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng
Đường vào Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng

Lưu truyền, núi Nổi là “núi linh”. Trông từ xa, Núi Nổi như gò cao giữa cánh đồng mênh mông. Nhưng có điều rất kỳ bí là chưa bao giờ nước lũ có thể làm ngập được nó. Thậm chí có người còn loan truyền, núi có khả năng tự nổi trên mặt nước.

Chuyện kể rằng, có vị lão làng cho rằng đó là tin đồn mê tín, nên nghĩ ra cách đánh dấu mực nước vào sườn núi để theo dõi. Kỳ lạ thay, năm sau, dù nước vùng đầu nguồn lũ ngập mênh mông, nhưng mực nước ở núi Nổi vẫn lên đúng chỗ đóng dấu.

Chùa Núi Nổi trên Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng
Chùa Núi Nổi trên Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng

Từ đó, nhiều người truyền tụng núi linh thiêng. Chuyện tâm linh chưa ai kiểm chứng, nhưng có sự thật là dù lũ đầu nguồn sông Cửu Long cao đến mấy, Núi Nổi vẫn như chiếc phao xanh giữa biển nước.

Nhiều bậc cao niên ở địa phương kể với tôi rằng, xưa kia, khi lũ thượng nguồn Mê kông còn đổ về nhiều, gây ra lũ lụt lớn, nhưng núi Nổi chưa một lần bị nước lũ nhấn chìm. Có lẽ vì thế mà xung quanh ngọn núi này lấp lánh những câu chuyện ly kỳ.

Từ truyền thuyết năm xưa, ngày nay, tái hiện ảnh chiếc thuyền phía trước ngôi chùa Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng
Từ truyền thuyết năm xưa, ngày nay, tái hiện ảnh chiếc thuyền phía trước ngôi chùa Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng

Trong sách “Tân Châu 1870-1964”, ông Nguyễn Văn Kiềm đã chi chép lại câu chuyện liên quan đến sự linh ứng của Núi Nổi. Đó là cây cột cờ và cái mỏ neo. Theo đó, ngày xưa, chỗ này là một cù lao ngầm giữa Tiền Giang và Hậu Giang. Thương thuyền Hải Nam chẳng may vướng lên cù lao đó, nên bây giờ còn hai di vật ấy.

Có lẽ chính sự linh thiêng đó mà người dân trong làng lập ngôi chùa trên núi, gọi là chùa Núi Nổi (Phù Sơn tự). Sau nhiều lần tu bổ, năm 1934, ngôi chùa được cất kiên cố đến ngày nay.

Nơi khởi nguồn núi An Giang

Tuy chỉ rộng khoảng 300m2 và cao 10m so mặt nước biển, nhưng Núi Nổi chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống núi An Giang, mà các ngọn núi nổi danh như Núi Cấm, núi Sam… không có được. Theo ghi nhận trong “Địa chí An Giang”, toàn tỉnh có 37 ngọn núi thuộc 5 địa phương, gồm: Tân Châu, Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn.

Tuy không cao, nhưng Núi Nổi phải khiến mọi người ngước nhìn. Ảnh: Lục Tùng
Tuy không cao, nhưng Núi Nổi phải khiến mọi người ngước nhìn. Ảnh: Lục Tùng

Tuy có hình dạng, độ cao, độ dốc khác nhau, nhưng tất cả phân bố theo hình cánh cung và kéo dài gần 100 cây số. Trong đó, Núi Nổi nắm giữ vai trò quan trọng: Nơi khởi nguồn cả hệ thống núi ở An Giang.

Theo TS. Bùi Đạt Trâm, núi ở An Giang bắt nguồn từ Núi Nổi, sau khi đi qua Châu Đốc, tiếp tục trùm lên Tri Tôn, Tịnh Biên rồi kết thúc tại Thoại Sơn. Nối các điểm này lại, ta có hình ảnh chiếc cung đang căng dây, mũi hướng về phía biển Tây, như sự linh ứng về hướng khai mở bờ cõi vùng đất phương Nam của những bậc tiền nhân.

Chùa Núi Nổi được xây đựng kiên cố năm 1934, nhìn từ bên ngoài cổng. Ảnh: Lục Tùng
Chùa Núi Nổi được xây đựng kiên cố năm 1934, nhìn từ bên ngoài cổng. Ảnh: Lục Tùng
Bằng xấp hạng di tích cấp tỉnh đối với Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng
Bằng xấp hạng di tích cấp tỉnh đối với Núi Nổi. Ảnh: Lục Tùng

Giờ đây Núi Nổi được đầu tư trang nghiêm và trở thành điểm du lịch của vùng ven biên. Từ thị xã Tân Châu xuôi ra biên giới, đến cầu An Lôi Thôi rẽ trái thì đến Núi Nổi. Những hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi giang những tàn nhánh xung quanh núi như chiếc máy điều hoà thiên nhiên mang lại cho du khách không khí trong lành. Sau khi vào chùa khấn nguyện, mọi người dễ dàng chìm vào cảm xúc thanh tịnh…

Link nội dung: https://flowerstore.vn/nui-noi-an-giang-a41830.html