Mỗi khi nhắc đến đất nước Việt Nam người ta không chỉ nhớ đến sự xinh đẹp, hiếu khách mà còn nhớ về nét ẩm thực nơi đây. Ẩm thực của người Việt không chỉ là những món ăn, công thức chế biến mà đây là một nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống.
Ẩm thực theo tiếng Hán Việt, thì Ẩm có nghĩa là uống, Thực có nghĩa là ăn, dịch ra có nghĩa là ăn uống. Là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý pha trộn gia vị và những thói quen ăn uống nói chung.
Ẩm thực cũng có nghĩa là một nền văn hóa ăn uống của một dân tộc, trở thành một tập tục, thói quen, không chỉ là văn hóa vật chất mà còn là văn hóa tinh thần.
Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa hình thành từ rất lâu và theo một cách tự nhiên, mà mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có một nét riêng. Điều tạo nên văn hóa ẩm thực của nỗi nơi phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu nơi đó mà có những món ăn đặc trưng hay những cách ăn uống không bao giờ nhầm lẫn. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống…
Đất nước Việt Nam chúng ta là một nước thuần nông, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra, lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam, cùng với đó là 54 dân tộc anh em.
Chính các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã quy định những đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng - miền. Mỗi miền có một nét, khẩu vị đặc trưng. Điều đó góp phần làm phong phú về nét văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, về tổng thể, văn hóa ẩm thực Việt Nam có những nét đặc trưng chung như:
a) Tính hòa đồng, đa dạng
Tuy mỗi khu vực Bắc - Trung - Nam đều có những nét đặc trưng riêng, tuy nhiên không dừng lại ở đó, người Việt chúng ta còn tiếp thu, biến tấu những nét đặc trưng của từng vùng miền này từ đó chế biến thành món của mình. Ngoài ra, ngày nay họ còn tiếp thu nét văn hóa ẩm thực nước ngoài làm cho ẩm thực Việt ngày càng phong phú, đa dạng.
b) Tính ít mỡ
Các món ăn Việt với nét đặc trưng chủ yếu là các món ăn được chế biến từ rau, củ, quả không dùng nhiều thịt như các nước phương Tây và cũng không sử dụng nhiều mỡ trong chế biến món ăn như người Hoa.
c) Tính đậm đà hương vị
Khi ngồi vào bàn tiệc ăn uống chúng ta thường thấy rất nhiều loại nước chấm khác nhau để ăn kèm với những món phù hợp. Điều này có lẽ xuất phát từ đặc trưng ăn uống đậm đà hương vị của người Việt. Mỗi món khác nhau đều có nước chấm tương ứng phù hợp với hương vị.
Ngoài ra, khi chế biến thức ăn người Việt Nam thường dùng nước mắm để nêm, lại kết hợp với rất nhiều gia vị khác …nên món ăn rất đậm đà.
d) Tính tổng hoà nhiều chất
Các món ăn Việt là sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm như tôm, thịt, cá cùng với các loại rau, đậu, gạo…mang lại nhiều hương vị chua, cay, mặn, ngọt, bùi, béo khó quên. Điển hình của những món này có thể nhắc đến như các món lẩu, gỏi…
e)Tính ngon và lành
Ẩm thực Việt không chỉ ngon mà còn “lành”, minh chứng đó chính là các thực phẩm có vị mát như thịt vịt, ốc thường được chế biến kèm với các gia vị ấm nóng như gừng, rau răm… để cân bằng âm dương mà chỉ người Việt mới có.
f) Tính dùng đũa
Người Việt có thói quen dùng đũa trong khi ăn.Và dùng đũa gắp cũng là một nghệ thuật, gắp sao cho khéo, cho chặt đừng để rơi thức ăn…Đôi đũa Việt có mặt trong mọi bữa cơm gia đình, ngay cả khi quay nướng, người Việt cũng ít dùng nĩa để xiên thức ăn như người phương Tây.
g)Tính cộng đồng
Tính cộng đồng thể hiện rất rõ trong ẩm thực Việt Nam, bao giờ trong bữa cơm cũng có bát nước mắm chấm chung, hoặc múc riêng ra từng bát nhỏ từ bát chung ấy và mọi người cùng ngồi lại quây quần cùng nhau để thưởng thức.
h) Tính hiếu khách
Trước mỗi bữa ăn người Việt thường có thói quen mời nhau. Lời mời thể hiện sự giao thiệp, tình cảm, hiếu khách, mối quan tâm trân trọng người khác…
i) Tính dọn thành mâm
Người Việt có thói quen dọn thức ăn sẵn thành mâm, dọn nhiều món ăn trong một bữa lên cùng một lúc chứ không như phương Tây ăn món nào mới mang món đó ra.
Chính những điều này đã thể hiện nên những nét đặc trưng, độc đáo làm nên cái riêng mà chỉ người Việt mới có.
Link nội dung: https://flowerstore.vn/am-thuc-la-gi-a43516.html