Bị suy nhược cơ thể có nên truyền nước không? Khi nào nên?
Người bị suy nhược cơ thể có nên truyền nước (hay truyền đạm, truyền nước biển theo cách gọi của nhiều người dân) là vấn đề được quan tâm. Nhiều người cho rằng truyền dịch có thể giúp cải thiện mệt mỏi nhanh chóng. Vậy, suy nhược cơ thể có nên truyền nước biển không?
Bị suy nhược cơ thể có nên truyền nước không?
Trong một số trường hợp, để cải thiện chứng suy nhược cơ thể, tùy từng trường hợp người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định truyền dịch. Truyền dịch chỉ được thực hiện khi được bác sĩ chỉ định qua thăm khám và dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ y tế về các vấn đề như điều kiện vô khuẩn y tế, hàm lượng dịch, thời gian và tốc độ dẫn truyền dịch. [1]
>> Tham khảo: Suy nhược cơ thể nên truyền gì?
Tình trạng suy nhược cơ thể là gì?
Suy nhược cơ thể là tình trạng suy yếu sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, xảy ra do nhiều nguyên nhân. Khi bị suy nhược cơ thể, người bệnh luôn trong trạng thái thiếu năng lượng, mệt mỏi và uể oải. Người bị suy nhược cơ thể thường suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công hoặc làm tăng nặng các bệnh sẵn có. Tình trạng suy nhược cơ thể cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Truyền nước (truyền dịch, truyền đạm) là gì?
Truyền nước là cách gọi quen thuộc của phương pháp truyền dịch cho cơ thể người bệnh. Đây là phương pháp dẫn truyền nước (dịch) và các chất cần thiết bằng đường tĩnh mạch vào trong cơ thể. Truyền dịch là chỉ định y khoa chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm truyền đường tĩnh mạch. Hiện nay, có khoảng 20 loại dịch truyền được sử dụng trong y tế, thông qua quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại dịch truyền phù hợp với người bệnh với tốc độ truyền được kiểm soát chặt chẽ. Dịch truyền thường được phân thành 3 nhóm, cụ thể như sau:
Dịch truyền bổ sung chất dinh dưỡng: Glucose (hàm lượng 5%, 10%, 20% hoặc 30%), dung dịch chứa chất béo, chất đạm hay vitamin.
Dịch truyền bổ sung chất điện giải, nước: Dung dịch natriclorua 0,9%, lactate ringer, bicarbonate natri 1,4%….
Dịch truyền bù albumin: Dung dịch cung cấp albumin, huyết tương tươi, haes-steril, gelofusine, dextran….
Vậy, người bị suy nhược cơ thể có nên truyền nước không hay suy nhược cơ thể có nên truyền nước không? Suy nhược cơ thể truyền nước gì?
Khi nào nên và không nên truyền nước cho người suy nhược cơ thể?
1. Trường hợp có thể được truyền nước
Một số trường hợp có thể được bác sĩ chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch như:
Cơ thể bị mất nước: Khi kéo dài tình trạng nôn ói, sốt cao, hạ huyết áp, tiêu chảy… cơ thể có thể bị mất nước nghiêm trọng. Lúc này, để kịp thời bù lượng nước bị mất đi, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh uống nước hoặc truyền dịch (khi người bệnh không thể tự ăn uống).
Người bị suy nhược nghiêm trọng: Một số người bị suy nhược cơ thể mức độ nặng, không chủ động ăn uống có thể được bác sĩ chỉ định truyền dịch để bổ sung nước, vitamin và chất dinh dưỡng kịp thời.
2. Trường hợp không được chỉ định truyền nước
Một số trường hợp thường không được bác sĩ chỉ định truyền dịch vì tiềm ẩn gây nguy hiểm đến sức khỏe, điển hình như:
Người bệnh suy tim, suy thận (cấp và mạn tính), suy gan, chấn thương sọ não, tăng kali máu, tăng huyết áp….
Trẻ nhỏ sốt cao không nên truyền đường / muối để tránh nguy cơ phù não.
Người ăn uống bình thường.
Biến chứng có thể xảy ra khi tùy tiện truyền nước
Quá trình truyền dịch nếu không được bác sĩ chỉ định và kiểm soát nghiêm ngặt có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe như:
Sốc phản vệ: Sốc phản vệ có thể xảy ra khi người bệnh dị ứng thành phần của dung dịch được truyền, truyền sai loại dịch hoặc sai cách. Biểu hiện của sốc phản vệ bao gồm các triệu chứng như đau bụng dữ dội, khó thở, nổi mẩn hoặc mề đay trên da… Đây là tình trạng nguy cấp cần được chữa trị kịp thời để tránh biến chứng suy hô hấp, suy đa tạng, rối loạn tuần hoàn…
Dung nạp quá tải dịch: Quá tải dịch có thể dẫn đến tràn dịch lòng mạch gây áp lực nặng nề lên tim. Một số trường hợp, tình trạng quá tải dịch có thể gây tràn vào khoang màng phổi gây phù nề phổi đe dọa tính mạng của người bệnh.
Gây tổn thương nghiêm trọng cho cầu thận: Thận là cơ quan đảm nhiệm chức năng thải lọc của cơ thể. Vì vậy, khi truyền dịch sai cách, sai liều lượng có thể gây áp lực nặng nề lên thận tiềm ẩn rủi ro viêm cầu thận, thận ứ nước, thậm chí suy thận…
Nhiễm trùng: Truyền dịch là thủ thuật có sử dụng kim để đi vào đường tĩnh mạch của người bệnh. Do đó, nếu không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn y tế có thể gây nhiễm trùng. Người bị suy nhược cơ thể vốn có hệ miễn dịch kém không đủ khả năng chống chọi với sự tấn công của vi khuẩn. Vì vậy, để tránh nhiễm trùng, việc truyền dịch cho người bị suy nhược cơ thể cần được thực hiện ở cơ sở y tế, dưới sự giám sát của bác sĩ.
Các giải pháp thay thế truyền nước
Một người bị suy nhược cơ thể có nên truyền nước để cải thiện bệnh không? Trong những trường hợp không thật sự cần thiết, bác sĩ có thể không chỉ định người bị suy nhược cơ thể thực hiện truyền dịch. Thay vào đó, để cải thiện sức khỏe bác sĩ sẽ khuyến nghị người bệnh:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Đối với người bị suy nhược cơ thể chưa nghiêm trọng, chế độ dinh dưỡng hàng ngày đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cải thiện bệnh. Người bệnh nên ưu tiên bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng (sữa, trứng, cá, thịt, rau xanh, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc…), hạn chế thực phẩm ít dinh dưỡng, có hại cho sức khỏe (thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, nước ngọt có gas…). [2]
Uống nhiều nước: Người bị suy nhược cơ thể dễ bị mất nước nên cần uống nhiều nước để tránh rủi ro về sức khỏe. Người bệnh nên chia nhỏ lượng nước uống trong ngày, đồng thời có thể bổ sung thêm nước ép, sinh tố, súp… trong thực đơn dinh dưỡng của mình để cung cấp thêm nước và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Người bệnh suy nhược cơ thể nên thiết lập thói quen sống khoa học, ngủ đủ giấc, không thức khuya, tránh hoạt động quá sức, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần.
>> Tham khảo thêm: Dinh dưỡng cho người suy nhược cơ thể
Câu hỏi thường gặp khi truyền nước cho người suy nhược cơ thể
1. Có giải pháp nào trị suy nhược cơ thể tại nhà không?
Đối với trường hợp suy nhược cơ thể ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định phác đồ điều trị, theo dõi tại nhà với các biện pháp bao gồm:
Xây dựng lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học: Như đã nói, duy trì lối sống và chế độ nghỉ ngơi, tập luyện, ăn uống khoa học sẽ góp phần tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể. Nhờ vậy, giúp người bị suy nhược cơ thể thúc đẩy quá trình hồi phục, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Tránh căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái: Sức khỏe tinh thần đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện chứng suy nhược cơ thể. Bởi lẽ, tình trạng căng thẳng, stress có thể tạo điều kiện khiến cho các gốc tự do tấn công hệ miễn dịch, khiến bệnh suy nhược cơ thể ngày càng nghiêm trọng. Người bệnh suy nhược cơ thể nên tránh các tác nhân tiêu cực, ô nhiễm môi trường và có biện pháp giải tỏa căng thẳng phù hợp như xem phim, đọc sách, nghe nhạc….
Vận động nhẹ nhàng: Để giúp tối ưu quá trình trao đổi chất của cơ thể, người bị suy nhược cơ thể nên vận động nhẹ nhàng, vừa sức với tần suất phù hợp. Các môn có thể tập như đi bộ, bơi, dưỡng sinh…
Kiểm soát bệnh nền: Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị bệnh nền từ bác sĩ. Điều này sẽ góp phần giúp hạn chế biến chứng của bệnh, trong đó có suy nhược cơ thể.
2. Người mệt mỏi có nên truyền đạm không?
Người bị mệt mỏi nếu có thể tự ăn uống thường không cần truyền đạm hay truyền dịch. Tình trạng mệt mỏi, uể oải có thể được cải thiện bằng cách bổ sung dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để hồi phục thể trạng.
Lưu ý: Việc tự ý truyền dịch khi chưa có chỉ định từ bác sĩ có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Thăm khám và điều trị tại Chuyên khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vui lòng liên hệ:
Tóm lại, vấn đề bị suy nhược cơ thể có nên truyền nước hay không tùy thuộc vào từng trường hợp với chỉ định của bác sĩ. Suy nhược cơ thể là tình trạng nguy hiểm có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Vì vậy, khi nhận thấy bản thân có các dấu hiệu nghi ngờ bị suy nhược cơ thể, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.