Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trưởng nhóm Tuần hoàn ngoài cơ thể - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ là chuyên gia về Tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật tim và hồi sức tim, điều trị nội khoa Tim mạch.
Huyết áp là một thông số cho biết tình trạng sức khỏe. Huyết áp tăng đột ngột ít nhiều đều gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Do đó nhận biết và có cách xử trí khi bị tăng huyết áp đột ngột sẽ giúp mọi người có cách ứng phó phù hợp để giữ huyết áp ổn định, từ đó bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.
Huyết áp là áp lực của dòng máu trong lòng động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của mạch máu. Bác sĩ sẽ chẩn đoán Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Bên cạnh đó, huyết áp không phải luôn ổn định hay giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta ngay tại thời điểm đó. Chỉ cần một hoạt động nhỏ như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, bị xúc động... cũng sẽ làm huyết áp tăng lên. Tuy nhiên, cơ thể luôn phối hợp nhiều cơ chế để mau chóng đưa huyết áp trở về giá trị huyết áp bình thường.
Trong trường hợp huyết áp tăng cao và tăng nhanh liên tục, áp lực dòng máu trong lòng mạch máu quá lớn sẽ có nguy cơ dẫn đến các biến cố tim mạch. Điều đáng sợ nhất chính là vỡ mạch máu; nếu tại não thì gây ra xuất huyết não, bệnh nhân bị yếu liệt, nói khó hay nặng hơn là lú lẫn, hôn mê.
Nếu bệnh nhân đã có phình bóc tách động mạch chủ trước đó, với áp lực máu lớn, nguy cơ vỡ ra rất cao, nhanh chóng tụt huyết áp và tử vong. Áp lực dòng máu lớn cũng có thể gây bong tróc các mảng xơ vữa động mạch, làm tắc hẹp máu nuôi đến các cơ quan gây nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, tăng huyết áp đột ngột còn gây phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, chảy máu mũi liên tục, xuất huyết võng mạc làm mù lòa...
Hầu hết các trường hợp đến bệnh viện là khi tình trạng tăng huyết áp đột ngột đã gây tổn thương cơ quan đích. Cụ thể là bệnh nhân đến khám khi thấy đột ngột yếu liệt nửa người, miệng méo, đau ngực, khó thở, ho ra máu, nhìn mờ, chảy máu cam hay lơ mơ, chậm tiếp xúc. Các trường hợp này rất đáng tiếc vì nếu kiểm soát được huyết áp về bình thường thì tình trạng tổn thương cơ quan cũng khó khôi phục lại như bình thường.
Một số ít bệnh nhân nhạy cảm hơn, có khả năng tự nhận biết huyết áp đang tăng cao khi thấy đau đầu, đau gáy, cứng cổ, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói hay chỉ là cảm giác bứt rứt, lo lắng khó chịu mơ hồ. Lúc này, việc nhanh chóng tìm chỗ ngồi nghỉ và đo huyết áp để kiểm tra ngay lập tức là vô cùng cần thiết.
Cách xử lý huyết áp tăng đột ngột đầu tiên là đặt bệnh nhân ngồi nghỉ hay nằm nghỉ. Nếu đang làm việc ngoài trời, đang đi ngoài đường, ở nơi đông người thì nhanh chóng đưa vào nơi có bóng râm, mát mẻ, thoáng khí, yên tĩnh và tránh kích động, tránh âm thanh, ánh sáng mạnh. Có thể cởi bớt nón mũ, quần áo để người bệnh được thoải mái hơn và sau đó tiến hành đo lặp lại huyết áp.
Nếu huyết áp tâm thu vẫn cao trên 140 mmHg nhưng dưới 160 mmHg, có thể giữ người bệnh theo dõi tại nhà, hạn chế đi lại, chủ yếu nghỉ ngơi. Bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc huyết áp trong ngày theo toa điều trị. Đồng thời, cần hạn chế ăn mặn, không hút thuốc lá, tránh lo âu... để huyết áp về ổn định. Nếu vẫn còn bất thường, nên đi tái khám sớm hơn ngày hẹn để bác sĩ điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Nếu huyết áp tâm thu cao trên 160 mmHg, cần sử dụng thuốc hạ áp có sẵn tại nhà đã được tham khảo bác sĩ từ trước. Đây là các loại thuốc khống chế huyết áp khởi đầu tác dụng nhanh, thời gian tác dụng ngắn và thường có dạng bào chế là viên ngậm hoặc nhỏ giọt dưới lưỡi. Trong thời gian này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường và đo lại huyết áp. Trong trường hợp huyết áp vẫn còn cao hoặc tại nhà không có thuốc kiểm soát huyết áp tức thời thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm.
Trong bất cứ tình huống nào bệnh nhân vừa có tăng huyết áp đột ngột và vừa có các triệu chứng nêu trên như yếu liệt, đau ngực, khó thở, nhìn mờ, chảy máu, lừ đừ, mê man thì cần đưa đến khoa cấp cứu của các bệnh viện gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính suốt đời. Chỉ số huyết áp sẽ được giữ ổn định nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng cữ và tái khám định kỳ.
Ngoài ra, người bệnh cũng tích cực phòng tránh các yếu tố thúc đẩy làm huyết áp tăng cao. Một số người thấy huyết áp đang ổn định nên chủ quan không uống thuốc huyết áp hay quên thuốc, dẫn tới huyết áp tăng cao trở lại. Một số khác là do lạm dụng thuốc giảm đau hay uống thêm thuốc chữa cảm cúm, viêm nhiễm.... Nguyên nhân tiếp theo gây huyết áp tăng đột ngột là do hút thuốc lá hoặc có khẩu phần ăn quá mặn chứa nhiều muối và chất béo bão hòa. Ngoài ra, huyết áp cũng sẽ cao hơn nếu chúng ta có việc lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, dùng các thức uống kích thích như trà, cà phê, bia, rượu,...
Tóm lại, tăng huyết áp đột ngột là hiện tượng cần hết sức lưu ý bởi nó có thể dẫn đến các biến cố mạch máu nguy hiểm. Giữ thói quen thường xuyên theo dõi huyết áp của chính mình và người thân tại nhà, biết cách xử lý khi tăng huyết áp đột ngột sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Với những bệnh nhân có nguy cơ tăng huyết áp và bệnh nhân có dấu hiệu tăng huyết áp thì việc khám sức khỏe tại bệnh viện là vô cùng quan trọng để nhận biết rõ tình trạng huyết áp của mình, từ đó có các phương án can thiệp kịp thời. Gói khám Tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được triển khai nhằm giải quyết mong muốn này của bệnh nhân. Các bác sĩ về tim mạch của Vinmec sẽ thực hiện những biện pháp thăm khám cần thiết để xác định nguyên nhân, biến chứng và các cấp độ tăng huyết áp với kết quả chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Link nội dung: https://flowerstore.vn/cao-huyet-ap-phai-lam-sao-a47312.html