Điều trị rối loạn tiền đình theo đông y hiệu quả cao, an toàn
Rối loạn tiền đình là bệnh lý làm mất cân bằng về tư thế, khiến người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, ù tai, buồn nôn, hoa mắt, đi đứng lảo đảo,... Bệnh gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hiện y học hiện đại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các phương pháp điều trị y học cổ truyền được cho là mang lại kết quả khả quan đối với bệnh lý tiền đình.
Rối loạn tiền đình theo y học cổ truyền
Rối loạn tiền đình thuộc phạm vi chứng Huyễn vựng trong đông y. Huyễn vựng (huyễn là hoa mắt, vựng là chóng mặt) là chứng bệnh thường thấy trên lâm sàng, phần lớn gặp ở người có tuổi, tái phát nhiều lần.
Nếu trường hợp nhẹ thì nhắm mắt là hết, nhưng khi nặng thường kèm theo buồn nôn, nôn, ra mồ hôi, thậm chí hôn mê đứng không vững.
Theo các y văn cổ thì nguyên nhân chứng huyễn vựng có thể quy nạp vào các nguyên nhân sau:
Can dương thịnh: Hoặc cơ thể vốn dương thịnh, hoặc tinh thần không thư thái hay giận dữ, dương khí bốc hỏa làm hại can âm, hoắc thận âm hư sinh can dương thịnh (thận thủy hư không dưỡng can mộc, can phong động sinh chứng huyễn vựng).
Đàm trọc ủng tắc bên trong: Người ăn nhiều những chất béo ngọt gây tổn thương tỳ vị, chức năng vận hóa rối loạn, chất dinh dưỡng không thành tinh chất mà sinh đàm trọc ứ trệ trong cơ thể làm cho hoa mắt chóng mặt.
Thận tinh suy giảm: Do vốn bẩm sinh thận bất túc hoặc do lao động quá mức, do phòng dục quá độ gây nên thận tinh bị tiêu hao quá nhiều "sinh tủy không đủ, tủy thiếu thì não không được nuôi dưỡng (não là bể của tủy) sinh ra huyễn vựng
Khí huyết hư: Do bệnh lâu ngày, do chấn thương mất nhiều máu, hoặc do tỳ vị hư yếu, vận hóa suy giảm, khí huyết không đủ nuôi cơ thể và não nên phát sinh chứng huyễn vựng.
Theo y học hiện đại chứng huyễn vựng hay rối loạn tiền đình thường gặp trong các bệnh như hội chứng tiền đình, xơ cứng động mạch não, thiếu máu, huyết áp cao, suy nhược thần kinh và một số bệnh ở não,…
Điều trị rối loạn tiền đình theo đông y
Châm cứu chữa rối loạn tiền đình
Châm cứu giúp kích thích huyệt đạo, điều hòa âm dương, thông kinh hoạt lạc, từ đó làm giảm triệu chứng chóng mặt và phục hồi chức năng vận động cho người rối loạn tiền đình. Có thể thực hiện châm cứu cho các bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiền đình như hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, ngủ ít, mơ màng,…
Tuy nhiên, cần lưu ý không châm cứu cho những bệnh nhân cấp cứu, phụ nữ có thai, người có tiền sử bệnh lý tim mạch, hay đang gặp các vấn đề viêm nhiễm, lở loét ngoài da,…
Các huyệt được sử dụng trong châm cứu chữa rối loạn tiền đình như: Bách hội, Thái dương, Phong trì, Thượng tinh, Đồng tử liêu, Trung đô, Túc tam lý, Tam âm giao, Huyết hải, Thượng cự hư, Nội quan, Thái xung, Hành gian, Can du, Thận du, Hợp cốc, Lao cung,...
Ngoài châm cứu, có thể kết hợp nhĩ châm (châm loa tai) tại các huyệt Đởm, Can, huyệt Giao cảm, Thần môn, Thận. Hoặc cấy chỉ vào các huyệt để tạo theo phác đồ huyệt bên trên để tạo tác dụng kích thích kéo dài.
Xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp trị liệu dùng tay tác động lực lên các huyệt đạo, cân cơ và xương khớp của người bệnh. Khi kết hợp với châm cứu sẽ hỗ trợ việc châm cứu diễn ra hiệu quả hơn, làm suy giảm những cơn đau đầu, chóng mặt, buồn nôn do bệnh rối loạn tiền đình gây ra.
Một số bước xoa bóp bấm huyệt có thể áp dụng để giảm triệu chứng bệnh như:
Chải đầu: Dùng các ngón tay giống như chiếc lược chải đầu, theo hướng chải thẳng và chải ngang, vừa chải vừa kéo nhẹ chân tóc.
Ấn day chân tóc: Dùng đầu ngón tay ấn day theo hình lò xơ vùng chân tóc, ấn day nhanh mạnh 30 - 60 giây cho 1 điểm đau..
Chặt: 2 bàn tay chập lại, thực hiện thủ thuật chặt bằng ngón tay, tác động vùng đầu.
Gõ đầu: Dùng đầu các ngón tay vỗ quanh đầu, theo hai hướng ngược chiều nhau, vỗ thành vòng tròn.
Bóp đầu: Ngón cái 1 bên, các ngón tay còn lại 1 bên và thực hiện bóp. Hai bàn tay bóp đầu theo hướng từ dưới lên trên, bóp nhịp nhàng.
Rung: Hai tay ôm lấy đầu và thực hiện kỹ thuật rung với tần số nhanh.
Day, ấn, bấm huyệt: Xác định các huyệt tương tự phác đồ huyệt châm cứu rồi day huyệt từ 2 - 3 phút.
Bài thuốc chữa rối loạn tiền đình
Tuỳ thuộc vào thể bệnh, triệu chứng lâm sàng mà thầy thuốc sẽ cho các bài thuốc khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc điều trị rối loạn tiền đình:
Bài Kỷ cúc địa hoàng thang: Dùng trong trường hợp rối loạn tiền đình do hư chứng. Người bệnh đầu và mắt choáng váng, bệnh xảy ra chậm nhưng kéo dài liên miên, tâm hồi hộp, tinh thần mệt mỏi, tứ chi lạnh, mất ngủ, trí nhớ kém, mắt không nhìn rõ rệt, buồn nôn, mạch thường tế nhược, vô lực, rêu lưỡi trắng.
Bài Thiên ma câu đằng ẩm: Dùng trong rối loạn tiền đình do thực chứng (Can nhiệt thịnh). Người bệnh mắt váng đầu hoa đến khá nhanh và nặng, có khi xảy ra từng cơn, ngực bụng bị đầy và bứt rứt, buồn nôn, đầu mắt choáng váng đến nỗi không ngồi lên được. Tâm phiền, miệng đắng, mất ngủ nhiều mộng mị, đau buốt thắt lưng, mặt đỏ, mạch huyền hoạt hoặc huyền sác, lưỡi đỏ, rêu vàng.
Bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang: Dùng trong trường hợp rối loạn tiền đình do thực chứng (có đàm trọc ứ trệ).
Dưỡng sinh điều trị rối loạn tiền đình
Luyện ý: Luyện ý là luyện tinh thần, rèn luyện cách nghĩ, lối sống vui tươi, tâm hồn trong sáng, tránh xa lo toan, phiền muộn. Chính vì vậy, người mắc rối loạn tiền đình cần thư giãn tinh thần, tạo tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý.
Luyện tư thế: Một số tư thế, động tác dưỡng sinh có tác dụng an thần, thư giãn các cơ vùng cổ gáy, tăng cường lưu thông máu lên não và làm giảm triệu chứng bệnh như:
Động tác ngửa cổ lên trời
Người bệnh ngồi đúng tư thế, thoải mái trên ghế, giữ lưng thẳng, đặt lòng bàn tay trái hoặc phải lên phía sau cột sống cổ hoặc để xuôi theo thân.
Từ từ ngửa đầu ra phía sau, cằm hướng lên phía trần nhà.
Giữ trong 10 giây, rồi trở về tư thế ban đầu, ngày làm 02-03 lần, mỗi lần 10-15 nhịp.
Động tác cái cày
Nằm ngửa trên sàn, đầu không kê gối, hai tay, hai chân duỗi thẳng.
Ấn hai lòng bàn tay xuống sàn, đưa cả hai chân lên cao về phía trần nhà, từ từ uốn cong cột sống, hạ thấp chân qua đầu, ngón chân có thể chạm sàn.
Hít vào tối đa, giữ hơi. Hai tay có thể vịn vào eo để bảo vệ thắt lưng và giữ vững tư thế, hai chân có thể dao động từ 2-6 cái quanh vị trí ban đầu.
Thở ra hết, ép bụng, hạ chân về tư thế ban đầu. Thực hiện 1-3 lần.
Chế độ sinh hoạt phòng và điều trị rối loạn tiền đình
Chế độ ăn uống
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, phù hợp thời tiết và tình trạng bệnh tật. Mùa hè ăn mát (trái cây, canh rau), tránh đồ cay nóng,… Mùa đông ăn ấm, tránh đồ lạnh như kem, nước đá.
Bổ sung các thực phẩm giàu acid folic: rau chân vịt, nước ép cam, bánh mì, đậu trắng, lạc và mầm lúa mì.
Tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi tốt cho cơ thể.
Bổ sung vitamin, đặc biệt vitamin nhóm B, C.
Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, muối cao.
Tránh các thực phẩm và đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia,…
Chế độ sinh hoạt
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi và tái tạo năng lượng, đặc biệt là bộ não, tốt cho người rối loạn tiền đình.
Dưỡng sinh, tập luyện thể dục thể thao, yoga đều đặn giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
Thói quen lành mạnh như tắm nước ấm, xông hơi, không xem điện thoại trước khi ngủ,…
Rối loạn tiền đình gây ra tình trạng mất thăng bằng, có thể nguy hiểm nếu cơn chóng mặt gây té ngã. Điều trị rối loạn tiền đình bằng đông y lại mang đến một số lợi ích đáng kể. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.