Mỹ Tâm (sinh năm 2004, Bắc Giang) hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thời gian đầu, bạn trẻ này gặp rất nhiều khó khăn.
“Vốn là người hướng ngoại, tưởng rằng việc làm quen môi trường sống và kết bạn sẽ thật dễ dàng, vậy mà tôi đã mất 2-3 tháng đầu để có thể thích nghi với mọi thứ. Tôi thường có cảm giác cô đơn, không muốn giao lưu với ai, luôn nhớ gia đình của mình” - Mỹ Tâm cho hay.
Cũng như nhiều bạn trẻ khác, làm quen với việc tự quản lý chi tiêu cũng là một vấn đề nan giải với Mỹ Tâm. Không ít lần cô bạn đã rơi vào tình trạng "cháy túi" từ giữa tháng. Cùng với áp lực từ bạn bè, học tập, không có người thân bên cạnh khiến Tâm cảm giác tủi thân, mệt mỏi và áp lực.
“Khoảng thời gian ấy có thể nói rằng, tôi đã sụp đổ, vỡ mộng vì bước vào môi trường đại học không "màu hồng" như tôi từng nghĩ” - Mỹ Tâm bộc bạch.
Để khắc phục được những khó khăn, Mỹ Tâm đã lập ra kế hoạch, gồm những công việc cần thực hiện và hoàn thành từng điều một để không làm quá nhiều việc một lúc. Đồng thời Tâm cũng tham gia các hoạt động đoàn - hội để gần gũi hơn với các bạn sinh viên.
Còn với Hoàng Nhật (sinh năm 2004, Quảng Ngãi) hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học quốc gia TPHCM, những ngày sắp nhập học như một khoảng thời gian tạo nên “bước ngoặt” lớn. Nam sinh phải chuẩn bị mọi thứ từ vật chất cho tới tinh thần, sức khỏe để chuẩn bị “Nam tiến”, bắt đầu cuộc sống của một sinh viên xa nhà.
“Thời gian đầu, tôi cảm thấy khá lạ lẫm, từ phong cách, môi trường học tập cho đến những người bạn mới, cộng thêm việc phải sống một cuộc sống tự lập, tự chủ, cảm giác lúc đó của tôi khá là trống rỗng” - Hoàng Nhật chia sẻ.
Nhật cho biết, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là phải học cách quản lý thời gian để cân bằng việc học tập, nghỉ ngơi, ăn uống, chủ động trong công việc và lịch trình hàng ngày.
Nhìn lại khoảng thời gian là một sinh viên năm nhất, Nhật cảm thấy việc chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng trước mọi vấn đề là điều rất quan trọng.
Bùi Doãn Thiện (sinh năm 2003, Nghệ An) hiện là sinh viên năm 2 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước khi chuyển ra ngoài Bắc, cậu bạn đã có 1 năm sinh sống và học tập tại TPHCM.
Thiện chia sẻ: “Tôi ở miền Trung và phải di chuyển đến thành phố lớn để học tập và gặp phải rất nhiều khó khăn. Từ việc chuyển trọ liên tục do không hợp nguồn nước tới vài vấn đề với bạn chung trọ. Tôi đã rơi vào trạng thái khủng hoảng và bối rối, không biết phải đương đầu với những khó khăn đấy như thế nào”.
Là người miền Trung vào Nam học, Thiện đã gặp phải những bất đồng ngôn ngữ khi hai miền có rất nhiều những điểm khác biệt về cả từ vựng lẫn ngữ điệu trong lời nói. Thiện đã mất một thời gian dài để học cách giao tiếp với người dân thành phố, không ít lần gặp phải những câu chuyện “dở khóc dở cười”.
Tuy vậy, khi bắt đầu quen dần với cuộc sống trong Nam, Thiện lại phải chuyển ra ngoài Hà Nội học tập và sinh sống. Song lần này, bạn trẻ lại không gặp phải nhiều trở ngại như trước đây. Thiện đã áp dụng những kinh nghiệm đúc rút được để giúp bản thân nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Cũng như rất nhiều sinh viên sau khoảng thời gian sống xa nhà, Thiện nhận thấy rõ sự trưởng thành ở bản thân. “Khi phải rời xa bố mẹ, tự lập cuộc sống, dần dần mình cũng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm sống hơn, được trải nghiệm nhiều hơn và quan trọng là mọi vấn đề lớn nhỏ của bản thân đều do mình quyết định và chịu trách nhiệm” - nam sinh viên chia sẻ.
Link nội dung: https://flowerstore.vn/sinh-vien-xa-nha-a51462.html