Trong những năm gần đây, điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao, nhiều thí sinh lựa chọn xét tuyển vào khối ngành này. Đây là tín hiệu đáng mừng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục khi ngành sư phạm đang dần lấy lại vị thế và được thí sinh quan tâm nhiều hơn.
Ngành Sư phạm đang trở nên “có giá”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lý giải nguyên nhân ngành sư phạm nhận được sự quan tâm của thí sinh cũng như điểm chuẩn khối ngành này tăng cao trong những năm gần đây.
Theo Đại biểu, khối ngành sư phạm đang thu hút nhiều thí sinh vì những thông tin, bàn luận gần đây về tình trạng thiếu giáo viên, tăng lương cho giáo viên và việc lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Ngành sư phạm không chỉ đang thiếu giáo viên mà còn hứa hẹn mức lương hấp dẫn, thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn dẫn đến điểm chuẩn cao hơn.
Tuy nhiên, điểm chuẩn có thể cao hay thấp còn tùy thuộc vào lứa học sinh và đề thi. Một số đề thi phân hóa tốt giúp học sinh dễ đạt điểm trung bình nhưng khó đạt điểm giỏi, trong khi một số đề thi khác lại khiến điểm cao trở nên phổ biến, kéo theo mức điểm chuẩn tăng lên. Điều này cần được đánh giá từ nhiều góc độ.
Trao đổi với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, điểm chuẩn của khối ngành sư phạm tăng cao xuất phát từ việc chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo khối ngành sư phạm ít nhưng lượng thí sinh đăng ký vào các ngành đào tạo giáo viên đã tăng mạnh trong vài năm gần đây.
Những thông tin về tình trạng thiếu giáo viên, hệ thống các trường ngoài công lập (đặc biệt các trường có yếu tố quốc tế) có nhu cầu tuyển dụng cao; chế độ đãi ngộ với giáo viên dần được cải thiện và đặc biệt là những thông tin về lương giáo viên, sức hút từ Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh và phụ huynh.
Bên cạnh đó, khả năng phân hóa của đề thi tốt nghiệp chưa cao đã khiến điểm bình quân tăng lên, đặc biệt là ở khối khoa học xã hội. Sự "nở rộ" điểm 10 ở một số môn xã hội là nguyên nhân chính làm cho điểm trúng tuyển của các ngành sử dụng điểm những môn này tăng cao. Cụ thể, cả nước có 2.108 điểm 10 môn Lịch sử và 3.175 điểm 10 môn Địa lý.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nhìn một cách tích cực, ngành sư phạm đang dần lấy lại vị thế, hay nói cách khác là "đang có giá". Trong tương lai, chất lượng đào tạo ngành sư phạm sẽ được nâng cao và tình trạng thiếu giáo viên hiện nay sẽ phần nào được cải thiện.
Chỉ tiêu khối ngành Sư phạm có xu hướng giảm trong 2 năm qua
Có thể thấy một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn của khối ngành sư phạm tăng cao là do tỷ lệ thí sinh đăng ký vào các khối ngành sư phạm ngày càng tăng tuy nhiên chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên lại có xu hướng giảm.
Trong khi nhiều địa phương trên cả nước đang thiếu giáo viên, không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, thì chỉ tiêu ngành sư phạm và số sinh viên nhập học lại có xu hướng giảm.
Theo thống kê cho thấy, trong hai năm 2022 và 2023, số thí sinh nhập học nhóm ngành sư phạm luôn thấp hơn số chỉ tiêu được giao. Năm 2022, chỉ có 38.915 sinh viên sư phạm nhập học trên 48.545 chỉ tiêu được giao (tỷ lệ 80,6%), năm 2023 chỉ có 32.500 sinh viên sư phạm nhập học trên tổng số 36.461 chỉ tiêu (89,14%). [1]
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, đào tạo sư phạm hiện là khối ngành duy nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cụ thể nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, đồng thời thực hiện các yêu cầu của Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên như thống kế, chỉ tiêu đào tạo có xu hướng giảm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên được thực hiện dựa trên nhu cầu của từng địa phương. Cụ thể, hàng năm, các Ủy ban nhân dân tỉnh phải xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo từng cấp học và từng môn học, sau đó gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/01. Dựa trên nhu cầu này và năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục, Bộ sẽ xác định và giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học sư phạm.
Việc đào tạo giáo viên được thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu, với điều kiện địa phương phải chi trả kinh phí đào tạo và ràng buộc rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp phải làm việc trong ngành giáo dục, nếu không, họ sẽ phải bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, quy định này không bắt buộc sinh viên phải phục vụ tại chính địa phương đã chi trả kinh phí đào tạo, dẫn đến tình trạng nhân lực được đào tạo đặt hàng lại sang địa phương khác giảng dạy.
Ngoài ra, Nghị định 116/2020/NĐ-CP cũng chưa có quy định cụ thể về việc ai sẽ chịu trách nhiệm thu hồi kinh phí đào tạo trong trường hợp sinh viên không thực hiện cam kết. Hiện tại, nghị định chỉ đề cập rằng tỉnh bỏ tiền ra đào tạo sẽ thu hồi, nhưng không rõ ai thu hồi, phương thức và cơ chế thu hồi như thế nào. Điều này gây ra sự lúng túng cho các địa phương khi thực hiện.
Mặt khác, các tỉnh có điều kiện kinh tế tốt và chế độ đãi ngộ cao đối với giáo viên thường không gặp tình trạng thiếu giáo viên. Tại các thành phố lớn có mức lương và chính sách đãi ngộ ưu đãi, đồng thời có nguồn kinh phí dồi dào để đặt hàng đào tạo, nhưng lại không có nhu cầu cao về tuyển dụng giáo viên. Ngược lại, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu giáo viên lại thiếu ngân sách để đặt hàng đào tạo.
Các địa phương có nhu cầu thực tế lại ngần ngại đặt hàng do lo lắng về các ràng buộc và quy định chưa rõ ràng. Nhiều địa phương thiếu giáo viên nhiều nhưng không tổng hợp và báo cáo đầy đủ nhu cầu lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Bộ không có cơ sở để phân bổ chỉ tiêu một cách hợp lý cho các cơ sở đào tạo.
Kết quả, tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp tục và quy mô đào tạo giáo viên có xu hướng giảm. Khi các địa phương không xác định rõ nhu cầu hoặc báo cáo không đầy đủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không có cơ sở để giao chỉ tiêu phù hợp cho các trường.
Đánh giá nhu cầu giáo viên chưa đồng bộ
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, việc đào tạo và tuyển dụng tại địa phương còn gặp nhiều bất cập. Địa phương đặt hàng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP nhưng tuyển dụng sẽ theo quy định của Nghị định 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Như vậy, sinh viên tốt nghiệp có quay về địa phương và việc trúng tuyển công chức hay không sẽ theo một quy trình khác.
Hiện nay, có sự chồng chéo và bất cập trong cơ chế giữa các bộ ngành, gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách đào tạo và tuyển dụng giáo viên.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng, việc thiếu giáo viên còn do hạn chế trong biên chế được phân bổ bởi ngành Nội vụ. Mặc dù nhiều trường học có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng không thể tuyển do không có chỉ tiêu biên chế. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể tự quyết định biên chế và phải phụ thuộc vào ngành Nội vụ, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều nơi.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng đánh giá, tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương cũng đa dạng và phức tạp. Vì vậy khâu rà soát để đánh giá nhu cầu của các tỉnh là vô cùng quan trọng.
Một số địa phương thiếu giáo viên vì không có nguồn tuyển, do đội ngũ sinh viên sư phạm tốt nghiệp quá ít hoặc không có. Bên cạnh đó, một số nơi thiếu giáo viên do thiếu biên chế; dù nhu cầu thực tế đòi hỏi nhiều giáo viên hơn, nhưng tổng biên chế mà Bộ Nội vụ giao cho tỉnh hoặc ngành sư phạm lại không đủ.
Ngành sư phạm có quy mô trường lớp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhưng số lượng biên chế được giao lại không tương xứng với số lượng học sinh, thậm chí hàng năm còn phải tinh giản biên chế. Điều này dẫn đến tình trạng, dù có nhu cầu tuyển dụng lớn và nguồn tuyển dồi dào, nhiều địa phương vẫn không thể tuyển được giáo viên do thiếu biên chế. Thậm chí có những địa phương thiếu giáo viên cục bộ, tổng biên chế đủ nhưng có những môn lại thừa giáo viên nhưng cũng có những môn không có giáo viên.
Việc điều chuyển giáo viên giữa các tỉnh, miền và vùng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện và các chính sách thu hút, nhưng hiệu quả vẫn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Đây là một vấn đề phức tạp, cần có một hệ thống giải pháp tổng thể thay vì chỉ tập trung vào một biện pháp đơn lẻ, mới có thể giải quyết hiệu quả.
Bà Nga nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và xác định đầy đủ các yếu tố liên quan trước khi quyết định tăng quy mô đào tạo. Đặc biệt, các tỉnh phải đánh giá chính xác nhu cầu thực tế của địa phương và báo cáo đầy đủ, chính xác cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thiếu giáo viên hiện nay là vấn đề phức tạp, không thể giải quyết chỉ bằng việc tăng chỉ tiêu, quy mô đào tạo. Cần có sự điều chỉnh và cải thiện các chính sách hiện hành để đảm bảo rằng những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm có thể phục vụ đúng ngành nghề và địa phương cần. Đồng thời, cần xem xét lại cơ chế phân bổ biên chế để các trường có thể tuyển dụng đủ giáo viên, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo và chính sách đãi ngộ cũng là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân giáo viên, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Chỉ khi có một hệ thống chính sách đồng bộ và hiệu quả, chúng ta mới có thể giải quyết triệt để vấn đề thiếu giáo viên và đảm bảo chất lượng giáo dục trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/den-nam-2030-ca-nuoc-can-bo-sung-them-358579-giao-vien-post242225.gd
Link nội dung: https://flowerstore.vn/nganh-su-pham-a55237.html