Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, lại nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Trung Quốc - Việt Nam: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo cho Yên Bái có điều kiện và cơ hội thuận lợi để tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Địa hình: Yên Bái có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc - Đông Nam. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng thấp có độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Sông ngòi: Ngoài hai con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, còn có khoảng 200 ngòi, suối lớn nhỏ và hồ, đầm. Đầu thập niên 1960, Nga giúp thiết kế hồ Thác Bà là hồ nước nhân tạo có diện tích mặt nước trên 20.000 ha, với khoảng 1.300 đảo lớn nhỏ. Hồ có sức chứa 3-3,9 tỷ m3 nước với mục đích ban đầu là chạy nhà máy thuỷ điện Thác Bà, công trình thuỷ điện lớn đầu tiên ở Việt Nam.
Khí hậu: Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 22/230C; lượng mưa trung bình 1.500 - 2.200 mm/năm; độ ẩm trung bình 83 - 87%. Dựa trên yếu tố địa hình khí hậu, có thể chia Yên Bái thành 5 tiểu vùng khí hậu:
+ Tiểu vùng Mù Cang Chải với độ cao trung bình 900 m, nhiệt độ trung bình 18/200C, có khi xuống dưới 00C về mùa đông,
+ Tiểu vùng Văn Chấn - nam Văn Chấn, độ cao trung bình 800 m, nhiệt độ trung bình 18/200C, phía Bắc là tiểu vùng mưa nhiều, phía Nam là vùng mưa ít nhất tỉnh,
+ Tiểu vùng Văn Chấn - Tú Lệ, độ cao trung bình 200 - 400 m, nhiệt độ trung bình 21 - 320C
+ Tiểu vùng nam Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái, Ba Khe, độ cao trung bình 70 m, nhiệt độ trung bình 23 - 240C, là vùng mưa phùn nhiều nhất tỉnh,
+ Tiểu vùng Lục Yên - Yên Bình độ cao trung bình dưới 300 m, nhiệt độ trung bình 20 - 230C, là vùng có mặt nước nhiều nhất tỉnh, có hồ Thác Bà rộng 19.050 ha, có tiềm năng du lịch.
Thắng cảnh và di tích
Do có địa hình tự nhiên chia cắt bởi sông, núi, lại có cộng đồng gồm 30 dân tộc cư trú trên địa bàn nên tỉnh Yên Bái là địa phương nhiều tiềm năng để tạo ra sản phẩm du lịch nhân văn từ việc khai thác lễ hội truyền thống các tộc người và từ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, , nổi bật nhất là ruộng bậc thang Mù Căng Chải đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2007.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải: Mù Căng Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với trên 80% dân số là đồng bào Mông, nằm gọn giữa hai sườn núi, với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, cách Hà Nội chừng 300km về phía Tây Bắc. Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang.
Mù Cang Chải có 700 ha ruộng bậc thang (trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình). Ruộng bậc thang không chỉ cho năng suất cao và ổn định, góp phần cải thiện đời sống dân cư, góp phần hạn chế việc chặt phá rừng làm nương rẫy mà còn làm nên danh thắng kỳ vĩ. Đó là sản phẩm hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của người H’Mông qua bao đời. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Mùa gặt ở Mù Căng Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch. Tháng 10 là tháng đẹp nhất ở Mù Cang Chải và cũng là tháng thu hút khách du lịch nhiều nhất.
Thác Mơ: Lên Mù Cang Chải, từ trên cao du khách sẽ nhìn thấy thác Mơ như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại trải dài khoảng 3km. Thác Mơ nằm giữa đỉnh Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải).
Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Đi bộ khoảng 30 phút từ quốc lộ 32 vào đến chân thác, ngồi trên các bè mảng thả trôi, du khách sẽ cảm thấy như đang lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Với những dòng thác chảy dài trong suốt, bọt tung trắng xoá, phía dưới là dòng nước trong vắt, trên cao là khoảng trời xanh với muôn màu hoa rừng nở. Ở đây du khách sẽ thấy thác Mơ đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, với màu trắng hồng của hoa mơ, hoa mận, màu đỏ tươi của hoa chuối rừng, màu xanh trong của nền trời Tây Bắc, màu trắng trong tinh khiết của nước thác đầu nguồn, tất cả sẽ làm bạn khó quên. Nghỉ ngơi một lát, du khách đi tiếp đến điểm thác một tầng. Để đến được điểm thác 4 tầng, du khách tiếp tục đi bộ ngược theo dòng thác Mơ. Điểm thác 4 tầng này là nơi ấn tượng nhất để du khách có thể lưu lại những hình ảnh đẹp có một không hai khi lên Mù Cang Chải. Trước khi đến với điểm thác 4 tầng đặc sắc, du khách có thể nghỉ ngơi trên những tảng đá to, vuông vắn trải rộng như những cái chiếu, nhẵn nhụi, trơn tru và sạch bóng. Đến thác Mơ, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của miền sơn cước với không khí trong lành và tinh khiết.
Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Lào Cai, Sơn La đổ về. Thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc. Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên các bọt nước bốc hơi khiến cho ta thấy thác như được bao bọc bởi một chiếc khăn voan trắng. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Pú Nhu hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Với nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng 26 độ C, khí hậu trong lành, mát mẻ, thác Pú Nhu thực sự là điểm du lịch sinh thái của những ai yêu thiên nhiên hoang dã và muốn tìm hiểu về đất và người Mù Cang Chải.
Bản Lìm Mông: là 1 ngôi làng nhỏ người Thái ở bên kia con suối Nậm Có, trong thung lũng xã Tú Lệ, theo đúng tập tục định cư và sinh sống của người Thái, ở gần nguồn nước. Bản Lìm Mông là một trong những nơi có ruộng lúa đẹp nhất tại Mù Cang Chải.
Phiên chợ vùng cao: Đã từ lâu, xuống chơi chợ là nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống người dân vùng cao Mù Cang Chải. Ở huyện vùng cao này có 3 chợ chính là chợ ngã ba Kim, chợ huyện Mù Cang Chải và chợ Khao Mang. Mỗi chợ cách nhau khoảng 20 km bám theo quốc lộ 32. Ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi giao lưu văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Tại chợ cái gì cũng có nhưng đều do người nơi khác mang đến. Hàng thổ cẩm được bày bán ngay bên lề đường.
Chợ đá Lục Yên họp tại một địa điểm khá đẹp nằm ở góc hồ nước lung linh ở thị trấn Yên Thế. Chợ chỉ họp trong khoảng thời gian vài ba tiếng đồng hồ vào buổi sáng hàng ngày. Tùy mùa theo thời tiết mà phiên chợ diễn ra sớm hay muộn, nhưng áng chừng từ sáu rưỡi sáng người bán hàng bắt đầu đến chợ. Cả chợ có khoảng ba bốn mươi sạp hàng, người bán hàng đều là những phụ nữ, hầu hết đã gắn bó với cái chợ này từ khi nó hình thành. Theo lời dân địa phương, chợ này phát triển nhất vào những năm 1991, 1992 là những năm đầu người ta phát hiện ra ở Lục Yên có mỏ đá quý. Dân các nơi đổ đến đào đãi đá. Dân địa phươngcũng bỏ nghề làm ruộng, đi rừng để tìm đá. Ai đi đào đãi được chút ít lại mang về chợ bán. Phiên chợ chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ thì chợ tan.
Di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, nằm trong khuôn viên công viên Yên Hoà (rộng 30 ha), bên cạnh đại lộ mang tên nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, thuộc phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Hồ Thác Bà: là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam cách Hà Nội 140 km theo quốc lộ 2 về phía tây. Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1970 chặn dòng sông Chảy.
Nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, Hồ Thác Bà rộng gần 23.500 ha với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình. Đi thuyền trên hồ Thác Bà, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận.
Sau vài giờ lênh đênh trên sóng nước, du khách ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà. Hoặc du khách cũng có thể ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang Chùa São, Đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung... mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Tày, Dao rất đặc sắc.
Link nội dung: https://flowerstore.vn/yen-bai-thuoc-mien-nao-a56239.html