Vài nét về chữ Đạo và hai khái niệm Đạo gia, Đạo giáo

Vài nét về chữ “đạo” 道

Khi tìm hiểu về nguồn gốc tự hình, chữ “đạo” 道 không có dạng giáp cốt văn, dạng sớm nhất của nó là kim văn. Trong kim văn, tự hình của chữ đạo bao gồm hai bộ phận, phần bên ngoài chữ là “hành”, ngụ ý chỉ con đường đi. Ở giữa là chữ “thủ”, ý chỉ hành động dẫn đầu. Kết hợp lại được nghĩa gốc của chữ “đạo” là dẫn dắt, hướng dẫn, hay có thể hiểu một cách rộng hơn thì ý nghĩa của nó là cách thức để vận hành một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Đây là cách giải thích căn cứ vào tự hình trên kim văn của Hán tự cổ, có thể tin cậy, cũng có thể tồn nghi.

Đạo khả đạo, phi thường đạo (Lão Tử)
Đạo khả đạo, phi thường đạo (Lão Tử)

Trở lại với việc tìm hiểu xuất xứ của chữ “đạo”. Khái niệm “đạo” được Lão Tử đề cập đến đầu tiên. Trong Đạo đức kinh, ông nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, tức Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật. Và ông cũng nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh.

Vô danh, thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu”, có thể hiểu là Đạo mà có thể dùng ngôn ngữ để biểu thị được thì không phải là Đạo hằng thường bất biến; Danh mà có thể dùng ngôn ngữ để biểu thị được thì không phải là Danh hằng thường bất biến. Vô là khởi nguồn của trời đất; Hữu là nguồn gốc của vạn vật. Như vậy, Lão Tử đã nhấn mạnh hai khái niệm “đạo” và “danh”. Nếu chỉ xét riêng khái niệm “đạo”, có thể thấy Lão Tử đã định nghĩa cho nó là nguồn gốc của vạn vật trong vũ trụ.

Một số triết gia thời Tiên Tần cũng từng phát biểu hoặc định nghĩa về “đạo”. Trang Tử nói trong thiên Thiện tính rằng: “Đạo, lý dã” tức Đạo là lý vậy. Tương tự Trang Tử, Hàn Phi Tử cũng định nghĩa về Đạo trong thiên Giải Lão: “Đạo, lý chi giả dã” tức Đạo là Lý đó vậy. Quản Tử lại nói trong thiên Quân thần thượng như sau: “biệt giao chính phân chi vị lý, thuận lý nhi bất thất chi vị đạo”, nghĩa là phân biệt được các mối quan hệ trên dưới, chỉnh đốn ngay ngắn chức vị vua tôi thì gọi là lý; thuận theo lý mà thực hiện, không mắc sai lầm, thì gọi là Đạo. Nhìn chung, các học giả Tiên Tần, ngoại trừ Lão Tử, đều dùng khái niệm “lý” để giải thích “đạo”.

Có thể khái quát một cách giản lược, “đạo” là cơ sở của tự nhiên, không thể định danh, là quy luật vận hành của vũ trụ, là nguyên lý của trời đất, và là căn nguyên của vạn vật. Từ khái niệm “đạo”, phát sinh ra hai khái niệm thường gặp là “Đạo gia” 道家 và “Đạo giáo” 道教.

Phân biệt giữa “Đạo gia” 道家và “Đạo giáo”道教

Trước hết, cần xác định đây là hai khái niệm không đồng nhất.

“Đạo gia”, là một học phái trong bách gia chư tử thời Tiên Tần, với đại biểu là Lão Tử và Trang Tử. Học phái này chủ trương đạo pháp tự nhiên, vô vi tự hóa, ứng vật biến hóa. Như vậy khi nhắc đến khái niệm “Đạo gia” tức là nhắc đến một học thuyết triết học cổ đại phương Đông.

Khi nhắc đến “Đạo giáo” là nhắc đến một hình thức tín ngưỡng, tôn giáo. Tôn giáo này được hình thành trong khoảng thời gian từ thời Đông Hán đến thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều ở Trung Quốc. “Đạo giáo”có thể hiểu là sự giáo hóa hoặc thuyết giáo của “đạo”, hoặc cũng có thể hiểu là sự tín ngưỡng thờ phụng “đạo”, từ đó “Đạo giáo” được hiểu là hình thức tôn giáo lấy việc tu tập tinh thần làm phương pháp để đạt đến một cảnh giới được gọi là “thần tiên”. Với chức năng là một tôn giáo, “Đạo giáo” không chỉ có kinh điển giáo lý, các hình thức hoạt động tín ngưỡng thần tiên, mà còn có tông giáo truyền thừa, các tổ chức giáo đoàn, cơ sở tổ chức hoạt động tôn giáo.

Như vậy, “Đạo gia” và “Đạo giáo” là hai niệm khác nhau, tuy nhiên vẫn có mối quan hệ ở một mức độ nhất định, “Đạo gia” là cơ sở tiền đề của “Đạo giáo”. Cả “Đạo gia” và “Đạo giáo” đều lấy “đạo” làm nguyên lý cơ bản.

Như Châu

Link nội dung: https://flowerstore.vn/dao-la-gi-a57799.html