Đề tài nghiên cứu: "Hành vi lạm dụng ngôn ngữ mạng ở học sinh THCS"

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU: HÀNH VI LẠM DỤNG NGÔN NGỮ MẠNG Ở HỌC SINH THCS

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Từ khi đổi mới năm 1986 và nhất là từ năm 1998 khi mạng internet vào nước ta,Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng, sử dụng internet và mạng xã hội nhanh nhất thế giới: năm 2019 có đến 22 triệu học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội.

Với sự bùng nổ của mạng internet, của điện thoại di động, giới trẻ tự phát triển một loại ngôn ngữ mạng dành riêng cho mình - “ngôn ngữ mạng”. Ngôn ngữ này một mặt tạo ra sự khác biệt thể hiện sự tự tin, năng động, sáng tạo của giới trẻ nhưng mặt khác lại khiến hệ thống ngôn ngữ từ chữ viết đến tiếng nói đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngôn ngữ mạng là gì?

- “Ngôn ngữ mạng” là loại ngôn ngữ do giới trẻ tạo ra khi tham gia vào mạng internet và mạng điện thoại di động thường được sử dụng trên các diễn đàn (forum), mạng xã hội (zalo, facebook), các công cụ trò chuyện trực tuyến (yahoo, messenger…), trong tin nhắn điện thoại (sms),...”

- “Ngôn ngữ mạng” còn có những tên gọi khác như “ngôn ngữ chát”, “ngôn ngữ tuổi teen”, “ngôn ngữ @”.

Các biểu hiện của ngôn ngữ mạng

* Viết tắt chữ không dấu:

- Chữ “đi” thành “dj”, “không” thành “0”, “ko”, “k”, “kh”, “kg”, “bây giờ” thành “bi h”, “biết rồi” thành “bit rui...

* Viết tắt chữ có dấu:

- Và rất mới như: phở(đẹp đẽ, ngon lành), vãi(kinh khủng), hic(buồn), ...

- Biến thể “gần âm, cùng nghĩa”: Biết = bít, viết = vít, trời ơi = chài oai = cha`j oj, buồn = bùn = pùn, …

Chẳng hạn: “đâu gòi, seo hem chả lời zì hít zạ?” (đâu rồi, sao không trả lời gì hết vậy?)…

- Phức tạp như: “tuj wen^ rỌi di3n cho4 yOu mờ yOu zận d3n 1 tu4n l3. N3u h3m thyk chOj zOj tuj nữ4 thuj! (Tạm dịch: Tôi quên gọi điện cho bạn mà bạngiận đến một tuần lễ. Nếu không thích chơi với tôi thì thôi.)

Chèn tiếng anh: để thể hiện “đẳng cấp nhắn tin”:

“2day u co ranh o?” (hôm nay bạn có rảnh không?”; “g9” = “goodnight” = “chúc ngủ ngon”;.....

*Dùng từ ngữ, câu nói theo lối a dua, bất thường:

- Sử dụng những từ ngữ vô nghĩa:“Cạn lời”- “Hạn hán lời”- “Sa mạc lời”.

- Những câu nói a dua, những thành ngữ tùy tiện: “Sát thủ đầu mưng mủ”, “Chán như con gián”...

- Thay đổi những câu thành ngữ dân gian: “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”...

Hậu quả của ngôn ngữ mạng

-Trước hết, loại ngôn ngữ này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng thời có tác đông sâu sắc đến văn hóa giao tiếp trong xã hội. Những từ ngữ chuẩn mực với đầy đủ hàm nghĩa và sự biểu đạt của nó không còn được sử dụng. Thay vào đó là lớp ngôn ngữ lai căng, cẩu thả, tối nghĩa, dung tục lại được phổ biến. Điều đó rất nguy hại, có thể làm biến dạng ngôn ngữ và nền văn hóa dân tộc.

- Lạc trong ngôn ngữ là nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa về nhân cách. Không những thế nó còn gây nên lối sống buông thả, không còn tôn trọng pháp luật. Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ giao tiếp làm nảy sinh những suy nghĩ sai lầm. Từ đó dẫn đến các hành vi phạm tội trong giới trẻ.

-Lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, xung đột. Nhiều vụ ẩu đả dẫn đến án mạng cũng chỉ bởi vì “lời nói khó nghe” hoặc “khó hiểu” hoặc nhìn “thấy ghét” của các thanh niên.

-Giao tiếp kém tế nhị khiến cho con người xấu xí hơn trong mắt người khác. Người có lời nói thô tục, thiếu chân thực thường không được mọi người yêu thương, hợp tác hay giúp đỡ. Họ còn bị xa lánh, bị xua đuổi trong cộng đồng.

-Từ việc lệch lạc trong ngôn ngữ, thái độ sống của con người cũng lệch lạc theo đó. Họ thường tỏ vẻ ta , khó chịu với người khác. Họ thường ghét nhưng gì thuộc về cái đẹp, cái chuẩn mực. Họ thương kết giao với những người thấp kém, tầm thường. Sớm muộn gì họ cũng tự rơi vào hố sâu của các tệ nạn xã hội.

Nguyên nhân sử dụng

- Sự bùng nổ của công nghệ thông tin là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại…).

- Sự buông lỏng, thiếu sự quản lý chặt chẽ các trang báo mạng xã hội, các thông tin quảng cáo và kiểm duyệt các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền hình:

+ Các phương tiện thông tin đại chúng trong xã hội gây ảnh hưởng lớn đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ. Việc tiếp cận các văn hóa phẩm lệch lạc dễ dàng khiến cho giới trẻ mất kiểm soát bản thân.

+ Một số báo cũng đang ra sức cổ xúy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ ở giới trẻ qua những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. Đặc biệt là hiện tượng ăn theo sự kiện, vụ lợi của các kênh truyền hình vô tình biến một hình tượng lệch lạc trở thành trào lưu nóng, thu hút giới trẻ quan tâm và bắt chước.

- Mặt khác, các nhạc phẩm của các ban nhạc, lời của các bài hát sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, chạy theo thời thượng.

Giải pháp hạn chế ngôn ngữ mạng

- Về phía gia đình: Bố mẹ phải làm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài; những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ (viết, nói, giao tiếp) trẻ tiếp thu, bắt chước rất nhanh.

- Về phía nhà trường, xã hội:

+ Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt khi giao tiếp qua điện thoại, mạng xã hội; tự trau dồi và làm phong phú vốn ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài để nâng tầm văn hóa trong giao tiếp và tư duy; dạy đúng chuẩn tiếng Việt; không sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với học sinh; nghiêm cấm các hành vi chửi bậy, nói bậy trong nhà trường.

+Nhà nước phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không đảm bảo chất lượng và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiểm soát chặt chẽ thông tin mạng, sàng lọc thông tin kĩ lưỡng trước khi người đọc tiếp cận.

- Mỗi HS tự trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng chuẩn mực. Không nên chạy theo lối giao tiếp dễ dãi, lệch lạc mà làm mất đi văn hóa giao tiếp của chính mình.

Học sinh cần làm gì?

- Nhận thức: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân nước Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với cái mới - càng cần tỉnh táo, bản lĩnh trước thời hội nhập, để góp phần giữ vững bản sắc ngôn ngữ dân tộc mình.

- Hành động:

+ Luôn ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp, vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong học tập.

+ Luôn cập nhật, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới của thời hiện đại; hòa nhập nhưng vẫn giữ được phẩm chất trong sáng của người học sinh.

Như vậy, vấn đề văn hóa ngôn ngữ và giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho thế hệ trẻ nhất là cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Trong đó, bản thân giới trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại.

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO “NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT” CỦA LIÊN ĐỘI TRƯỜNG THCS ĐÀO SƯ TÍCH

Măng non xin chào các bạn! Trong chương trình phát thanh hôm nay Chi đội 8A gửi tới các bạn chương trình phát thanh với chủ điểm “ Nói lời hay - làm việc tốt”.

Trong cuộc sống, mỗi người giao tiếp bằng nhiều phương thức khác nhau như ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, hay thậm chí chỉ là ánh mắt không lời. Chính vì thế từ lâu trong xã hội đã hình thành nền văn hóa ứng xử như một cách làm cho mọi người có thể cư xử có chừng mực với nhau hơn.

Văn hóa ứng xử là nét đẹp văn hóa của mỗi người cần được phát huy và rèn luyện thường xuyên. Từ việc xây dựng cho mình một thói quen ứng xử có chừng mực hằng ngày thì bạn sẽ rèn luyện được tính cách cho bản thân mình.

Một người cư xử đúng mực luôn được yêu quý và tôn trọng. Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau. Có thể chúng ta chưa hiểu họ là người như thế nào nhưng trước hết hãy tỏ ra là người lịch sự, biết quan tâm, lắng nghe những gì người khác nói. Đây chính là ấn tượng ban đầu mà bạn tạo ra cho mình và cho người khác. Bạn sẽ nhận lại được rất nhiều từ lối sống có văn hóa này.

Khi chúng ta trò chuyện, cư xử có chừng mực với đối phương thì chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ tích cực về bạn và bắt đầu có những ấn tượng tốt.

Cư xử có văn hóa sẽ khiến bạn trở thành một người được yêu quý trong xã hội và có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp mà mình đang theo đuổi. Vậy tại sao bạn không rèn luyện thói quen này hằng ngày để thấy được hiệu quả của nó.

Bên cạnh những người cư xử có văn hóa thì vẫn còn tồn tại rất nhiều người không biết cư xử. Phần đông số người này ở tầng lớp thanh thiếu niên. Khi nói chuyện với người lớn thì cộc lốc, trống không, không biết thưa gửi, dùng ngôn ngữ mạng, tiếng lóng, chen từ nước ngoài. Điều này không những gây nên sự phản cảm khi trò chuyện mà còn khiến cho đối phương cảm thấy không hài lòng. Khi càng duy trì thói quen xấu này thì chắc chắn bạn đang biến mình thành một con người không có giáo dục. Đơn giản chỉ là lời chào, lời cảm ơn nhưng đối với họ lại quá khó khăn.

Bản thân những học sinh hiện nay đang ngồi trên ghế nhà trường thì hãy cố gắng là con ngoan trò giỏi, lắng nghe và lễ phép với cha mẹ, thầy Cư xử đúng mực, biết nhận sai khi mắc lỗi cũng là cách cư xử có văn hóa mà học sinh cần phát huy.

Cư xử có văn hóa hiện nay sẽ khiến cho mỗi chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn và giúp cho bạn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống.Trong cuộc sống, mỗi người giao tiếp bằng nhiều phương thức khác nhau như ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, hay thậm chí chỉ là ánh mắt không lời. Chính vì thế từ lâu trong xã hội đã hình thành nền văn hóa ứng xử như một cách làm cho mọi người có thể cư xử có chừng mực với nhau hơn.

Văn hóa ứng xử được hiểu là cách cư xử, giao tiếp, trò chuyện, trao đổi với nhau bằng những hành động rất đời thường hằng ngày. Tuy nhiên đối phương có thể nhìn vào đó để đánh giá được con người bạn như thế nào.

Từ việc xây dựng cho mình một thói quen ứng xử có chừng mực hằng ngày thì bạn sẽ rèn luyện được tính cách cho bản thân mình. Bạn đang tự xây dựng hình tượng của bản thân mình từ chính những hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt đó.

Các bạn ạ! Nói lời hay vẫn chưa đủ, mà nói lời hay phải đi đôi với làm việc tốt. Làm việc tốt thể hiện ở những việc rất nhỏ như: Nhặt được của rơi trả người đánh mất, khi có bạn gặp hoàn cảnh khó khăn chúng ta có thể giúp đỡ bạn trong điều kiện có thể của mình, khuyên bảo những bạn mắc khuyết điểm để giúp bạn tiến bộ, tham gia vào các hoạt động cộng đồng ở địa phương phù hợp với năng lực của bản thân mình. Dự án cộng đồng “ Nói lời hay, làm việc tốt” của chúng tôi đã chính thức khởi động, các bạn hãy tích cực tham gia vào các hoạt động của chúng tôi để có những trải nghiệm mới mẻ và bổ ích nhé!

Các bạn thân mến khi chúng ta làm được một việc tốt ta sẽ thấy vui hơn, cuộc sống quanh ta cũng trở lên tốt đẹp hơn, điều đó cũng giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Vậy mỗi học sinh chúng ta hãy rèn luyện bản thân mình, hãy luôn nói những lời hay, nói không với ngôn ngữ mạng và thường xuyên làm việc tốt để góp phần xây dựng nhà trường, địa phương ngày càng tốt đẹp hơn. Chúc các bạn một tuần học nhiều bổ ích. Buổi phát thanh măng non của chi đội 8A đến đây kết thúc. Xin chào và hẹn gặp lại.

Nhóm nghiên cứu KHKT

Link nội dung: https://flowerstore.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-ve-ngon-ngu-mang-a58368.html