U mạch máu là gì?
U mạch máu là khối u lành tính tạo nên bởi các mạch máu (như động mạch, tĩnh mạch, mao mạch) tăng sinh. Có đến 80% u mạch máu xuất hiện ở 1 vị trí trên cơ thể, 20% còn lại phối hợp ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó 60% u máu xuất hiện ở vùng đầu, mặt và cổ. Theo nghiên cứu, người ta phát hiện bệnh có tính chất gia đình, tuy nhiên vấn đề này chưa được khẳng định rõ ràng và cũng chưa tìm thấy gen đặc hiệu liên quan đến bệnh.
U mạch máu là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ
Phân loại u mạch máu
Căn cứ vào đặc điểm của các khối u, người ta chia u mạch máu thành 2 loại: tổn thương mạch máu mắc phải (hemangioma) và bệnh lý mạch bẩm sinh (vascular malformation).
- Theo tổ chức học
- U máu mao mạch: là thể thường gặp nhất, chiếm khoảng 60% tổng các ca. Những bệnh nhân u máu mao mạch, các mao mạch tăng sinh và giãn da nhưng không có sự tăng sinh của tế bào nội mô.
- U máu hang: dạng này chiếm khoảng 30%, u máu này có thể kết hợp với những tổn thương khác như u bạch mạch làm hình thành u máu - bạch mạch, kết hợp với những tổ chức khác như xương, cơ, sụn,... tạo thành u mạch máu trong xương, u mạch máu trong cơ…
- Theo lâm sàng
- U máu nông dưới da
Là u ở phần sát dưới da, chứa mao mạch giãn rộng, tăng sinh, ứ máu đi kèm tổ chức hang. Loại này xuất hiện sau, tiến triển chậm và thường chỉ được phát hiện khi đã có kích thước khá lớn. Kích thước u có thể bằng quả cam, xuất hiện đơn lẻ hoặc thành 3-4 u rải rác ở mặt, đặc biệt là vùng cổ. Da vùng u có màu bình thường hoặc tím nhạt, tĩnh mạch nông chạy phía trên, làm việc nặng hoặc cúi xuống u sẽ phình to ra.
- U máu sâu dưới da
Là loại ẩn ở phần mềm, sâu hơn lớp mỡ, có thể thâm nhiễm cơ và các cơ quan nằm sâu như tuyến nước bọt, thần kinh. Biểu hiện khá giống với u máu nông dưới da nhưng u máu sâu dưới da thường bị thâm nhiễm nhiều hơn, có tĩnh mạch chạy ở trên khối u, da hơi nhăn, có màu hồng hoặc tím.
Loại u này tiến triển chậm, gây rối loạn chức năng các cơ quan tùy vị trí phân bố và ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ. U có thể đè lên xương bên dưới, gây biến dạng, mài mòn, làm tiêu vôi dẫn tới loãng xương. Đặc biệt, u có thể xâm lấn vào xương, gây u máu trong xương.
- U máu phẳng (port-wine stain hay còn gọi là vết rượu vang)
Là bệnh bẩm sinh với tổn thương dị dạng ở các mao mạch da.Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những vết sẫm màu trên da, có màu hồng nhạt, đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm, nó không dày hơn về mặt da, có giãn mềm (tính chất tương tự như da thường và chỉ khác màu).
Kích thước u đa dạng, từ nhỏ như đồng xu tới lớn lan hết nửa mặt. Dạng u này có khuynh hướng phát triển, lan rộng theo tuổi, không gây rối loạn chức năng của các cơ quan nhưng ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ. Tuy nhiên, u cũng có thể tiến triển vào chiều sâu, thâm nhiễm các lớp da hoặc vào tổ chức mỡ, cơ, niêm mạc,... làm biến dạng mặt và phát triển lớn dần, ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan. Đồng thời, bề mặt vết bớt trở nên gồ, sùi hơn, tạo thành các cục nhỏ, da phủ trên u nhăn nhúm và biến thành u máu gồ (u máu củ).
- U máu gồ hay u máu củ
Có thể do bẩm sinh (thường gặp ở tuổi trung niên hoặc người cao tuổi) hoặc do u máu phẳng tiến triển. U gồ khỏi da từ vài mm đến 1cm hoặc dày hơn, có màu hồng đậm, đỏ tía, da phủ bên trên hơi nhăn, khi va chạm vào dễ chảy máu dẫn tới nhiễm khuẩn. U máu gồ khi tiến tới một mức độ nhất định sẽ tự động ngừng lại, không lan rộng thêm mà chỉ tăng khối lượng tại chỗ, nó có thể che kín mắt, môi, mũi,... gây ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan, tính thẩm mỹ cũng như tâm lý của người bệnh. Không chỉ vậy, u còn dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu, phần da dưới u có thể bị thâm nhiễm ít nhưng không lan tới lớp cơ bên dưới.
- Phình mạch rối
Dạng u này thường hình thành từ u máu gồ tự phát hoặc dưới ảnh hưởng của sang chấn hay thay đổi nội tiết tố (do mang thai). Đôi khi phình mạch rối là thể trung gian giữa u máu và tình trạng phồng động - tĩnh mạch.
Hình thái lâm sàng của u là một u gồ, kích thước như quả quýt, da trên u có màu hồng đậm, nhăn nheo, mỏng, đôi khi có tĩnh mạch nổi rõ, nhìn thấy rõ nhịp đập, dễ bị chảy máu và khi chảy máu thì khó cầm máu. Phình mạch rối làm mặt biến dạng, có thể ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan tùy vị trí mà chúng hình thành. Ngoài ra, u máu này còn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của tim mạch.
- U máu niêm mạc miệng
Có thể là u máu phẳng hoặc u gồ thể u, thường gặp ở lưỡi, môi, sàn miệng, hàm ếch, vòm miệng mềm, má, có thể lan vào amidan và kết hợp với lưỡi gà thành u gồ thể củ rất nguy hiểm. Niêm mạc trên u có màu đỏ đậm hoặc tím đậm, gồ nhẹ hoặc nhiều, gây vướng, dễ chảy máu, ảnh hưởng tới hoạt động ăn uống và giao tiếp.
- U máu trong xương hàm
Đây là loại u máu nguy hiểm nhất và có thể dẫn đến tử vong. Thường thì nó là u niêm mạc miệng hoặc lợi xâm lấn, phá hủy dần xương hàm. Hiếm gặp hơn là u máu phát triển từ trung tâm xương hàm, phá hủy dần lợi và răng...
- Một số thể u máu đặc biệt khác
U máu kết hợp, u máu rải rác Rendu và Osler, hội chứng Sturge-Weber-Krabbe và hội chứng Klippel-Trenaunay và Parkes Weber.
Nguyên nhân u mạch máu do đâu?
U máu là do sự tăng sinh bất thường của mạch máu lành tính. Nguyên nhân chính xác của sự tăng sinh vẫn chưa được biết rõ nhưng có thể là do di truyền, nếu bố mẹ bị bệnh thì con cái có 50% nguy cơ mắc bệnh. Do đó, nếu bố hoặc mẹ đã bị bệnh này thì bạn cần lưu ý con bạn cũng dễ mắc bệnh.
Một số giả thuyết về nguyên nhân được cho là gây bệnh u mạch máu ở trẻ như:
- Do rối loạn hormon: ở trẻ nhỏ, biểu hiện rối loạn hormon thường chưa rõ như người lớn, vì thế khó mà dựa vào rối loạn này để phát hiện u mạch máu. Ngược lại, có thể tư u mạch máu xuất hiện mà bố mẹ chú ý đến khả năng rối loạn nội tiết ở trẻ.
- Do rối loạn miễn dịch: trẻ bị suy giảm miễn dịch trong các trường hợp như bị bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dùng thuốc corticoid cũng dễ bị u mạch máu do bất thường về mạch máu: thông động tĩnh mạch, dị dạng tĩnh mạch, động mạch,...
- Do ảnh hưởng của hóa chất độc hại: cha mẹ thường xuyên làm việc, tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc môi trường sống của trẻ gần nơi bị ảnh hưởng của hóa chất.
- Do mẹ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus trong thời kỳ mang thai: em bé sinh ra có thể bị u mạch máu.
- Do chấn thương: con bị chấn thương do ngã, va đập phải vật cứng… cũng có thể xuất hiện u mạch máu.
Ai là người có nguy cơ cao mắc phải
Những người có các yếu tố sau sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:
- Nữ giới
- Trẻ sinh non
- Bé có làn da trắng
- Trẻ sinh ra từ thai kỳ đa thai
- Trẻ nhẹ cân hơn so với tuổi của thai.
Dấu hiệu, triệu chứng u mạch máu
U mạch máu có nhiều loại khác nhau nhưng có chung một số triệu chứng lâm sàng như:
- Màu đỏ hoặc tím, không đau
- Nổi gồ trên da hoặc niêm mạc
- Dùng tay bóp hoặc ấn thù u xẹp, buông ra thì lại phồng trở lại
- Khi va chạm, xây xát có thể gây chảy máu, có thể bội nhiễm vi trùng và làm chảy máu nhiều gây nguy hiểm tính mạng.
Một số triệu chứng khác có thể chưa được liệt kê nên nếu có bất kỳ thắc mắc gì về triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.
U mạch máu có nguy hiểm không (biến chứng)
U mạch máu mọc ở trong miệng, trên môi, mũi hay mi mắt có thể gây trở ngại cho trẻ trong việc ăn uống, hô hấp hay tầm nhìn. Nếu u quá to có thể làm mất thẩm mỹ và gây ra rối loạn máu.
Nếu u mọc trên bộ phận sinh dục nữ, trực tràng,.. có thể gây nguy hại nên người bệnh được các bác sĩ theo dõi cẩn thận và có phương pháp điều trị thích hợp. Trong quá trình diễn biến của u, có thể bị xuất huyết bên trong u, xuất huyết ra ngoài gây lở loét, bội nhiễm.
U máu ở họng, hạ họng nếu không chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ lan rộng và xâm lấn vào các tổ chức sâu như thanh quản làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng như khó thở, chảy máu ồ ạt và khó cầm máu do khối u ở sâu. Những trường hợp như thế phải cắt bỏ thanh quản bán phần hoặc toàn phần để lấy hết bệnh tích, tránh tình trạng tái phát.
Với những nguy hiểm của bệnh kể trên thì việc chẩn đoán sớm khối u là vô cùng cần thiết, giúp việc bảo tồn chức năng nuốt và nói cho bệnh nhân đồng thời đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất sau phẫu thuật, đặc biệt khi áp dụng kỹ thuật laser cho bệnh ở giai đoạn đầu tiên.
Điều trị u mạch máu hiệu quả
Chẩn đoán bệnh u máu
Việc chẩn đoán bệnh u lành mạch máu thường chỉ cần hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng là đủ. Tuy nhiên, nếu vẫn còn nghi ngờ chẩn đoán sau khi đã hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng thì bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết da.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu được xem là chỉ điểm cho tình trạng thâm nhiễm và biệt hóa của khối u mạch máu như:
- Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu trong nước tiểu và máu
- Yếu tố tăng trưởng beta nguyên bào sợi trong nước tiểu.
Siêu âm và chụp cộng hưởng từ có vai trò quan trọng trong việc:
- Phân biệt khối u máu với các tổn thương khác như hạch bạch huyết, u nang bạch huyết.
- Phân biệt khối u máu với bất thường liên quan đến hệ mạch máu khác như dị dạng mạch.
- Xác định vị trí khối u máu trong các cơ quan.
Điều trị bệnh u mạch máu
Có khoảng 90% các loại u mạch củ và 60% các u mạch dưới da hay hỗn hợp sẽ teo đi hoàn toàn trong vòng vài năm mà không cần đến sự can thiệp của y khoa. Tuy nhiên, có một số u mạch máu đặc biệt vì vị trí khu trú, kích thước hay u diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cần được can thiệp xử trí. U mạch không to ra trong vòng một hai ngày, khi điều này xảy ra thì cần đến bác sĩ ngay.
Một số phương pháp được dùng trong điều trị u máu như:
- Cắt, ghép da hoặc áp dụng phương pháp áp lạnh bằng nitơ lỏng nếu u máu phẳng.
- Phẫu thuật cắt bỏ u máu gồ, u máu dưới da nếu kích thước nhỏ, có ranh giới rõ. Nếu u to và ranh giới không rõ sẽ nguy hiểm nếu phẫu thuật, thay vào đó có thể tiêm gây xơ bằng thuốc tiêm xơ.
- Giải phẫu bệnh u mạch máu: áp dụng cho các khối u mạch máu ở người lớn và khối u lan rộng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể để lại những hậu quả nặng nề như tàn phế giọng nói.
- Laser: dùng làm biến chất các huyết sắc tố, làm đông đặc các mạch máu mà không tổn hại đến lớp thượng bì để loại bỏ những u máu còn khu trú. Phương pháp này có nhiều triển vọng, nhất là với những bớt sẫm màu, tuy nhiên nhược điểm của nó là gây đau đớn nhiều.
Điều trị bằng tia xạ và tiêm chất gây xơ hiện không còn được áp dụng do những tai biến mà nó có thể gây ra như ung thư tuyến giáp, sẹo hẹp thanh quản gây khó thở.
Một số cách hạn chế nguy cơ u mạch máu
Để phòng tránh bệnh u mạch máu, cần chú ý những yếu tố gây bệnh:
- Hóa chất độc hại có thể gây u mạch máu ở trẻ nhỏ nên nếu cha mẹ làm việc, tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại cần có biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, mặt nạ phòng độc, kính, đi ủng, găng tay để hạn chế những tác hại.
- Trẻ cần được cách ly với môi trường bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại.
- Phụ nữ mang thai cần phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
- Với trẻ nhỏ, luôn phải có người trông nom, bế ẵm để tránh bị ngã, va đập vào vật cứng hoặc đồ chơi gây chấn thương.
- Mặc quần áo dài, đeo tất chân, bao tay cho trẻ để tránh bị côn trùng đốt.
- Theo dõi và điều trị kịp thời các tổn thương do chấn thương hoặc vết côn trùng cắn tại các vùng mạch máu vì chúng là những tác nhân gây u mạch.
Như vậy, bài viết vừa giải đáp thắc mắc của rất nhiều người “U mạch máu có nguy hiểm không”. Mong rằng với những thông tin liên quan đến bệnh sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về cách điều trị cũng như phòng ngừa nguy cơ. BVĐK Phương Đông cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao với đội ngũ bác sĩ chuyên gia cùng trang thiết bị y khoa hiện đại. Để được tư vấn chi tiết về các dịch vụ khám chữa bệnh và đặt lịch, quý khách hãy gọi đến Hotline 1900 1806 để nhân viên tư vấn chi tiết.