Việc xác định các giai đoạn ung thư phổi là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị ung thư phổi, giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị phù hợp và có thể dự đoán tiên lượng của bệnh nhân.
Ung thư phổi là gì?
Phổi là cơ quan chính trong hệ hô hấp của cơ thể. Phổi cung cấp oxy và loại bỏ carbon dioxide cho máu, từ đó cung cấp năng lượng cho toàn bộ cơ thể.
Không khí bạn hít vào sẽ đi qua một hệ thống đường dẫn khí phức tạp, từ mũi qua vùng họng tới khí quản. Khí quản được chia thành 2 nhánh lớn gọi là phế quản chính. Hai phế quản chính lại chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn tương ứng với mỗi thùy phổi. Tận cùng của mỗi phế quản nhỏ là các túi chứa khí gọi là phế nang. Phế nang chính là nơi khí oxy được vận chuyển vào máu.
Ung thư phổi là loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào tại phổi. Một số loại ung thư có thể lan đến phổi nhưng không được xem là ung thư phổi, ví dụ như ung thư dạ dày lan đến phổi thì vẫn được xem là ung thư dạ dày.
Ung thư phổi thường bắt nguồn từ các tế bào lót trong đường dẫn khí của phổi. Đường dẫn khí này bao gồm hệ thống các phế quản, tiểu phế quản, phế nang. Ung thư phổi được chia làm 2 nhóm lớn dựa trên đặc điểm tế bào là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Ung thư là bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tế bào. Khi các tế bào bình thường bị biến đổi thành các tế bào ung thư, chúng mất đi quy luật phát triển bình thường. Chúng không chết như các tế bào bình thường khác khi đến thời điểm cần phải chết, thay vào đó, chúng tiếp tục nhân đôi và tạo ra hàng loạt các tế bào ung thư khác. Các tế bào ung thư phát triển không ngừng tạo thành khối u. Khối u ngày càng lớn dần, xâm lấn vào các đường dẫn khí và mô phổi xung quanh và thậm chí xâm lấn ra ngoài phổi, vào các cơ quan lân cận.
Tế bào ung thư phát triển không kiểm soát áp đảo các tế bào khỏe mạnh, phá hỏng chức năng phổi, chèn ép đường thở gây ra tình trạng suy giảm chức năng hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng. Không chỉ vậy, các tế bào ung thư phổi còn có khả năng di căn bằng cách tách ra khỏi khối u ban đầu, đi theo mạng lưới mạch máu và mạch bạch huyết đến các cơ quan khác để tiếp tục phát triển.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ là một tập hợp của nhiều loại tế bào ung thư phổi khác nhau. Một số loại ung thư phổi không tế bào nhỏ phổ biến là:
- Ung thư biểu mô tuyến, thường bắt nguồn từ các tế bào có khả năng tiết nhầy, lót bên trong các phế nang. Đây là loại ung thư phổi phổ biến nhất.
- Ung thư tế bào lớn, bắt nguồn từ các tế bào lớn phân bố rải rác khắp các đường dẫn khí của phổi.
- Ung thư tế bào gai (hoặc còn gọi là ung thư tế bào vảy), bắt nguồn từ các tế bào lót bên trong các phế quản.
Các giai đoạn ung thư phổi
Đánh giá giai đoạn cho biết phạm vi lan rộng của ung thư trong cơ thể. Việc xác định đúng giai đoạn sẽ giúp lập kế hoạch điều trị hiệu quả và đánh giá tiên lượng chính xác. (1)
ThS.BS Nguyễn Tiến Sỹ, khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, có bốn giai đoạn ung thư phổi không tế bào nhỏ, được xếp từ I đến IV.
- Ung thư phổi giai đoạn 0: Ung thư trước khi tiến triển thành các giai đoạn từ I đến IV được gọi là ung thư giai đoạn 0 (hay còn được gọi là Carcinoma In Situ = CIS). Ở giai đoạn này, tế bào ung thư chỉ tồn tại trong lòng đường dẫn khí của phổi và chưa xâm lấn vào các mô phổi lân cận.
- Ung thư phổi giai đoạn I đến giai đoạn III: Ung thư phát triển trong phổi, có thể lan đến các hạch bạch huyết kế cận nhưng chưa di căn xa đến các cơ quan khác. Giai đoạn I và II được xem là các giai đoạn sớm trong ung thư phổi, giai đoạn III là giai đoạn tiến triển tại vùng.
- Ung thư phổi giai đoạn IV: Đây là giai đoạn di căn, lúc này bệnh đã lan đến các cơ quan khác. Ung thư phổi thường di căn đến các cơ quan như não, gan, xương, tuyến thượng thận, hay di căn sang phổi đối bên.
Xem thêm:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 1
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 3
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 4
Giải mã phân đoạn T,N,M trong chẩn đoán giai đoạn ung thư phổi
Giai đoạn ung thư phổi được xác định dựa trên hệ thống phân đoạn TNM của Ủy ban Ung thư Hoa Kỳ (American Joint Committee on Cancer - AJCC) bao gồm 3 yếu tố chính: (2)
T (Tumor): Đánh giá khối tế bào ung thư hình thành đầu tiên trong phổi, hay còn gọi là u nguyên phát. Đánh giá T dựa trên 3 yếu tố sau:
- Đo lường kích thước u theo đơn vị centimet (cm).
- Mức độ xâm lấn của khối u vào các cấu trúc lân cận.
- Số lượng u trong phổi.
Yếu tố T đi kèm một chữ số từ 1- 4. Chữ số này biểu thị mức độ phát triển của khối u. Số lớn hơn tương ứng với mức độ phát triển nhiều hơn.
Yếu tố T T1 Khối u có kích thước ≤ 3 cm. T2a Khối u có kích thước > 3cm, ≤ 4 cm. Khối u có thể đã xâm lấn đến lớp lót bên trong phổi, hoặc các đường dẫn khí lớn. T2b Khối u có kích thước > 4cm, ≤ 5 cm. Khối u có thể đã xâm lấn đến lớp lót bên trong phổi, hoặc các đường dẫn khí lớn. T3 Khối u T3 có ít nhất một đặc điểm sau:- Kích thước >5cm, ≤ 7 cm.
- Xâm lấn thành ngực, các cơ quan như dây thần kinh quặt ngược, màng ngoài phổi, màng ngoài tim.
- Nhiều khối u trong cùng một phân thùy phổi.
- Kích thước > 7 cm.
- Xâm lấn các cơ quan như vòm hoành, tim, các mạch máu lớn của tim, thực quản, cột sống …
- Nhiều khối u ở các phân thùy khác nhau của phổi.
N (Node): Hạch bạch huyết (hay gọi tắt là hạch) là các cấu trúc nhỏ dạng bầu dục giúp cơ thể chống đỡ lại bệnh tật. Đánh giá yếu tố N là đánh giá mức độ lan đến các hạch bạch huyết lân cận từ khối u nguyên phát. Yếu tố N đi kèm một chữ số từ 1- 3. Chữ số này biểu thị mức độ lan rộng đến các hạch. Số lớn hơn tương ứng với mức độ lan rộng hơn.
Yếu tố N N0 Ung thư chưa lan đến hạch bạch huyết. N1 Ung thư đã lan đến hạch bạch huyết trong phổi. N2 Ung thư đã lan đến hạch bạch huyết dưới khí quản hoặc đến vùng ngực nằm kế cận phổi chứa u. N3 Ung thư đã lan đến hạch bạch huyết vùng ngực kế cận phổi đối bên, hạch bạch huyết trong phổi đối bên, hoặc hạch bạch huyết nằm trên xương đòn (xương quai xanh).
M (Metastasis): Yếu tố M cho biết ung thư đã lan đến các cơ quan khác của cơ thể (còn gọi là di căn). Ung thư phổi thường di căn đến các cơ quan như: não, xương, tuyến thượng thận, gan, phổi đối bên… (3)
Yếu tố M M0 Ung thư chưa di căn xa. M1a Ung thư đã di căn xa, vị trí di căn xa vẫn giới hạn trong lồng ngực. M1b Ung thư đã di căn đến 1 vị trí ngoài lồng ngực. M1c Ung thư đã di căn đến > 1 vị trí ngoài lồng ngực.
Kết hợp các yếu tố T, N, M cho ra giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn ung thư phổi IA T1 N0 M0 IB T2a N0 M0 IIA T2b N0 M0 IIB T3 N0 M0; T1 N1 M0; T2 N1 M0 IIIA T3 N1 M0; T4 N0 M0; T4 N1 M0; T1 N2 M0; T2 N2 M0 IIIB T3 N2 M0; T4 N2 M0; T1 N3 M0; T2 N3 M0 IIIC T3 N3 M0; T4 N3 M0 IVA T bất kỳ, N bất kỳ, M1a; T bất kỳ, N bất kỳ, M1b IVB T bất kỳ, N bất kỳ, M1cMột giai đoạn có thể bao gồm nhiều cách kết hợp các yếu tố T, N, M khác nhau.
Ví dụ giai đoạn IIB bao gồm: T3 N0 M0 hoặc T1 N1 M0 hoặc T2 N1 M0. Sở dĩ các cách kết hợp này đều được gộp chung vào một giai đoạn là vì chúng có tiên lượng tương tự nhau. Tiên lượng là một thuật ngữ y khoa dùng để dự đoán, đánh giá sự phát triển và diễn biến của một bệnh trong tương lai dựa trên thông tin và dữ liệu hiện tại. (4)
Trong một số trường hợp, giai đoạn có thể được xác định 2 lần: trước và sau phẫu thuật.
Giai đoạn được xác định trước khi điều trị gọi là giai đoạn lâm sàng. Giai đoạn này được ký hiệu bằng chữ cái “c = clinical”. Ví dụ như cT1bN0M0.
Giai đoạn được xác định sau phẫu thuật dựa trên các mẫu mô lấy ra từ cơ thể. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn giải phẫu bệnh, và được ký hiệu bằng chữ cái “p = pathological”. Ví dụ: pT2N1M0.
Nhiều trường hợp, bệnh ung thư chỉ xác định đúng giai đoạn sau phẫu thuật. Ví dụ: có một số hạch bạch huyết di căn chỉ được phát hiện sau phẫu thuật, hay một số hạch được chẩn đoán là hạch di căn trước phẫu thuật nhưng kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật lại là hạch bình thường.
Xem thêm:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu: Triệu chứng và điều trị.
- Ung thư phổi giai đoạn cuối: Triệu chứng, tiên lượng và điều trị.
Phương pháp đánh giá giai đoạn ung thư phổi
Theo ThS.BS Nguyễn Tiến Sỹ, hiện nay có các phương pháp chẩn đoán giai đoạn ung thư phổi gồm: (5)
- Nội soi phế quản: Đây là một thủ thuật sử dụng ống soi mềm có gắn camera giúp bác sĩ quan sát bên trong lòng đường dẫn khí của phổi. Nếu gặp tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể lấy mẫu để xét nghiệm.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Kỹ thuật này nhằm đánh giá kích thước, vị trí của khối u trong phổi, mức độ xâm lấn các cơ quan lân cận, cũng như để phát hiện sự lan rộng của bệnh đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này để đánh giá các tổn thương trong não hoặc tủy sống nếu nghi ngờ ung thư đã lan tới.
- Chụp PET-CT: Kỹ thuật này được áp dụng để đánh giá hoạt động của các tế bào ung thư trong cơ thể bằng cách sử dụng một chất phóng xạ. Các tế bào ung thư sẽ hấp thu nhiều chất phóng xạ hơn các tế bào bình thường và sáng hơn trên hình ảnh PET-CT.
- Sinh thiết kim nhỏ (FNA = Fine Needle Aspiration): Bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút tế bào từ khối u hoặc hạch bạch huyết bằng kim nhỏ qua da dưới hướng dẫn siêu âm hoặc CT.
- Sinh thiết mẫu mô: Kỹ thuật này giúp đánh giá đặc điểm tế bào ung thư. Mẫu mô có thể được lấy từ sinh thiết xuyên thành ngực, nội soi phế quản hoặc phẫu thuật.
- Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận, huyết học và các chất chỉ điểm ung thư như CEA, Cyfra 21-1.
- Xét nghiệm các đột biến gen hoặc các protein bất thường trên tế bào ung thư phổi như EGFR, ALK, ROS1, PD-L1… Các xét nghiệm này có thể được làm trên mẫu sinh thiết phổi hoặc mẫu máu.
Triệu chứng ung thư phổi
ThS.BS Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, ung thư phổi giai đoạn sớm thường không gây ra triệu chứng đáng kể, nhưng ở giai đoạn tiến triển các triệu chứng có thể xuất hiện rõ rệt. Một số triệu chứng thường gặp của ung thư phổi bao gồm:
- Ho kéo dài, ho ra máu, thường xuyên thở hụt hơi, đau ngực hay đau lưng liên tục, viêm phổi tái đi tái lại.
- Ung thư phổi thường được phát hiện khi người bệnh đến khám vì có triệu chứng, hoặc có khi được phát hiện tình cờ khi chụp CT, X-quang phổi; một số trường hợp được phát hiện thông qua chương trình tầm soát trên nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Ung thư phổi có điều trị khỏi được không?
Ung thư phổi giai đoạn sớm có thể điều trị khỏi hẳn bệnh. Tuy nhiên, đa số các trường hợp ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn trễ, việc điều trị chỉ nhằm làm giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Việc lựa chọn phương thức điều trị nào, ngoài giai đoạn bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các bệnh lý nền…
Đối với ung thư phổi giai đoạn sớm và tiến triển tại vùng, có 3 phương thức điều trị bước đầu như sau:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị nhằm lấy khối u, hoặc cơ quan mang u ra khỏi cơ thể. Phương pháp này thường được lựa chọn khi ung thư chưa di căn hạch hoặc chỉ di căn hạch trong phổi (N1). Sau phẫu thuật, điều trị hỗ trợ thường dựa trên các xét nghiệm dấu ấn sinh học; ngoài hóa trị thì các thuốc điều trị nhắm trúng đích hoặc miễn dịch cũng có thể được lựa chọn.
- Xạ trị: Đây là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao (tia xạ) để điều trị ung thư. Tia xạ làm tổn thương tế bào ung thư, khiến chúng ngừng sinh sản và chết đi. Xạ trị có thể được sử dụng theo nhiều cách khau, có thể phối hợp với phẫu thuật và hóa trị. Ở một vài trường hợp, xạ trị có thể tiến hành sau phẫu thuật nhằm điều trị ung thư còn sót lại gần vị trí khối u. Xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị, còn gọi là hóa xạ đồng thời.
- Hóa trị: Đây là phương thức điều trị ung thư bằng thuốc hóa chất. Hóa trị thường được tiến hành theo đợt, theo sau bằng một khoảng nghỉ, như vậy cơ thể có thời gian phục hồi chuẩn bị cho lần hóa trị kế tiếp. Hóa chất được truyền chậm qua tĩnh mạch, từ đó đi khắp cơ thể người bệnh. Hóa trị có thể được dùng trước hoặc sau phẫu thuật, có thể kết hợp hóa trị với xạ trị.
Khám tầm soát, phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm
Tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn III - IV, gây nên nhiều gánh nặng cho hệ thống y tế và tiên lượng điều trị kém.
Tầm soát ung thư có ý nghĩa quan trọng giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có được cơ hội chữa trị tốt nhất, nâng cao tỷ lệ sống và giúp giảm chi phí điều trị.
Dưới đây là đối tượng được khuyến cáo nên tầm soát ung thư phổi hàng năm theo Cục Y tế dự phòng Hoa Kỳ (CDC): Người ≥ 50 tuổi + tiền sử hút thuốc 20 gói.năm hoặc nhiều hơn. Đơn vị gói.năm = số điếu thuốc hút trung bình 1 ngày/20 × số năm hút thuốc (một gói có 20 điếu).
Phương pháp hiệu quả cao nhất để tầm soát ung thư phổi và hiện đang được khuyến cáo là chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp, hay còn gọi là chụp CT ngực liều thấp.
Chụp CT ngực liều thấp sử dụng hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) cùng một lượng bức xạ thấp hơn nhiều so với lượng chuẩn, giúp chụp lại hình ảnh bên trong cơ thể từ nhiều góc độ khác nhau. Trong tầm soát ung thư phổi, chụp CT ngực liều thấp không cần sử dụng thuốc cản quang.
Kết quả chụp CT ngực liều thấp sẽ được so sánh với kết quả trước đó. Thời gian cho lần chụp kế tiếp có thể là hàng năm, hoặc thay đổi tùy theo nguy cơ và kết quả ở những lần chụp CT trước đó.
Việc tiếp xúc nhiều lần với lượng bức xạ thấp cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư. Vì vậy, tầm soát chỉ được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị hệ thống chụp CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có nhiều ưu điểm vượt trội trong tầm soát ung thư phổi giai đoạn sớm. Cụ thế máy cho hình ảnh phổi từ nhiều góc độ, không bị chồng lấp bởi các cơ quan khác trong lồng ngực như chụp X-quang thông thường. Nhờ đó, chỉ cần sử dụng tia X liều thấp, hệ thống có thể phát hiện các nốt phổi bất thường kích thước nhỏ 2-3 mm, tăng cơ hội điều trị khỏi ung thư phổi cho người bệnh.
Bệnh nhân nên chủ động thăm khám khi có các triệu chứng bất thường xảy ra như:
- Ho nhiều, ho dai dẳng
- Ho có đờm
- Ho ra máu
- Bị đau ở ngực hoặc vai
- Mệt mỏi, suy nhược
- Hụt hơi
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Quan trọng nhất, đối với những người đang hút thuốc lá, bỏ hút thuốc lá ngay khi có thể là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân trong gia đình.
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư phổi tại khoa Ung bướu, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:
Giai đoạn ung thư phổi ở thời điểm phát hiện ảnh hưởng trực tiếp đến tiên lượng sống của từng bệnh nhân. Vì vậy ThS.BS Nguyễn Tiến Sỹ khuyến nghị, bên cạnh duy trì lối sống khỏe mạnh, những người có nguy cơ cao nên chủ động tầm soát bệnh định kỳ.