Công việc ngành Logistics hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ bởi cơ hội việc làm đa dạng và thu nhập tốt. Vậy, bạn đã biết gì về những công việc ngành Logistics? Mức lương ngành Logistics là bao nhiêu? Trong bài viết này, Ms Uptalent sẽ tiết lộ mức lương ngành Logistics và mô tả công việc ngành Logistics cùng bạn đọc. Các bạn hãy cùng tìm hiểu nhé! MỤC LỤC 1- Nhân viên kho 2- Nhân viên kinh doanh 3- Nhân viên chứng từ 4- Nhân viên cảng 5- Chuyên viên thu mua 6- Nhân viên giao nhận 7- Nhân viên hải quan 8- Chuyên viên thanh toán quốc tế Tham khảo >>>> Việc làm supply chain CẦN TUYỂN GẤP
Công việc chung của ngành Logistics
Ngành Logistics bao gồm ba mảng hoạt động chính là kho bãi, vận chuyển và giao nhận. Theo đó, mỗi mảng hoạt động sẽ có những công việc khác nhau, chẳng hạn như:
- Bốc xếp hàng hóa, dỡ hoặc bốc xếp hàng lên tàu, xe, container,…
- Cho thuê kho bãi, lưu trữ hàng hoá.
- Thực hiện các thủ tục hải quan, lên kế hoạch vận chuyển, bốc dỡ hàng.
- Cung cấp các dịch vụ vận tải đường biển, thuỷ nội địa, hàng không, đường sắt, đường bộ và đường ống.
- Cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, lưu kho hàng hoá, quản lý thông tin vận chuyển, xử lý hàng hư hỏng, hàng lỗi, hàng tồn kho, hàng bị trả lại,…
- Cung cấp các dịch vụ phân tích kỹ thuật, dịch vụ bán buôn, bán lẻ,…
Với sự đa dạng của các mảng hoạt động, ngành Logistics mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuỳ thuộc vào từng vị trí, vai trò công việc mà mỗi người sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Logistics hiện là ngành hot với cơ hội việc làm thuộc mọi loại hình doanh nghiệp, mọi lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực có mức lương rất hấp dẫn.
Với những vị trí ít kinh nghiệm, mức lương dao động từ 5 - 9 triệu/tháng. Tại các vị trí cấp cao và trưởng nhóm, mức lương thường từ 9 - 13 triệu/tháng. Còn với những vị trí quản lý mức lương khoảng từ 15 - 23 triệu, nhưng có những doanh nghiệp sẵn sàng chi trả tới 80 - 100 triệu/tháng cho vị trí này.
Nhìn chung, mức lương ngành Logistics sẽ phụ thuộc vào vị trí công việc cũng như năng lực và kinh nghiệm của mỗi người. Bạn có thể tham khảo mức lương một số vị trí công việc ngành Logistics sau đây để thấy rõ điều này.
1- Nhân viên kho (Warehouse Staff)
Các công việc Nhân viên kho phải làm bao gồm:
- Tiếp nhận đơn hàng và sắp xếp lịch vận chuyển hàng.
- Quản lý hoạt động điều phối, bốc xếp và giao nhận hàng hóa.
- Hướng dẫn, giám sát việc kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa từ khi xuất kho đến khi tới tay khách hàng.
- Quản lý, chuyển giao hóa đơn, chứng từ liên quan.
- Phối hợp với các cá nhân, bộ phận và khách hàng để giải quyết các sự cố phát sinh.
Mức lương
Mức lương của Nhân viên vận hành kho hiện vào khoảng 6 - 8 triệu/tháng. Để đảm nhận công việc này bạn cần có kiến thức chuyên môn về vận tải, nghiệp vụ ngoại thương và các kỹ năng quan trọng như: phân tích, tổng hợp, lập kế hoạch, tin học văn phòng, tính cẩn thận, tinh thần trách nhiệm trong công việc,…
Nhìn chung, đây là vị trí không thể thiếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trách nhiệm của vị trí này là quản lý số lượng hàng hoá được lấy ra, lấy từ đâu, phân phối như thế nào, vận chuyển ra sao,…
2- Nhân viên kinh doanh (Sales Logistics)
Các công việc của Nhân viên kinh doanh gồm có:
- Cung cấp thông tin và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty.
- Giữ liên lạc với các khách hàng hiện tại của công ty, cập nhật chính sách, ưu đãi mới cho họ.
- Quảng bá dịch vụ, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng mới.
- Hỗ trợ giải quyết khi có vấn đề phát sinh.
Mức lương
Mức lương trung bình của Nhân viên kinh doanh ngành Logistics hiện vào khoảng 6 - 20 triệu/tháng. Nhiệm vụ chính của vị trí này chính là bán “dịch vụ vận chuyển”.
Với vai trò thúc đẩy hành vi mua hàng và gia tăng doanh thu cho công ty, Nhân viên kinh doanh phải có các kiến thức về bán hàng, hàng hải cùng với đó là các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, xử lý tình huống và kiên nhẫn.
3- Nhân viên chứng từ (Document Clerk)
- Soạn thảo, xử lý các chứng từ xuất nhập khẩu: hợp đồng, vận đơn, hóa đơn, lệnh giao hàng,…
- Chuẩn bị bộ chứng từ khai hải quan, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng và các công văn, tờ trình cho các bên liên quan.
- Liên hệ với khách hàng, phối hợp với bộ phận hiện trường làm thủ tục thông quan hàng hóa.
- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ.
Mức lương Nhân viên chứng từ
Hiện tại, vị trí Nhân viên chứng từ có mức lương trung bình từ 6 - 10 triệu/tháng. Trách nhiệm chính của Nhân viên chứng từ là thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến chứng từ hàng hoá xuất nhập khẩu. Họ phải đảm bảo tính chính xác của bộ chứng từ trên tàu và đảm bảo hàng hoá được giao đúng quy trình, thủ tục pháp lý.
Để đảm nhận công việc này, bạn cần có kiến thức chuyên môn về thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, chạy lệnh. Đồng thời, bạn cũng phải thành thạo ngoại ngữ, tin học văn phòng và thành thục các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, có tinh thần trách nhiệm, tỉ mỉ trong công việc.
4- Nhân viên cảng
Công việc Nhân viên cảng thường bao gồm:
- Kiểm tra về an toàn lao động, công cụ xếp dỡ trước khi làm hàng và kiểm soát các thiết bị, băng tải trong quá trình vận hành.
- Bố trí tàu ra vào hợp lý.
- Điều động phương tiện, công nhân bốc xếp.
- Lập biên bản khi có sự cố xảy ra.
+ Mức lương
Mức lương trung bình của Nhân viên cảng hiện vào khoảng 6 - 12 triệu/tháng. Nhân viên cảng có trách nhiệm thực hiện việc điều phối container lên tàu hoặc từ tàu xuống cảng.
Người đảm nhận vị trí này cần có các kiến thức chuyên môn về thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, quy trình vận hành máy móc, thiết bị bốc dỡ,... Đồng thời, họ còn phải thành thạo các kỹ năng ngoại ngữ, tin học văn phòng, cẩn thận, nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc.
5- Chuyên viên thu mua (Purchasing Executive)
Công việc Chuyên viên thu mua gồm có:
- Lập kế hoạch, lên danh sách hàng hóa cần thu mua.
- Đánh giá kế hoạch đặt hàng, đưa ra yêu cầu và quản lý quá trình mua hàng.
- Cung cấp thông tin, yêu cầu hàng hoá cho nhà cung cấp.
- Theo dõi tình trạng đơn hàng, kịp thời xử lý các sự cố phát sinh.
- Theo dõi đơn đặt hàng, thời gian sản xuất, thời điểm giao hàng và chi phí mua hàng.
+ Mức lương
Mức lương của Chuyên viên thu mua hiện dao động từ 8 - 10 triệu/tháng. Đây là công việc có đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn và kỹ năng. Cụ thể, bạn cần am hiểu các thông tin và giá cả của hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường cũng như thành thạo các kỹ năng như quản lý tài chính, giao tiếp, đàm phán, duy trì mối quan hệ, sáng tạo,…
Một Chuyên viên thu mua chuyên nghiệp phải đảm bảo các hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty được mua từ những nhà cung cấp uy tín. Quan trọng nhất là Chuyên viên thu mua phải giúp công ty tối ưu hoá giá trị qua việc đàm phán thời gian và chi phí mua hàng.
6- Nhân viên giao nhận (Forwarder)
Các công việc Nhân viên giao nhận phải thực hiện gồm có:
- Tiếp nhận và xử lý thông tin của các lô hàng.
- Lấy D/O, giấy ủy quyền tại hãng tàu, đại lý.
- Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng và đề xuất giải pháp tối ưu nhất.
- Thu xếp, điều động phương tiện hỗ trợ việc vận chuyển.
- Phối hợp với các bộ phận có liên quan để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
- Theo dõi tiến độ giao hàng.
7- Nhân viên hải quan (Customs Clerk)
Công việc của Nhân viên hải quan thường bao gồm:
- Kiểm tra giấy tờ xuất nhập khẩu, đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ.
- Kiểm tra, phân luồng hàng hóa, đảm bảo hàng hóa là hợp pháp.
- Thực hiện việc khai báo hải quan qua phần mềm.
- Hướng dẫn nhân viên hiện trường thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa.
+ Mức lương
Hiện tại, Nhân viên hải quan có thể nhận được mức lương trung bình từ 4 - 10 triệu/tháng (lương cơ bản theo biên chế). Để đảm nhận công việc này bạn cần am hiểu các kiến thức về ngành vận tải, tài chính hải quan, nghiệp vụ ngoại thương,... và phải thành thạo các kỹ năng như ngoại ngữ, quản lý thời gian, tổ chức công việc, tin học văn phòng, tỉ mỉ, có trách nhiệm với công việc.
Nhân viên hải quan được biết đến là nghề “hot” và thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Với nghề hải quan, năng lực nghiệp vụ vô cùng quan trọng. Bởi vì chỉ những người có năng lực mới đảm bảo được tính hợp pháp của hàng hoá xuất, nhập khẩu và luân chuyển hàng hóa trong cảng hợp lý, tránh ùn ứ.
8- Chuyên viên thanh toán quốc tế (Payment Executive)
Công việc của Chuyên viên thanh toán quốc tế gồm có:
- Tiếp nhận chứng từ, cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế như chuyển tiền, phát hành L/C,…
- Kiểm tra tính pháp lý của các giấy tờ, hồ sơ do khách hàng cung cấp, đảm bảo đúng mẫu, đúng quy định pháp luật.
- Tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, thắc mắc liên quan đến giao dịch của khách hàng.
- Hướng dẫn khách hàng hoàn thiện các hồ sơ cần thiết để thực hiện việc thanh toán.
- Lưu giữ sổ sách, tài liệu, hồ sơ kế toán theo quy định của ngân hàng.
+ Mức lương
Lương trung bình của Chuyên viên thanh toán quốc tế vào khoảng 6 - 15 triệu/tháng. Nhiệm vụ của vị trí này là hỗ trợ khách hàng thực hiện các nghiệp vụ thanh toán quốc tế như mở L/C, chuyển T/T, D/P, kiểm tra tính hợp lệ bộ của chứng từ,…
Nếu muốn đảm nhận công việc này bạn cần có hiểu biết về xuất nhập khẩu, logistics cũng như các tiêu chuẩn UCP 600 và các nguyên tắc quốc tế khác. Bên cạnh đó, bạn còn phải có chuyên môn về tài chính, ngân hàng, kế toán, kinh tế, nghiệp vụ ngoại thương,… và thành thục các kỹ năng quan trọng như ngoại ngữ, tin học văn phòng, chịu được áp lực, có tính kỷ luật, trách nhiệm trong công việc. Như vậy, Ms Uptalent đã tiết lộ mức lương ngành Logistics cùng một số thông tin về công việc trong ngành này cho bạn đọc. Mong rằng sau bài viết, bạn sẽ hiểu hơn về công việc ngành Logistics và có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Chúc bạn thành công!
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet