Quảng cáo đóng vai trò tất yếu và không thể thiếu giúp cách doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng và gia tăng doanh số. Đặc biệt, trong thế giới công nghệ số bùng nổ và hành vi người tiêu dùng biến đổi, chúng đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có sự sáng tạo, lên kế hoạch và thực thi chiến lược quảng cáo một cách đúng đắn để nắm bắt cơ hội và đáp ứng nhanh chóng các xu hướng thị trường.
Quảng cáo là gì?
Quảng cáo (Advertising) là một chiến lược Marketing dùng để quảng bá sản phẩm/dịch vụ hoặc thương hiệu nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Trong thời đại số hóa, bên cạnh truyền tải thông điệp qua các phương tiện truyền thống như truyền hình, radio hay báo chí, hoạt động quảng cáo mà còn mở rộng ra nhiều hình thức sáng tạo và đa dạng trên nền tảng kỹ thuật số như Google Ads, Facebook Ads, Tiktok Ads, Email,...
Tại Việt Nam, định nghĩa về hoạt động quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo 2012 như sau: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”.
Quảng cáo đầu tiên xuất hiện vào khoảng 3000 năm trước Công Nguyên bởi một người Ai Cập cổ khi ông dán thông báo lên tường thành Thebes. Theo thời gian, quảng cáo dần trở nên tinh vi, sáng tạo và cùng với sự phát triển của kỹ thuật giúp các thông điệp của doanh nghiệp đến gần với nhiều đối tượng mục tiêu.
Khái niệm quảng cáo tại Việt Nam được quy định trong bộ Luật Quảng cáo 2012
Đặc điểm của quảng cáo
Thông qua quảng cáo, các thông tin về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu tiếp cận hiệu quả hơn với khách hàng tiềm năng nhờ mang các đặc điểm nổi bật:
-
Mang tính đại chúng: Quảng cáo là cách thức truyền tải thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ một cách công khai, chuẩn hóa và hợp pháp. Qua các phương tiện truyền thông, quảng cáo giúp nhiều người tiếp cận và biết đến sản phẩm, từ đó quyết định mua hàng.
-
Tính sáng tạo: Để nổi bật và thu hút khách hàng giữa hàng ngàn quảng cáo khác chính là sự sáng tạo, mới lạ và hấp dẫn trong cách truyền tải thông điệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tạo được ấn tượng mạnh mẽ và ghi nhớ lâu dài trong tâm trí khách hàng.
-
Có tính khuếch đại trong diễn đạt: Quảng cáo tạo sự kịch tính bằng cách sử dụng khéo léo ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh và màu sắc để trình bày sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, việc lạm dụng những yếu tố này có thể làm loãng hoặc gây rối thông điệp.
-
Mang lại cảm xúc cho khách hàng: Khác với lực lượng bán hàng trực tiếp, quảng cáo không ép buộc khách hàng mua sắm. Thay vào đó, nó là một hình thức độc thoại nhằm gợi lên cảm xúc, khuyến khích khách hàng hành động mua sắm hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Vai trò của quảng cáo
Trong đời sống, quảng cáo không chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp mà nó còn mang lại những lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội như:
- Tăng nhận thức về thương hiệu
- Tăng khả năng tiếp cận khách hàng
- Tạo cơ hội việc làm cho xã hội
Tăng nhận thức về thương hiệu
Thông qua các chiến dịch quảng cáo, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới và cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mãi đặc biệt. Qua đó lôi kéo và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ. Khi kết hợp chiến lược truyền thông tích hợp (IMC), doanh nghiệp vừa mở rộng phạm vi tiếp cận vừa định hình thương hiệu, tăng lòng tin và sự trung thành của khách hàng.
Tăng khả năng tiếp cận khách hàng
Các quảng cáo cho phép doanh nghiệp tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng. Với sự phân định đối tượng và chọn lọc kênh quảng cáo phù hợp ngay từ ban đầu, doanh nghiệp có thể đưa thông điệp của mình đến đúng người và đúng thời điểm.
Đặc biệt, những quảng cáo sáng tạo, hấp dẫn có thể kích thích sự tò mò và mong muốn khách hàng thử nghiệm các sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Đồng thời, thôi thúc họ hành động ngay lập tức, từ đó tăng doanh số hiệu quả.
Tạo cơ hội việc làm cho xã hội
Khi chiến dịch quảng cáo thành công không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà còn góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành quảng cáo và các ngành liên quan. Theo thống kê của Statista, thị trường quảng cáo trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 4,81% (2024 - 2029) và đạt giá trị là 1.362 tỷ đô la Mỹ vào năm 2029.
Những chiến dịch quảng cáo xã hội có thể truyền tải các thông điệp ý nghĩa, kêu gọi hành động và thay đổi thái độ của người dân về các vấn đề như bảo vệ môi trường, an toàn giao thông và chăm sóc sức khỏe. Điều này góp phần xây dựng một xã hội văn minh và phát triển bền vững.
Phân biệt PR, Quảng cáo và Marketing
PR, quảng cáo và Marketing đều là những hoạt động quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh. Doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất, vai trò và điểm khác biệt của từng hoạt động để sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.
Các hình thức quảng cáo phổ biến
Trước sự bùng nổ của công nghệ và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, các loại hình quảng cáo cũng không ngừng đổi mới và đa dạng, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người xem.
Quảng cáo thương hiệu (Brand Advertising)
Đây là một chiến lược nhằm xây dựng và duy trì nhận thức, đồng thời tạo ra một hình ảnh tích cực và bền vững về thương hiệu trong tâm trí của khách hàng. Mục tiêu chính của Brand Advertising không phải là thúc đẩy doanh số bán hàng ngay lập tức mà là tạo ra một sự kết nối lâu dài với khách hàng.
Có thể thấy, Nike - thương hiệu giày dép số hàng đầu thế giới đã làm rất tốt điều này khi tất cả các quảng cáo của họ đều nhất quán với hình ảnh và thương hiệu. Chính điều này đã làm tăng sự nhận thức và duy trì hình ảnh thương hiệu hàng chục năm trên thị trường.
Quảng cáo trực tuyến (Online Advertising)
Quảng cáo trực tuyến là hình thức quảng cáo được thực hiện thông qua nền tảng Internet với các phương tiện như SEM, Social Media, Email Marketing, thiết bị di động,... Nhờ vào tốc độ lan truyền nhanh của Internet, doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến với hàng triệu người tiêu dùng. Đây cũng là hình thức quảng bá phổ biến nhất hiện nay trong thời đại kỹ thuật số.
Trong khảo sát về các trải nghiệm trực tuyến, 93% người đều bắt đầu bằng công cụ tìm kiếm. Đó cũng là lý do tại sao doanh thu quảng cáo của Google đạt mức đáng kinh ngạc là 237.86 tỷ đô la vào năm 2023 hoặc tại sao Meta (trước đây là Facebook Inc) tạo ra hơn 131 tỷ đô la trong quảng cáo.
Quảng cáo hướng dẫn (Directory Advertising)
Quảng cáo hướng dẫn là một hình thức quảng cáo cung cấp cho khách hàng thông tin cụ thể về cách mua sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Mặc dù đơn giản nhưng loại hình quảng cáo này có thể mang lại hiệu quả cao.
Chúng thường được sử dụng phổ biến ở các ngành tài chính, hỗ trợ cho vay, ngân hàng, tín dụng,... Bên cạnh hướng dẫn cách thức đăng ký sử dụng dịch vụ, họ sẽ lồng ghép các lợi ích nổi bật như quy trình thực hiện đơn giản, thời gian xét duyệt nhanh,... để thu hút khách hàng hành động.
Quảng cáo địa phương (Local Advertising)
Quảng cáo địa phương (Local Advertising) là một hình thức quảng cáo tập trung vào việc tiếp cận khách hàng trong một khu vực địa lý cụ thể, thường là trong phạm vi một thành phố, quận hoặc thậm chí là một khu phố. Mục tiêu chính của quảng cáo địa phương là thu hút khách hàng đến các doanh nghiệp hoặc cửa hàng trong khu vực đó.
Trong thời đại kỹ thuật số, sự mạnh mẽ của trực tuyến có thể sẽ hữu ích cho các doanh nghiệp khi tiếp cận đối tượng khán giả địa phương. Ví dụ: Tối ưu hóa nội dung trên công cụ tìm kiếm (SEO), hoàn thiện hồ sơ Google My Business, sử dụng quảng cáo tìm kiếm trả phí nhắm mục tiêu theo vị trí địa lý (SEM, Social Advertising,...).
Quảng cáo chính trị (Political Advertising)
Quảng cáo chính trị là một hình thức quảng cáo nhằm mục đích truyền đạt thông điệp của các ứng cử viên, đảng phái chính trị hoặc các nhóm lợi ích tới cử tri và công chúng. Mục tiêu của quảng cáo chính trị là thuyết phục cử tri ủng hộ một ứng cử viên, chính sách hoặc quan điểm chính trị cụ thể.
Tại Hoa Kỳ khi cuộc đua tranh cử tổng thống 2024 đang trở nên sôi động, chi tiêu cho quảng cáo chính trị nước này dự kiến sẽ tăng lên hơn 10 tỷ đô la Mỹ và đánh dấu sự gia tăng từ chi tiêu cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mức kỳ vọng này vẫn thấp hơn một chút so với cuộc bầu cử năm 2020, khi cuộc đua Trump-Biden đạt mức cao nhất mọi thời đại về chi tiêu cho quảng cáo.
Không chỉ quảng cáo chính trị, mà các doanh nghiệp khi quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ có sử dụng yếu tố chính trị cũng cần lưu ý các quy định tại các quốc gia hoặc nền tảng quảng cáo mà họ sử dụng.
Xem thêm:
- Quy định quảng cáo về vấn đề xã hội, bầu cử hoặc chính trị của Meta
- Quy định về nội dung chính trị xuất hiện trên Google cho các doanh nghiệp
- Những quy tắc minh bạch trong quảng cáo chính trị của các nước liên minh Châu Âu (EU)
Quảng cáo phản hồi trực tiếp (Direct-response Advertising)
Quảng cáo phản hồi trực tiếp là một loại hình quảng cáo nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện hành động ngay lập tức sau khi tiếp nhận thông điệp quảng cáo. Mục tiêu của hình thức này là tạo ra một phản hồi tức thì từ khách hàng, chẳng hạn như gọi điện, đăng ký, mua hàng hoặc truy cập vào một trang web.
Do mục đích là kêu gọi người xem làm điều gì đó nên CTA - lời kêu gọi hành động đóng một phần quan trọng của quảng cáo. Thay vì gây khó chịu khi kêu gọi khách hàng phải mua một sản phẩm nào đó, doanh nghiệp có thể khuyến khích họ hành động theo các hướng như: tải tài liệu, đăng ký nhận khuyến mãi, đăng ký nhận tư vấn,...
Các kênh quảng cáo
Để hoạt động quảng cáo đạt hiệu quả thì ngoài lựa chọn loại hình phù hợp, doanh nghiệp cần kết hợp với các kênh phù hợp khác. Các kênh quảng cáo phổ biến như:
Các yếu tố cần có của thông điệp quảng cáo
Howard Gossage từng nói, “Không ai đọc quảng cáo cả. Con người chỉ đọc điều mà họ hứng thú, và đôi khi đó lại là một quảng cáo”. Thông điệp là yếu tố quan trọng và là linh hồn của quảng cáo. Để khách hàng ra hành động sau khi xem nội dung thì nó phải hội tụ các yếu tố:
Hướng đúng khách hàng mục tiêu
Hiểu rõ đặc điểm nhân khẩu học, nhu cầu, mong muốn và sở thích của đối tượng mục tiêu là nền tảng để xây dựng thông điệp quảng cáo phù hợp và hiệu quả. Theo đó, thông điệp cần đáp ứng đúng Insight của khách hàng, giải quyết vấn đề hoặc mang lại lợi ích mà họ mong muốn.
Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu của thông điệp quảng cáo là gì? Truyền tải điều gì đến khách hàng và muốn họ hành động gì sau khi xem quảng cáo? Việc xác định rõ mục tiêu cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thông điệp quảng cáo phù hợp và đo lường hiệu quả một cách chính xác.
Tính hữu ích
Bằng cách xây dựng thông điệp quảng cáo hữu ích và tập trung vào việc mang lại giá trị thực sự cho khách hàng, doanh nghiệp có thể tạo dựng lòng tin, tăng tương tác, thúc đẩy chuyển đổi và tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu.
Cô đọng và súc tích
Thông điệp của quảng cáo không nên dùng ngôn ngữ hoa mỹ, sáo rỗng hoặc rườm rà khiến khách hàng khó nắm bắt. Bằng cách truyền tải đúng bản chất của sản phẩm, dịch vụ, chương trình khuyến mãi hoặc thông điệp một cách ngắn gọn, các Marketer có thể khơi dậy sự tò mò của khách hàng tiềm năng và lôi kéo họ khám phá thêm.
Nổi bật và thu hút
Thông điệp của mỗi doanh nghiệp cần có sự khác nhau và thể hiện chúng thông qua hình ảnh, âm thanh hoặc video để thu hút khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Qua đó, doanh nghiệp vừa thể hiện được tính sách tạo và tạo được sự khác biệt so với các quảng cáo khác trên thị trường.
Xuất hiện đúng thời điểm
Việc lựa chọn "khung giờ vàng" để đăng tải nội dung là một chiến lược quan trọng giúp các doanh nghiệp thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và tăng hiệu quả cho chiến dịch Marketing. Tuy nhiên, khung giờ này không phải lúc nào cũng cố định mà sẽ thay đổi tùy theo lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm cụ thể. Theo nghiên cứu, thời điểm đăng bài tốt nhất trên Facebook là từ Thứ hai đến Thứ năm.
Kêu gọi hành động rõ ràng
Khi truyền tải thông điệp, nội dung cần lồng ghép các lời kêu gọi hành động (CTA) ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và giúp tạo thêm cảm giác cấp bách. Đồng thời, lợi kêu gọi cần cụ thể mà doanh nghiệp muốn khách hàng thực hiện như mua hàng, truy cập website, đăng ký hành động,...
Các chỉ số đo lường hiệu suất quảng cáo trực tuyến
Các chỉ số đo lường hiệu suất quảng cáo là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chiến dịch và đưa ra quyết định điều chỉnh phù hợp để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Dưới đây là các chỉ số mà doanh nghiệp cần quan tâm:
>> Xem thêm: 100+ chỉ số đo lường hiệu suất quảng cáo Marketing
Một số quy định pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam
- Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo
- Điều kiện về kinh doanh quảng cáo
- Các hành vi quảng cáo bị cấm
Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo
Theo Quy định tại Điều 12 của Luật Quảng cáo 2012, người quảng cáo sẽ có các quyền và nghĩa vụ như sau:
Về quyền:
-
Quyền quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình.
-
Quyền quyết định hình thức và phương thức quảng cáo.
-
Quyền được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hoạt động quảng cáo.
Về nghĩa vụ:
-
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo.
-
Cung cấp thông tin cho người kinh doanh dịch vụ hoặc người phát hành quảng cáo đầy đủ, chính xác, trung thực về cơ quan, tổ chức, cá nhân, dịch vụ, sản phẩm, tài liệu và chịu trách nhiệm toàn bộ về những thông tin đó.
-
Cung cấp đầy đủ tài liệu về quảng cáo khi nhận được yêu cầu của người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
-
Đảm bảo thực hiện quyền lẫn nghĩa vụ khác theo quy định của nhà nước.
Điều kiện về kinh doanh quảng cáo
Điều kiện về kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng được quy định rõ tại Điều 20 của Luật Quảng cáo 2012.
-
Phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi cung cấp dịch vụ quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
-
Cần cung cấp tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm và dịch vụ quảng cáo.
-
Trong trường hợp quảng cáo tài sản thì phải có xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, thì giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản cần phải có.
Các hành vi quảng cáo bị cấm
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, cụ thể:
-
Các hành vi không lành mạnh, thiếu chuẩn mực đạo đức, gây tổn hại đến lợi ích của cá nhân và tổ chức khác.
-
Vi phạm quyền lợi của khách hàng như quảng cáo sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về giá thành, công dụng,...
-
Không có tài liệu hợp pháp minh chứng được đối với việc dùng các từ ngữ như “nhất”, “số một”, “duy nhất”, “tốt nhất”,....
-
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
-
Thực hiện các biện pháp cưỡng chế để ép buộc cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo.
-
Quảng cáo vượt quá giới hạn cho phép như treo, dán, đặt, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh ở những nơi công cộng.
Nhìn chung, quảng cáo là một hoạt động truyền thông mạnh mẽ và không thể thiếu trong thị trường cạnh tranh ngày nay. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và dịch vụ đến người tiêu dùng mà còn xây dựng và củng cố thương hiệu, tạo ra nhu cầu và thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, các quảng cáo cần sáng tạo, có tính chiến lược, đảm bảo sự trung thực, không gây phản cảm hoặc hiểu lầm cho người xem.