Supply chain và logistics là hai thuật ngữ rất phổ biến và được nhiều người nhắc đến trong vòng vài năm gần đây. Thế nhưng, vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ supply chain là gì? Cũng như chưa nhận ra sự khác biệt giữa supply chain và logistics là ở đâu?
Vì vậy, trong bài viết này Ms Uptalent sẽ chia sẻ cùng bạn đọc một số thông tin về supply chain và giúp bạn thấy được những điểm khác nhau giữa supply chain và logistics. MỤC LỤC 1- Tìm hiểu Logistics 2- Tìm hiểu Supply Chain 3- Vai trò của supply chain trong doanh nghiệp 4- Sự khác biệt giữa supply chain và logistics Xem thêm >>>> Việc làm Supply Chain
1- Tìm hiểu Logistics
Có khá nhiều cách định nghĩa khác nhau về logistics. Một số cho rằng logistics là hậu cần. Số khác lại cho rằng logistics là đơn vị cung cấp các dịch vụ kho bãi và giao nhận hàng hoá,…
Tuy nhiên, bạn có thể hiểu đơn giản logistics là chuỗi vận chuyển hay dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng tối ưu nhất.
Cụ thể, các công ty cung cấp dịch vụ logistics sẽ lên kế hoạch, kiểm soát các luồng di chuyển của hàng hóa hoặc thông tin về nguyên nhiên liệu vật tư và sản phẩm hoàn thành từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Để đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực này các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ và quan tâm đến các yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng và giá cả dịch vụ.
Ngoài nghiệp vụ giao nhận hàng hoá, logistics còn có nhiều hoạt động khác như: bao bì, đóng gói, kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng,… Vì vậy, nếu doanh nghiệp có thể xử lý tốt khâu logistics thì họ có thể làm giảm giá thành sản phẩm cũng như gia tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận.
Lý do thuật ngữ logistics thường được nhiều người gọi là “hậu cần” có liên quan đến lịch sử ra đời của thuật ngữ này.
Theo Wikipedia, thuật ngữ “logistics” được cho là bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã. Lúc bấy giờ có những chiến binh được gọi là “Logistikas” được giao nhiệm vụ chu cấp, phân phối vũ khí, nhu yếu phẩm và đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho quân sĩ trong lúc hành quân.
Chính những công việc được gọi là hậu cần này lại có tính quyết định lớn đến cục diện chiến tranh. Bởi vì các bên đều cố gắng bảo vệ nguồn cung ứng của bên mình và triệt hạ nguồn cung của đối phương. Lâu dần quá trình đó trở thành một quy trình được gọi là “quản lý logistics”.
Trong thế chiến II, vai trò của logistics càng được khẳng định rõ rệt hơn. Khi đó đội quân hậu cần của Mỹ và đồng minh tỏ ra hiệu quả hơn Đức. Toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân nhu được cung cấp đúng địa điểm, thời gian. Nhờ vậy Mỹ và đồng minh đã nhiều lần chiếm ưu thế trong cuộc chiến.
Trong khoảng thời gian đó, rất nhiều phương thức, ứng dụng về logistics đã được phát triển. Hiện tại những ứng dụng này vẫn còn được sử dụng nhưng đã được biến đổi cho phù hợp với môi trường kinh doanh.
2- Tìm hiểu Supply Chain
Supply chain được dịch sang tiếng Việt là chuỗi cung ứng và được hiểu là toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ.
Tức là chuỗi cung ứng sẽ bắt đầu từ giai đoạn tìm nguồn cung ứng nguyên liệu cho đến khi sản phẩm được hoàn thành và được giao tới tay người tiêu dùng.
Vì vậy, khi nhắc đến chuỗi cung ứng bạn có thể hiểu nó là một mạng lưới bao gồm nhiều hoạt động phức tạp như thu mua nguyên vật liệu, biến đổi nguyên vật liệu thành sản phẩm, phân phối, vận chuyển sản phẩm đến khách hàng.
Bên cạnh đó, hệ thống supply chain còn có sự tham gia của rất nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm nhà cung ứng, nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị vận chuyển.
Có thể thấy, mạng lưới supply chain bao gồm rất nhiều hoạt động phức tạp, có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau cũng như nhiều luồng thông tin và tài nguyên đa dạng.
Tại Việt Nam, thuật ngữ “supply chain” chỉ mới được nhắc tới nhiều trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là vì trước đó điều kiện kinh tế chưa cho phép. Hơn nữa cũng không có doanh nghiệp nào dám liều lĩnh gia nhập một thương trường mới.
Tuy nhiên, hiện nay supply chain đã ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của mình đối với khả năng sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp đều coi trọng việc nghiên cứu và đầu tư cho hệ thống chuỗi cung ứng của mình.
Đi cùng với thuật ngữ supply chain là sự xuất hiện của “supply chain management” hay quản trị chuỗi cung ứng (SCM).
Ban đầu quản trị chuỗi cung ứng chỉ được xem là quá trình thu mua hàng hoá kết hợp với công tác vận chuyển và logistics. Nhưng càng về sau SCM càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình khi nó gắn liền với hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp.
Cụ thể, quy trình quản trị chuỗi cung ứng không chỉ giới hạn trong việc điều chỉnh việc phối hợp với đối tác, nhà cung cấp, nhà bán lẻ để đưa sản phẩm đến tay khách hàng, mà nó còn liên quan đến hoạch định chiến lược sản xuất, tìm nguồn cung, thu mua, sản xuất hàng hoá, vận hành chuỗi logistics,…
2- Vai trò của supply chain trong doanh nghiệp
Khi tìm hiểu về khái niệm supply chain là gì, bạn có thể thấy được supply chain có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể:
+ Supply chain giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường
Chuỗi cung ứng bao gồm nhiều hoạt động và có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khâu, nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vì thế, việc quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng độ nhận diện trên thị trường, phát triển các chiến lược marketing, tạo được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ và vươn xa hơn trong tương lai.
+ Quản lý hiệu quả cung cầu trong doanh nghiệp
Quản lý chuỗi cung ứng xuất hiện trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, từ hoạch định, quản lý việc tìm nguồn hàng, thu mua, sản xuất sản phẩm, hậu cần,… đến phối hợp với các đối tác, các kênh trung gian, nhà cung cấp.
Bởi vậy quản lý chuỗi cung ứng tốt sẽ giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả vấn đề cung cầu trong doanh nghiệp. Từ đó đem lại sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nắm bắt tốt các cơ hội dẫn đầu thị trường.
+ Đảm bảo đầu vào và đầu ra của sản phẩm luôn ổn định, hợp lý
Thông qua hoạt động quản lý chuỗi cung ứng doanh nghiệp có thể đảm bảo tính ổn định của đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.
Về đầu vào, dựa vào các dự báo trong chuỗi supply chain doanh nghiệp có thể ước tính lượng hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. Từ đó góp phần làm giảm lượng tồn kho và mức độ rủi ro cho doanh nghiệp.
Về đầu ra, việc quản lý tốt chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp cung cấp đủ lượng sản phẩm cần thiết cho thị trường và đem về doanh thu lợi nhuận tối đa cho công ty.
+ Mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động logistics
Với hệ thống chuỗi cung ứng được vận hành và quản lý tốt doanh nghiệp có thể phân phối hàng hoá tới khách hàng trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo chất lượng hàng hoá luôn tốt nhất. Đồng thời điều này còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và gia tăng lợi nhuận.
3- Sự khác biệt giữa supply chain và logistics
Dựa vào các khái niệm logistics, supply chain là gì, chúng ta có thể thấy supply chain và logistics không chỉ đơn thuần là hoạt động hậu cần hay giao nhận. Thực chất chúng bao gồm rất nhiều công việc phức tạp, sâu rộng.
Đồng thời logistics là một phần của supply chain và giữa hai lĩnh vực này có những điểm khác biệt sau:
+ Về phạm vi hoạt động: logistics chủ yếu diễn ra trong phạm vi một công ty, tổ chức kinh doanh. Trong khi đó supply chain là một mạng lưới rộng lớn, có liên quan đến nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau, quản lý cả các vấn đề bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp để mang lại hiệu quả hoạt động tốt nhất.
+ Về tầm ảnh hưởng: logistics chỉ có ảnh hưởng trong ngắn hoặc trung hạn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thuê ngoài logistics khi cần thiết mà không cần phải tổ chức một đội ngũ riêng. Trong khi đó, supply chain có ảnh hưởng trong dài hạn và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Về mục tiêu: logistics hướng đến việc giảm chi phí vận chuyển, gia tăng chất lượng dịch vụ, còn supply chain hướng đến mục tiêu cắt giảm chi phí trên toàn chiến dịch phân phối. Doanh nghiệp có thể thực hiện điều này bằng cách tăng cường sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ trên toàn hệ thống. Từ đó giúp cải thiện hiệu quả toàn bộ hoạt động logistics.
+ Về công việc: logistics quản trị các hoạt động như vận tải, kho bãi, dự báo, đơn hàng, giao nhận, dịch vụ khách hàng,... Trong khi đó supply chain thực hiện tất cả các hoạt động của logistics và quản trị nguồn cung cấp, sản xuất, hợp tác và phối hợp của các đối tác, khách hàng,...
Dù có những điểm khác biệt nhưng hai hoạt động logistics và supply chain sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Đồng thời supply chain sẽ giúp logistics liên kết với các bộ phận khác để đảm bảo hiệu suất hoạt động luôn được tối ưu.
Trên đây Ms Uptalent đã cung cấp cho bạn các khái niệm về logistics, supply chain là gì. Đồng thời cũng chỉ rõ sự khác biệt giữa supply chain và logistics. Hy vọng sau bài viết bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của supply chain và có thể nắm bắt tốt nhất các cơ hội phát triển cũng như quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả. Chúc bạn thành công!
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet