Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn non nớt và sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh. Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh phần lớn không quá nguy hiểm cho tính mạng nếu trẻ được theo dõi và điều trị kịp thời, chính vì vậy ba mẹ vẫn cần nắm bắt thông tin, nhận biết những triệu chứng điển hình để chủ động xử lý kịp thời và tránh hậu quả đáng tiếc.
BS.CKI Tạ Minh Đa, Bác sĩ khám sàng lọc Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Hiểu biết về các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh giúp ba mẹ và người chăm sóc nhận biết và chủ động can thiệp kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Trong năm đầu đời, do hệ miễn dịch còn non nớt nên bé sẽ dễ mắc bệnh cảm lạnh thông thường, viêm đường hô hấp trên, nhiễm trùng tai, viêm da tiết bã, sốt,… Mỗi tình trạng có triệu chứng, cách điều trị đặc thù nên ba mẹ cần nắm bắt thông tin để chăm sóc sức khỏe tốt cho con.”Nhận biết được các bệnh ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng
Nhận biết bệnh ở trẻ sơ sinh là điều rất quan trọng vì hệ thống miễn dịch của bé còn non nớt, bé rất dễ bị nhiễm trùng và biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh thường được phân loại thành các nhóm như:
- Các bệnh về đường hô hấp như cúm, viêm phổi, viêm phế quản… Trẻ sơ sinh có hệ hô hấp chưa hoàn thiện, rất dễ bị các tác nhân là virus, vi khuẩn xâm nhập hệ hô hấp trên. Trẻ mắc bệnh đường hô hấp trên (viêm họng, cảm lạnh, viêm thanh quản…) thường thở bằng miệng khiến vi khuẩn có thể tấn công xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản,… [1]
- Các bệnh về da từ hăm tã đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như chàm, cần được xác định và can thiệp sớm để giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng. Đặc biệt các bệnh truyền nhiễm có biểu hiện ngoài da như sởi, thuỷ đậu… cũng rất nguy hiểm ở trẻ.
- Các bệnh về tiêu hóa, chẳng hạn như viêm dạ dày ruột và không dung nạp thức ăn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh nếu không được điều trị. Trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có hệ tiêu hoá yếu, do vậy đây còn là nhóm có tỷ lệ cao mắc các bệnh như tiêu chảy cấp do Rotavirus, tả, thương hàn…
Tóm lại, việc hiểu và nhận biết các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh là bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển tối ưu cho trẻ.
Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, nguy hiểm khôn lường
1. Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường là tình trạng nhiễm virus ở mũi và cổ họng của bé. Trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị cảm lạnh thông thường vì hệ miễn dịch còn non nớt chưa chống lại được bệnh nhiễm trùng. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. [2]
Triệu chứng nhận biết cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh:
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi;
- Nước mũi ban đầu có màu trong sau đó đặc lại và chuyển sang màu vàng hoặc xanh.
Bé bị cảm lạnh thông thường kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản,…).
Cách điều trị cảm lạnh thông thường:
Với những bé dưới 3 tháng tuổi bị cảm lạnh thông thường và có triệu chứng sốt, ba mẹ cần đưa bé đi thăm khám với bác sĩ để đảm bảo không có biến chứng nghiêm trọng nào xảy ra.
Còn với trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi, hầu hết các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng 7-10 ngày mà không cần điều trị. Ba mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ sơ sinh, kể cả thuốc không kê đơn, nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ sơ sinh bị cảm lạnh:
Trong thời gian bị cảm lạnh thông thường, ba mẹ hãy đảm bảo:
- Cho bé uống đủ nước: đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể tăng cữ bú cho bé hoặc bổ sung thêm sữa công thức. Đối với bé từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể cho bé uống thêm nước lọc hoặc hỏi bác sĩ về việc bổ sung nước điện giải cho bé.
- Hút dịch mũi cho bé: mẹ có thể sử dụng bóng hút mũi, dụng cụ hút mũi dạng dây hoặc chạy bằng điện. Tùy thuộc vào dụng cụ mẹ sử dụng, mẹ hãy làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để hút mũi cho bé.
- Giữ ẩm không khí trong phòng và nơi bé sinh hoạt: hãy chạy máy tạo độ ẩm bằng nước mát trong phòng để giúp bé giảm nghẹt mũi. Ba mẹ lưu ý thay nước mỗi ngày và vệ sinh máy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi chăm sóc bé, ba mẹ lưu ý đưa bé đi bác sĩ nếu bé bắt đầu sốt cao trên 39 độ C, có triệu chứng khó thở hoặc thở khò khè, ho dai dẳng, dữ dội đến mức đổi màu da, bé từ chối bú.
2. Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên bao gồm các nhóm bệnh truyền nhiễm do virus như cảm lạnh thông thường, viêm họng/viêm amidan, viêm mũi cấp tính,… gây ra các triệu chứng ở đường mũi và họng. Đây là một trong các bệnh trẻ sơ sinh thường gặp.
Một số loại virus như rhinovirus, virus cúm, virus hợp bào hô hấp, coronavirus và một số chủng adenovirus là những nguyên nhân chính gây viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng nhận biết viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh:
- Nghẹt mũi, sổ mũi;
- Ngứa họng và ho (có thể kéo dài đến 14 ngày);
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị sốt nhẹ từ 38,3 độ C;
- Kém bú, thờ ơ, cáu kỉnh và quấy khóc nhiều hơn bình thường.
Cách điều trị viêm đường hô hấp trên:
Trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên cần được nghỉ ngơi và bổ sung đủ dịch. Tùy vào độ tuổi, bác sĩ có thể chỉ định thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau cho bé.
Thuốc kháng sinh không được dùng để chữa viêm đường hô hấp trên do virus. Ba mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên:
- Hút mũi cho bé: viêm đường hô hấp trên gây nghẹt mũi và khó thở cho trẻ sơ sinh. Do đó, mẹ hãy sử dụng bóng hút mũi hoặc dùng nước muối sinh lý để thông đường mũi cho bé.
- Đảm bảo bù đủ dịch: với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể tăng cữ bú hoặc bổ sung thêm sữa công thức cho bé. Với bé từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ bổ sung thêm nước lọc hoặc nước điện giải để bé chóng khỏi bệnh.
- Cấp ẩm cho căn phòng của bé: hãy mở máy tạo độ ẩm bằng nước mát để không khí trong phòng của bé đủ độ ẩm, điều này giúp giảm ngạt mũi ở trẻ sơ sinh.
Một lưu ý quan trọng khác là cha mẹ không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong để giảm ho vì có thể gây tình trạng ngộ độc ở trẻ nhỏ.
3. Nấc cụt
Nấc cụt là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là sau khi bé bú sữa mẹ. Nấc cụt không phải là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh hoặc triệu chứng của bệnh lý. Hiện tượng này xảy ra là do sự co thắt và thắt chặt của cơ hoành, khiến dây thanh âm đóng lại gây ra tiếng nấc cụt.
Hầu hết trẻ sơ sinh bị nấc cụt khá thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé khỏe mạnh và phát triển tốt. Do đó, ba mẹ đừng quá lo lắng. Nếu muốn bé giảm nấc cụt, ba mẹ chỉ cần bế bé thẳng đứng lên và vỗ ợ hơi cho con.
Một số gợi ý phòng tránh trẻ sơ sinh bị nấc cụt nhiều:
- Khớp ngậm vú tốt: nếu mẹ đang cho con bú, hãy đảm bảo rằng bé ngậm được toàn bộ núm vú của mẹ để hạn chế nuốt không khí dư thừa khi bú.
- Vỗ ợ hơi cho bé khi bú: trẻ bị nấc cụt vì nuốt phải không khí dư trong lúc bú, gây kích ứng dạ dày. Mẹ hãy đỡ bé thẳng đứng, vỗ nhẹ vào lưng để giảm tình trạng nấc cụt.
- Cho bú chậm lại: nếu mẹ nhận thấy bé luôn bị nấc cụt sau khi bú, bé có thể bú sữa quá nhanh. Mẹ hãy cho bé bú chậm lại có thể làm giảm tình trạng nấc cụt.
- Chọn kích thước núm vú phù hợp cho bé: nếu mẹ cho bé bú bình, hãy đảm bảo núm vú không chảy sữa quá nhanh hoặc quá chậm. Núm vú phù hợp có thể phụ thuộc vào độ tuổi của bé, vì vậy mẹ có thể cần thay vài tháng một lần.
4. Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là một trong các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường do virus. Bệnh gây sưng tấy, kích ứng và tích tụ chất nhầy trong các đường dẫn khí nhỏ của phổi. Những đường dẫn khí nhỏ này được gọi là tiểu phế quản.
Triệu chứng nhận biết viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh:
- Trong giai đoạn đầu phát bệnh, triệu chứng của viêm tiểu phế quản giống như cảm lạnh bao gồm: sổ mũi, nghẹt mũi, ho và sốt nhẹ;
- Sau đó bệnh nặng hơn sẽ khiến trẻ sơ sinh bị ho, thở gấp hoặc có tiếng thở khò khè;
- Bé bú kém, bỏ bú hoặc bé khó bú sữa vì khó thở.
Các triệu chứng của viêm tiểu phế quản có thể kéo dài từ 1-2 tuần, nhưng một số trường hợp có thể kéo dài hơn.
Cách điều trị viêm tiểu phế quản:
Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị viêm tiểu phế quản có thể được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, ba mẹ lưu ý một số triệu chứng nghiêm trọng để đưa bé đi bác sĩ kịp thời:
- Da, môi và móng tay đổi màu xanh hoặc xám do nồng độ oxy thấp;
- Khó thở, không thể khóc và tạo ra âm thanh;
- Không chịu bú, bỏ bú hoặc thở gấp gáp đến mức không bú sữa được;
- Có tiếng thở khò khè, tiếng rít theo từng hơi thở;
- Chậm chạp, ít phản ứng hơn bình thường.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản:
- Nhỏ nước muối để giảm nghẹt mũi cho trẻ;
- Bế bé theo tư thế thẳng đứng khi bé thức để giúp bé dễ thở hơn;
- Tăng cữ bú cho trẻ dưới 6 tháng tuổi và bổ sung thêm nước hoặc sữa công thức cho bé từ 6 tháng trở lên.
Ba mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho trẻ sơ sinh trên 2 tháng tuổi uống thuốc giảm đau không kê đơn.
5. Viêm phổi
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh một dạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do nhiễm virus hoặc vi khuẩn ảnh hưởng đến phổi. Khi bị viêm phổi, các phế nang trong phổi chứa mủ và dịch gây đau đớn cho việc hít thở và hạn chế lượng oxy đưa vào phổi. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.
Một số tác nhân thường gặp gây các bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh bao gồm: (1) Streptococcus pneumoniae, (2) Haemophilus Enzae týp b (Hib) và (3) virus hợp bào hô hấp. Hiện nay, tất cả những mầm bệnh này đều đã có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin. Hầu hết trẻ sơ sinh dễ gặp viêm phổi do tác nhân là vi khuẩn như phế cầu và virus là cúm.
Triệu chứng nhận biết viêm phổi ở trẻ sơ sinh:
- Hơi thở ngắn và gấp gáp;
- Ho, sốt, run rẩy do bị ớn lạnh;
- Kém bú hoặc bỏ bú, nôn ói;
- Trông thờ ơ, đờ đẫn, mệt mỏi.
Cách điều trị viêm phổi:
Viêm phổi do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Sau khi uống thuốc, các triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 12-36 giờ. Ba mẹ cần lưu ý cho bé uống đủ liều thuốc theo chỉ định. Việc tự ý ngừng thuốc sớm có thể khiến bé bị nhiễm trùng trở lại và khiến thuốc không có tác dụng tốt cho trẻ trong tương lai.
Viêm phổi do virus thường sẽ tự thuyên giảm. Nếu trẻ không có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào, bác sĩ có thể cho ba mẹ chăm sóc bé tại nhà.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ sơ sinh bị viêm phổi:
- Đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi nhiều;
- Cho trẻ uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước;
- Sử dụng thuốc hạ sốt phù hợp và đúng liều lượng cho độ tuổi của trẻ;
- Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc các chất kích thích khác trong không khí;
- Không dùng thuốc giảm ho không kê đơn mà không có tham khảo ý kiến của bác sĩ. Trẻ cần ho và khạc đờm vì đó là cách cơ thể loại bỏ nhiễm trùng ra khỏi phổi.
6. Nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm các bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp trên hoặc dưới do virus gây ra:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm cảm lạnh thông thường, viêm thanh quản, viêm họng/viêm amidan, viêm mũi cấp tính, viêm mũi xoang cấp tính và viêm tai giữa cấp tính.
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản cấp tính, viêm tiểu phế quản, viêm phổi và viêm khí quản. Đây là những bệnh trẻ sơ sinh thường gặp.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các loại virus thường gặp gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cho trẻ sơ sinh bao gồm: rhinovirus, virus cúm, virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, enterovirus, coronavirus và một số chủng adenovirus.
Triệu chứng nhận biết nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ sơ sinh:
- Nghẹt mũi, sổ mũi;
- Sốt với nhiệt độ cao khoảng 38,3 đến 38,9° C, thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc những bé bị cúm;
- Ngứa họng và ho, có thể kéo dài đến 14 ngày. Một số trẻ có thể tiếp tục ho trong nhiều tuần sau khi nhiễm trùng đường hô hấp đã khỏi;
- Chán ăn, thờ ơ và cảm giác ốm yếu;
- Tỏ ra cáu kỉnh, khó chịu và quấy khóc.
Cách điều trị nhiễm trùng đường hô hấp:
Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp cần nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Tùy vào độ tuổi của bé, bác sĩ có thể cho sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau nhức.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường hô hấp:
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bị bệnh và người trong nhà;
- Giảm nghẹt mũi bằng cách sử dụng máy phun sương mát để làm ẩm không khí và hút chất nhầy từ mũi của bé bằng bóng hút cao su;
- Hạn chế các tiếp xúc thân mật (chẳng hạn như ôm, âu yếm hoặc ngủ chung giường) để giảm nguy cơ lây nhiễm từ trẻ sang các thành viên khác trong gia đình;
- Trẻ em nên ở nhà không nên ra ngoài đường cho đến khi hết sốt và khỏe mạnh hơn.
7. Ho gà
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ho gà có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là bé dưới 6 tháng tuổi. Một số trẻ bị ho gà có thể không có triệu chứng ho, thay vào đó, ho gà khiến bé ngừng thở, tím tái. Đây là một trong các bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng nhận biết ho gà ở trẻ sơ sinh:
- Khởi đầu, bệnh có thể không gây sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho;
- Cơn ho ngày càng nặng và trở thành kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn;
- Đặc trưng cơn ho gà: ho rũ rượi từng cơn liên tục, sau đó thở rít nghe như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Sau mỗi cơn ho, trẻ mệt phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp.
Cách điều trị bệnh ho gà:
Trẻ cần nhập viện để điều trị bệnh ho gà, trẻ bị ho gà càng nhỏ tuổi thì càng cần sự can thiệp sớm của các bác sĩ tại bệnh viện. Các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh ho gà cho bé.
Phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là cách tốt nhất:
Thống kê từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy khoảng 1/5 trẻ ho gà sẽ bị viêm phổi và 1/100 trẻ sẽ tử vong. Bệnh ho gà còn gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ như run rẩy dữ dội không kiểm soát, ngưng thở và bệnh về não.
Do đó, việc phòng bệnh ho gà trước khi trẻ mắc bệnh trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Các tổ chức y tế lớn khuyến khích tất cả mọi người đều nên tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà, đặc biệt là trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.
8. Viêm màng não
Viêm màng não là tình trạng viêm các mô bao phủ não và tủy sống. Nguyên nhân gây viêm màng não có thể bao gồm: thuốc, bị chấn thương, một số bệnh lý và phổ biến nhất là do nhiễm trùng. Đây là một trong số những bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.
Có 3 loại viêm màng não phổ biến ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis (meningococcus) gây ra.
- Viêm màng não mủ do Hib là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B gây ra.
- Viêm màng não do phế cầu khuẩn là các bệnh do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (pneumococcus) gây ra.
Các bệnh viêm màng não có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ví dụ như các vấn đề về hệ thần kinh, điếc, co giật, tê liệt tay hoặc chân hoặc gây khó khăn trong học tập.
Triệu chứng nhận biết viêm màng não ở trẻ sơ sinh:
- Viêm màng não do não mô cầu: Sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn vọt, táo bón và tăng kích thích da, cổ cứng, đau khớp/cơ, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước, lú lẫn, lơ mơ, hôn mê, co giật, liệt. Có trường hợp xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.
- Viêm màng não mủ do Hib: biểu hiện đầu tiên là nôn và co giật, thóp phồng, chướng bụng, tiêu chảy và có thể sốc nhiễm khuẩn.
- Viêm màng não do phế cầu khuẩn: biểu hiện đầu tiên là sốt, nôn và co giật hoặc có thể không có triệu chứng.
⇒ Xem thêm: Viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
Cách điều trị viêm màng não:
Phương pháp điều trị viêm màng não sẽ tùy thuộc vào loại viêm màng não bé mắc phải và tình trạng sức khỏe của bé.
Nếu bé bị viêm màng não do virus, bé sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời gian nằm viện. Các bác sĩ sẽ chăm sóc bằng cách đảm bảo bé có thể thở được bình thường và không bị mất nước.
Nếu bé bị viêm màng não do vi khuẩn, bé có thể sẽ cần dùng kháng sinh liên tục và được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian nằm viện để phát hiện bất kỳ thay đổi nào về tình trạng sức khỏe. Các bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu quan trọng (như nhịp tim, nhiệt độ và huyết áp) và trạng thái hệ thần kinh của bé (não và dây thần kinh).
Nếu nghi ngờ bệnh viêm màng não do não mô cầu, những người đã tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh cũng có thể cần được dùng thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ cho biết nếu điều này là cần thiết.
Tùy thuộc vào độ tuổi, loại vi khuẩn và các yếu tố khác, việc điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch có thể cần thiết trong tối đa 3 tuần.
Phòng ngừa bệnh viêm màng não cho trẻ sơ sinh là cách bảo vệ bé tốt nhất:
Bệnh viêm màng não có thể khởi phát và tiến triển nhanh, di chứng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh lại rất nghiêm trọng. Do đó, các bác sĩ luôn khuyến khích phòng bệnh hơn chữa bệnh, các phụ huynh cần ưu tiên tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não cho bé.
Một số vắc xin viêm màng não phổ biến bao gồm:
- Viêm màng não do não mô cầu: vắc xin VA Mengoc - BC (Cuba), vắc xin Menactra (Mỹ), vắc xin Bexsero (Ý).
- Viêm màng não mủ do Hib: vắc xin kết hợp 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) / Infanrix Hexa (Bỉ); vắc xin kết hợp 5 trong 1 Pentaxim (Pháp) / Infanrix IPV + Hib (Bỉ), vắc xin Quimi Hib (CuBa).
- Viêm màng não do phế cầu khuẩn: vắc xin bất hoạt Synflorix (Bỉ) và vắc xin bất hoạt Prevenar 13 (Bỉ).
9. Tưa lưỡi
Tưa lưỡi là một bệnh nhiễm trùng nấm men rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi, các mảng màu trắng sẽ xuất hiện ở họng, niêm mạc miệng và thực quản của bé. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng nhận biết tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh:
- Xuất hiện những mảng trắng trên lưỡi, dù mẹ có rơ lưỡi hay vệ sinh miệng cho bé thì những mảng trắng vẫn không mất đi;
- Một số bé có thể bú kém hoặc khó chịu khi bú vì miệng bé có cảm giác đau.
Cách điều trị tưa lưỡi:
Đa phần bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh sẽ tự thuyên giảm trong vòng 1-2 tuần, nhưng mẹ vẫn cần đưa bé đi kiểm tra với bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi chống nấm cho miệng của bé.
Tùy thuộc vào độ tuổi, bác sĩ cũng có thể đề nghị bổ sung sữa chua chứa lactobacilli vào chế độ ăn uống. Lactobacilli là vi khuẩn “tốt” có thể giúp loại bỏ nấm men trong miệng của trẻ.
Nếu sau thời gian dài chăm sóc nhưng trẻ vẫn tiếp tục bị tưa lưỡi, đặc biệt bé lớn hơn 9 tháng tuổi, hãy nói chuyện với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi:
- Nếu mẹ đang cho bé bú bình, hãy khử trùng núm vú và bình sữa sau mỗi lần sử dụng;
- Nếu bé đang bú mẹ, mẹ hãy vệ sinh núm vú một cách nhẹ nhàng giữa các cữ bú;
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết và do bác sĩ chỉ định cho trẻ;
- Giặt quần áo của bé ở 60°C để diệt nấm.
10. Trớ sữa
Đôi khi, trẻ sơ sinh bị trớ sữa do bé bú quá nhiều sữa hoặc chảy quá nhiều nước dãi. Hệ tiêu hóa còn non nớt cũng giải thích vì sao bé dễ bị trớ sữa. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Trớ sữa khác với nôn mửa. Nôn mửa là phản ứng mạnh của dịch dạ dày, bé bị trớ sữa sẽ không có phản ứng gì nhưng bé bị nôn mửa sẽ khó chịu và quấy khóc.
Nếu trớ sữa chỉ xảy ra một vài lần, nếu trẻ sơ sinh vẫn tăng trưởng tốt về chiều dài và cân nặng thì đây không phải là báo hiệu vấn đề sức khỏe. Phụ huynh cũng có thể đưa bé đi kiểm tra với bác sĩ để đảm bảo việc bé trớ sữa không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Hướng dẫn cách phòng ngừa bé bị trớ sữa:
Nếu bác sĩ cho biết hiện tượng trẻ trớ sữa là bình thường, mẹ có thể thực hiện một số cách để giúp giảm trớ sữa ở trẻ sơ sinh:
- Vỗ ợ hơi cho bé sau mỗi lần bú xong một bên vú;
- Ôm hoặc bế bé theo chiều thẳng đứng sau khi bú ít nhất 30 phút;
- Đừng lắc lư, nảy bé lên hoặc tích cực chơi với bé ngay sau khi bú;
- Ôm đầu bé cao hơn chân khi bú, mẹ tránh để bé bị cúi xuống khi bú sữa;
- Với những bé đang bú bình, mẹ mua núm vú phù hợp để dòng sữa không chảy vào miệng bé quá nhanh. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng trớ sữa ở trẻ sơ sinh.
11. Đầy hơi
Đầy hơi, chướng bụng là triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chủ yếu do bé nuốt quá nhiều không khí khi khóc hoặc bú sữa.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh đang bị đầy hơi:
- Cáu kỉnh và khóc nhiều hơn bình thường vì khó chịu trong bụng;
- Xì hơi hoặc ợ hơi nhiều hơn bình thường.
Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị đầy hơi:
Đầy hơi thường không phải là dấu hiệu gây lo lắng, bé sẽ cảm thấy đỡ hơn khi xì được hơi ra ngoài. Một số cách mẹ có thể giúp bé bớt đầy hơi bao gồm:
- Cho bé bú ở tư thế hơi ngả người, giúp giảm lượng không khí trẻ nuốt vào;
- Đừng cho bé bú sữa quá nhiều, mẹ hãy ngừng cho trẻ bú khi trẻ bắt đầu quay mặt sang chỗ khác với vú mẹ hoặc bình sữa;
- Vỗ ợ hơi trong và sau khi bú để tránh tích tụ không khí trong bụng bé.
Nếu mẹ lo lắng về tình trạng đầy hơi, chướng bụng, mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ, đặc biệt nếu bé không ngừng khóc và có vẻ cáu kỉnh hơn bình thường. Sự căng thẳng đôi khi có thể là dấu hiệu của một trong những bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh tiềm ẩn.
12. Tiêu chảy, nôn mửa
Tiêu chảy là khi trẻ sơ sinh đi ngoài từ 3 lần trở lên trong 1 ngày, phân lỏng hoặc nhiều nước. Nếu kèm theo triệu chứng nôn mửa, bé có thể đã bị nhiễm trùng trong đường dạ dày. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Một số nguyên nhân gây tiêu chảy và nôn mửa ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Viêm dạ dày ruột do virus: tác nhân phổ biến gây bệnh là Rotavirus. Các triệu chứng bệnh bắt đầu bằng nôn mửa, phân lỏng chảy nước xuất hiện trong vòng 12-24 giờ.
- Ngộ độc thực phẩm: nguyên nhân là do độc tố từ vi trùng phát triển trong thực phẩm để quá lâu.
- Do các biến chứng nghiêm trọng: Mất nước, đây là tình trạng cơ thể mất quá nhiều chất lỏng.
Nôn mửa đôi khi có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tai giữa, viêm phổi hoặc viêm màng não.
Hãy đưa trẻ đi bác sĩ nếu có những triệu chứng sau:
- Bé dưới 8 tuần tuổi và mẹ đang rất lo lắng về sức khỏe của bé;
- Bé dưới 3 tháng tuổi bị sốt trên 38°C hoặc trẻ từ 3-6 tháng tuổi sốt trên 39°C;
- Nôn mửa kéo dài hơn 1-2 ngày hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 5-7 ngày hoặc có dấu hiệu mất nước;
- Có máu hoặc chất nhầy trong phân;
- Bãi nôn của trẻ có màu mật (màu xanh lá cây) hoặc có máu;
- Nôn mửa và bị đau bụng đột ngột và dữ dội, hoặc bé trở nên yếu ớt, cáu kỉnh hoặc ít phản ứng hơn.
Cách điều trị tiêu chảy, nôn mửa cho bé:
Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân chính gây triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa ở trẻ sơ sinh và lên phác đồ điều trị phù hợp với bệnh lý bé gặp phải.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, nôn mửa:
Nếu bé bị tiêu chảy và nôn mửa nhưng các triệu chứng không quá nghiêm trọng, mẹ hãy đảm bảo bé được bù đủ dịch và được nghỉ ngơi nhiều.
- Với bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ hãy tiếp tục cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức;
- Hãy cho bé bú từ từ, chia nhỏ từng ngụm sữa trong cữ bú của bé, không giảm bớt lượng sữa bé bú;
- Để bé ở nhà và có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh cho bé đến nhà trẻ cho đến khi bé khỏe mạnh hơn.
⇒ Tìm hiểu sâu hơn: Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa.
13. Táo bón
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ khó đi ngoài do phân khô, cứng, tần suất đi ngoài diễn ra không thường xuyên như bình thường. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Một trong những nguyên nhân chính gây táo bón ở trẻ là do thay đổi chế độ ăn uống, ví dụ như: thay đổi sữa công thức, thay đổi từ bú sữa mẹ sang bú sữa công thức, bắt đầu giai đoạn tập ăn dặm và không uống đủ chất lỏng (sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước).
Triệu chứng nhận biết táo bón ở trẻ sơ sinh:
- Phân của bé có mùi nặng bất thường;
- Đi tiêu ít hơn 3 lần trong một tuần;
- Trẻ sơ sinh 4-5 ngày liên tục không đi ngoài;
- Phân khô, cứng, vón cục và lớn hơn bình thường;
- Bụng của bé có vẻ cứng, săn chắc hơn bình thường.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị táo bón tại nhà:
- Đối với bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể tăng lượng sữa cho bé. Nếu bé đang bú sữa công thức, mẹ đảm bảo pha đúng tỷ lệ nước : sữa theo khuyến nghị của nhà sản xuất;
- Đối với bé trên 6 tháng tuổi, mẹ hãy cho bé uống thêm nước đun sôi để nguội hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung nước điện giải;
- Nhẹ nhàng xoa bụng để giúp kích thích ruột, bé cũng có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi xoa bóp nhẹ nhàng để giúp kiểm soát cơn đau do táo bón;
- Tắm nước ấm có thể giúp bé bình tĩnh, xoa dịu và giảm bớt sự khó chịu.
14. Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai là tình trạng túi nhỏ nằm phía sau màng nhĩ chứa không khí bị viêm nhiễm do kẹt dịch. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng nhận biết bệnh nhiễm trùng tai:
- Bé giật mạnh hoặc hay kéo tai;
- Sốt;
- Khó ngủ;
- Dịch chảy ra từ tai;
- Quấy khóc và khó chịu;
- Phản ứng chậm với các tín hiệu âm thanh.
Nếu bé sốt cao trên 39 độ C, chảy máu hoặc chảy mủ trong tai, ba mẹ cần lưu ý đưa bé đi bác sĩ ngay để được can thiệp kịp thời.
Cách điều trị bệnh nhiễm trùng tai:
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh dùng trong 7-10 ngày để điều trị nhiễm trùng tai, đặc biệt là đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể khuyên ba mẹ dùng thuốc giảm đau không kê đơn cho bé như acetaminophen hoặc ibuprofen hoặc thuốc nhỏ tai.
Với những trẻ trên 6 tháng tuổi và không có các triệu chứng nhiễm trùng quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyến nghị chờ 2-3 ngày để xem triệu chứng nhiễm trùng có thuyên giảm hay không, song song đó là sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn trước khi chỉ định thuốc kháng sinh.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tai tại nhà:
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tai, mẹ lưu ý không dùng tăm bông hoặc bông gòn để làm sạch tai của bé, tránh để nước chảy vào tai của trẻ. Sử dụng thuốc nhỏ tai hoặc thuốc giảm đau không kê đơn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo trẻ nên phòng ngừa nhiễm trùng tai bằng cách tiêm vắc xin phế cầu (phòng viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi) khi trẻ được 2 tháng tuổi, vắc xin phòng bệnh cúm hàng năm khi trẻ được 6 tháng tuổi.
15. Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh ngoài da này gây ra các vết loét bên trong hoặc xung quanh miệng, các phát ban hoặc mụn nước trên bàn tay, bàn chân, cẳng chân hoặc mông của trẻ. Tay chân miệng lây lan rất nhanh và nguy cơ bùng phát thành dịch rất lớn, bệnh nguy hiểm vì thường gây biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não. Tại Việt Nam gánh nặng gây ra do tay chân miệng vẫn còn cao khi hiện nay nước ta vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.
Triệu chứng nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh:
- Sốt và các triệu chứng giống cúm: sốt, viêm họng, ăn hoặc bú kém hơn, cảm thấy không khỏe, ngủ giật mình.
- Lở miệng: sau 1-2 ngày bị sốt, trẻ có thể bị lở miệng. Những vết loét này thường khởi phát như những chấm đỏ nhỏ ở phía sau miệng và gây đau đớn cho bé theo thời gian.
- Phát ban da: bé có thể bị phát ban trên da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các nốt phát ban cũng có thể xuất hiện trên đầu gối, khuỷu tay, mông hoặc vùng sinh dục. Phát ban thường trông giống như các nốt phẳng, màu đỏ, đôi khi có mụn nước.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ:
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị y tế chung cho bệnh tay chân miệng. Thông thường, các bé bị bệnh tay chân miệng được chăm sóc kỹ lưỡng tại nhà sẽ thuyên giảm triệu chứng trong 7-10 ngày. Nhưng tùy vào độ tuổi, thể trạng và mức độ nghiêm trọng của từng bé, bác sĩ sẽ có những cách giúp giảm triệu chứng phù hợp.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị tay chân miệng tại nhà:
- Rửa tay cẩn thận, đặc biệt là sau khi thay tã hoặc lau mũi cho trẻ;
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ sơ sinh;
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt và vật dụng như đồ chơi và tay nắm cửa;
- Không ôm hoặc hôn bé bị bệnh tay chân miệng, không dùng chung cốc hoặc đồ dùng;
- Đừng gửi bé đến nhà trẻ cho đến khi các triệu chứng đã khỏi hẳn;
- Kiểm tra với bác sĩ nếu mẹ nghĩ rằng các triệu chứng của bệnh đang nghiêm trọng hơn.
16. Vàng da sinh lý
Vàng da sinh lý là tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da ở mức độ nhẹ, thường xuất hiện sau sinh khoảng 2-3 ngày. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. [3]
Triệu chứng nhận biết vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh:
- Bị vàng da ở vùng mặt; cổ; ngực; vùng bụng phía trên rốn;
- Chỉ số Bilirubin vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ sinh non;
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Vàng da sinh lý có thể thuyên giảm sau 1 - 2 tuần. Trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý sẽ KHÔNG có các triệu chứng như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ,..
Cách điều trị vàng da sinh lý:
Hầu hết các trẻ sơ sinh bị bệnh vàng da sinh lý đều sẽ tự khỏi bệnh mà không cần điều trị.
17. Vàng da bệnh lý
Vàng da bệnh lý là tình trạng da trẻ sơ sinh bị vàng trong 1 - 2 ngày sau sinh và có tốc độ tiến triển nhanh, bé không chỉ bị vàng da ở trên mặt hay tròng mắt, mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân của bé,… Nếu vàng da bệnh lý dẫn đến nồng độ bilirubin trong máu quá cao, bé có thể bị tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng nhận biết vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh:
- Lòng trắng mắt trẻ sơ sinh bị vàng;
- Vàng lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân;
- Phân màu nhạt (phân trẻ sơ sinh bình thường có màu vàng hoặc cam);
- Nước tiểu màu vàng sẫm (nước tiểu của trẻ sơ sinh phải không màu).
Cách điều trị vàng da bệnh lý:
Nếu tình trạng trẻ sơ sinh vàng da nặng hoặc vàng da do bệnh lý, bác sĩ có thể cho bé điều trị bằng 2 cách:
- Chiếu đèn vàng da: phương pháp này sử dụng một loại ánh sáng đặc biệt chiếu vào da để biến bilirubin thành một dạng dễ phân hủy hơn. Trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo, ở trần, che kín mắt và bộ phận sinh dục; xoay trở thường xuyên để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.
- Thay máu: Nếu tình trạng vàng da trở nên nghiêm trọng, chiếu đèn vẫn bị vàng da hoặc nồng độ bilirubin của bé tiếp tục tăng dù đã được chiếu đèn. Việc thay máu sẽ thay thế một lượng máu có nồng độ bilirubin cao của bé bằng máu được hiến có nồng độ bilirubin bình thường.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý tại nhà:
Nếu bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh không nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị mẹ thay đổi thói quen ăn uống của bé để giảm nồng độ bilirubin. Một số gợi ý sau đây sẽ giúp mẹ chăm sóc con mình tốt hơn:
- Cho bú sữa thường xuyên hơn: cho bé bú nhiều sữa hơn sẽ thúc đẩy việc đi tiêu nhiều hơn, dẫn đến đào thải bilirubin qua phân của bé.
- Bổ sung dinh dưỡng ngoài bú sữa: nếu em bé khó bú mẹ, bị sụt cân hoặc bị mất nước, bác sĩ có thể đề nghị cho bé bú thêm sữa công thức hoặc sữa hút ra bên ngoài để bổ sung cho việc bú sữa mẹ.
18. Mụn sữa
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là mụn trứng cá sơ sinh, nang kê) là tình trạng da của bé nổi các nốt mụn nhọt, vết sưng nhỏ hoặc mụn mủ thường chỉ kéo dài vài ngày đến vài tuần. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân chính xác gây mụn sữa ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các nhà nghiên cứu tin rằng, tình trạng này là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh trong khi sinh hoặc vài tuần đầu đời.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm khi mới sinh ra. Da của bé có thể phản ứng mạnh với bất kỳ chất bẩn còn sót lại trên da quá lâu, ví dụ như cặn thức ăn, sữa bị trớ hoặc nước dãi.
Triệu chứng nhận biết mụn sữa ở trẻ sơ sinh:
- Có những vết sưng nhỏ, màu đỏ đến tím;
- Các vết sưng có mủ, bao quanh bởi một vòng màu đỏ đến tím hoặc nâu sẫm;
- Mụn sữa của bé có thể lộ rõ hơn khi bé khóc.
Cách điều trị mụn sữa:
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng tạm thời có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu bé cần điều trị, các bác sĩ có thể kê đơn bôi kem chống nấm.
Hướng dẫn chăm sóc mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh tại nhà:
- Làm sạch cặn thức ăn, sữa bị trớ hoặc nước dãi trên da bé;
- Nhẹ nhàng rửa sạch da bé bằng nước ấm, tránh chà xát da của bé, sau đó, vỗ nhẹ nhàng cho da bé khô;
- Không sử dụng kem dưỡng da hoặc dầu trên da của trẻ sơ sinh nếu không có chỉ định từ bác sĩ;
- Không sử dụng các sản phẩm có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bé.
19. Hăm tã
Hăm tã là tình trạng nổi mẩn đỏ ở vùng da xung quanh bộ phận sinh dục hoặc mông của bé. Nguyên nhân là vì tã của bé bị ướt hoặc bẩn mà không được thay trong thời gian dài. Nếu ba mẹ không chú ý, hăm tã có thể dẫn đến bệnh nấm men candida và nhiễm trùng da. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng bệnh hăm tã ở trẻ sơ sinh:
- Da bé bị nổi mẩn đỏ, để thông thoáng một thời gian không thấy lặn;
- Mụn đỏ xuất hiện ở vùng da có nếp gấp, bộ phận sinh dục, phần mông và bẹn của bé;
- Vùng da bị hăm khi chạm vào sẽ cảm thấy nóng hơn so với những vùng da khác;
- Bé cảm thấy khó chịu, ương bướng và quấy khóc khi ba mẹ thay tã;
- Nếu da bị các vết loét, bé đã bị hăm nặng lên cần phải đưa đi khám bác sĩ.
Cách chữa trị bệnh hăm tã ở trẻ sơ sinh:
- Cách tốt nhất để ngăn ngừa hăm tã là mẹ nên thường xuyên thay tã cho bé, đặc biệt khi bé bị tiêu chảy;
- Khi thay tã, mẹ nên rửa mông bé với sữa tắm dịu nhẹ không chứa xà phòng dành cho em bé bằng nước ấm;
- Mẹ có thể ngâm mông bé một lúc vào chậu nước ấm khoảng 30 đến 60 giây;
- Dùng thuốc mỡ thoa vào vùng da bị hăm, nếu cần mẹ có thể thoa thêm kem nhưng đảm bảo ngón tay dùng thuốc mỡ và ngón tay thoa kem tách biệt;
- Thường xuyên để da bé thông thoáng, thay vì bịt kín tã cả ngày.
20. Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã (hay còn gọi là cứt trâu/sài đầu ở trẻ sơ sinh) là bệnh gây ra vảy, ngứa, khiến da ửng đỏ và thường xuất hiện chủ yếu trên đầu của bé. Viêm da tiết bã cũng có thể ảnh hưởng đến mặt, ngực, lưng và các khu vực có khác trên cơ thể. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng bệnh viêm da tiết bã đầu ở trẻ sơ sinh:
- Đỏ và có vảy màu nâu hoặc vàng đóng vảy trên da đầu giống như vảy cá;
- Vảy có cảm giác dễ vỡ và bong tróc, hoặc như sáp, có cảm giác nhờn khi chạm vào;
- Bệnh viêm da tiết bã đầu thường chỉ giới hạn ở da đầu của bé. Nếu bé bị mẩn đỏ và đóng vảy ở trên mí mắt, ở các nếp gấp của cổ và nách, sau tai, ở trên mặt và vùng quấn tã, đây được gọi là viêm da tiết bã hoặc tăng tiết bã nhờn; và cần được đưa đi bác sĩ.
Cách chữa trị bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh:
- Viêm da tiết bã tuy không có hại nhưng thường gây khó chịu cho bé. Các bác sĩ khuyến khích điều trị bằng cách kết hợp giữa tự chăm sóc và thuốc không kê đơn;
- Để trị bệnh viêm da tiết bã trên đầu bé, mẹ nên gội đầu bé với dầu gội lành tính; sau khi gội xong, mẹ nên lau khô, dùng lược chải nhẹ nhàng;
- Không gội đầu quá nhiều vì có thể làm da đầu bé bị khô;
- Dùng dầu em bé thoa lên da đầu để làm mềm các vảy;
- Về các loại thuốc mỡ, mẹ nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa.
21. Chàm Eczema
Chàm Eczema bao gồm một nhóm bệnh khiến da bé bị đỏ, ngứa và viêm. Các bệnh chàm Eczema thường gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm: viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, chàm tổ đỉa và viêm da tiết bã. Viêm da dị ứng thường xuất hiện khi bé được 6 tháng đến 5 tuổi. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm Eczema ở trẻ sơ sinh:
- Da khô, bong vảy, ngứa, chủ yếu ở vùng má và da đầu;
- Mảng da khô có thể có màu đỏ và rỉ nước;
- Có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể của bé.
Cách điều trị bệnh chàm Eczema:
Một số phương pháp để điều trị các bệnh chàm Eczema thường gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm sử dụng thuốc không kê đơn, thuốc bôi theo toa, liệu pháp quang học và thuốc ức chế miễn dịch.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị chàm Eczema tại nhà:
- Tránh các tác nhân cụ thể gây chàm Eczema cho trẻ;
- Tắm nước ấm cho bé;
- Sau khi tắm cho bé, mẹ hãy thoa lotion dưỡng ẩm, không mùi, dịu nhẹ với làn da bé;
- Cho bé mặc những bộ quần áo có chất liệu mềm mại và thoáng mát.
22. Mề đay
Mề đay là tình trạng bùng phát đột ngột các vùng da đỏ, sưng tấy và gây ngứa. Mề đay có thể nổi ở trên khắp cơ thể hoặc chỉ ở một bộ phận trên cơ thể. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Tình trạng này thường là phản ứng dị ứng do ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Các nguyên nhân thường gặp gây bệnh mề đay ở trẻ sơ sinh bao gồm: ăn đậu phộng, trứng, động vật có vỏ; hoặc uống thuốc có chứa penicillin, sunfat, thuốc chống co giật, phenobarbital và aspirin.
Triệu chứng nhận biết trẻ sơ sinh nổi mề đay:
- Vùng da bị ngứa, sưng hồng hoặc đỏ;
- Mề đay có thể nổi riêng lẻ, thành từng nhóm hoặc phủ toàn bộ cơ thể;
- Mề đay có thể mất đi trong vòng 24 giờ ở một vùng trên cơ thể nhưng quay trở lại ở một vùng cơ thể khác.
Cách điều trị mề đay ở trẻ sơ sinh:
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi, sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cách điều trị tốt nhất là tránh các tác nhân gây nổi mề đay, ví dụ nếu bé bị mề đay do ăn đậu phộng, trẻ nên tuyệt đối tránh ăn món đó.
Khi đi khám, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng histamin. Nếu bé bị khó thở, bác sĩ có thể tiêm một mũi epinephrine giảm sưng và ngứa.
Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị nổi mề đay tại nhà:
Ở nhiều trẻ, mề đay sẽ thuyên giảm mà không cần điều trị. Một số gợi ý để mẹ có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và ngứa ngáy ở trẻ bị nổi mề đay bao gồm:
- Chườm mát;
- Mặc quần áo rộng rãi cho bé;
- Sử dụng kem dưỡng ẩm và kem dưỡng da không có mùi thơm.
23. Bệnh huyết tán thiếu máu
Bệnh huyết tán thiếu máu là một rối loạn máu di truyền có đặc trưng là sự sản xuất bất thường của huyết sắc tố, protein trong tế bào hồng cầu mang oxy. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Ở trẻ sơ sinh, bệnh huyết tán thiếu máu có những thách thức đáng kể trong việc điều trị và cần được quản lý cẩn thận ngay từ giai đoạn đầu đời.
Triệu chứng bệnh huyết tán thiếu máu ở trẻ sơ sinh:
- Da nhợt nhạt, mệt mỏi, khó chịu;
- Bú kém, chậm lớn, vàng da và mắt.
Những triệu chứng này phát sinh do giảm sản xuất tế bào hồng cầu bình thường, dẫn đến thiếu máu và cung cấp oxy không đủ cho các mô.
Cách điều trị bệnh huyết tán thiếu máu ở trẻ sơ sinh:
Điều trị bệnh huyết tán thiếu máu ở trẻ sơ sinh nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trẻ sơ sinh có thể được truyền máu thường xuyên để duy trì mức huyết sắc tố đầy đủ, thực hiện liệu pháp thải sắt để loại bỏ lượng sắt dư thừa ra khỏi cơ thể và bổ sung axit folic để hỗ trợ sản xuất hồng cầu.
Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh mắc bệnh huyết tán thiếu máu nặng có thể cần các phương pháp điều trị chuyên biệt hơn như ghép tủy xương, phương pháp này có thể chữa khỏi rối loạn bằng cách thay thế tủy xương khiếm khuyết bằng tế bào hiến tặng khỏe mạnh.
Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị huyết tán thiếu máu:
Ngoài các can thiệp y tế, việc chăm sóc hỗ trợ và theo dõi liên tục là những khía cạnh thiết yếu trong việc kiểm soát bệnh huyết tán thiếu máu ở trẻ sơ sinh. Phụ huynh cần đưa trẻ sơ sinh tái khám định kỳ với bác sĩ để theo dõi sự tăng trưởng, phát triển và đáp ứng với điều trị của trẻ.
24. Sốt
Sốt là khi trẻ sơ sinh có thân nhiệt từ 38 độ C trở lên (nhiệt độ được đo ở trực tràng), đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bé đang chống lại nhiễm trùng.
Các nguyên nhân gây sốt phổ biến ở trẻ sơ sinh bao gồm nhiễm virus hoặc vi khuẩn, đang mọc răng, sốt sau khi tiêm chủng.
Triệu chứng nhận biết sốt ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ bị nóng sốt trên 38 độ, nằm mê man, ngủ li bì;
- Bé bú ít hơn ngày thường;
- Bé ngủ kém, ngủ không ngon giấc;
- Xuất hiện các nốt phát ban trên da;
- Dấu hiệu mất nước như tã không ướt trong thời gian dài, miệng và môi khô.
Cách điều trị sốt ở trẻ sơ sinh:
Nếu bé dưới 3 tháng tuổi bị sốt và bé trên 3 tháng tuổi sốt cao trên 39 độ C, ba mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây triệu chứng sốt ở trẻ. Tùy vào nguyên nhân gây triệu chứng, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị thích hợp.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị sốt tại nhà:
- Tắm bằng nước ấm: đảm bảo nhiệt độ của nước phải ít hơn nhiệt độ của cơ thể bé khoảng 2 độ; và chỉ tắm nhanh trong 5 phút;
- Lau mát bằng khăn ấm: dùng khăn ấm lau khắp người nhất là vùng bẹn và nách;
- Chọn quần áo nhẹ thoáng cho con: ưu tiên thay cho con những bộ quần áo gọn nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt;
- Cho bé nằm trong không gian thoáng mát: tạo điều kiện cho phòng của bé luôn được mát mẻ, không nên để bé ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
Chăm sóc trẻ bị sốt sau khi đi tiêm chủng:
Bé bị sốt sau khi tiêm vắc xin là hiện tượng bình thường, vô hại và là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch trong cơ thể của bé đang hoạt động để tạo ra kháng thể. Sốt thường chỉ kéo dài từ 1-2 ngày, trong thời gian đó, một số điều ba mẹ có thể làm cho trẻ sơ sinh bao gồm:
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát;
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn (với trẻ trên 6 tháng tuổi);
- Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5 độ C, quấy khóc;
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ;
- Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm;
- Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm quá liều paracetamol ở trẻ.
Trong trường hợp bé sốt cao (trên 38 độ) kéo dài không khỏi, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi kịp thời.
⇒ Xem thêm: Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa.
25. Viêm mắt
Mắt của trẻ sơ sinh bị sưng tấy có thể do các nguyên nhân tạm thời, ví dụ bé vừa mới khóc hoặc dụi mắt nhiều. Trong trường hợp này, mẹ chỉ cần chườm mát cho mắt của bé để thuyên giảm triệu chứng. Nhưng mẹ cần lưu ý nếu trẻ sơ sinh bị viêm mắt do bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ).
Bệnh viêm kết mạc là bệnh nhiễm trùng mắt do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Các tác nhân khác gây bệnh có thể bao gồm tắc tuyến lệ, mắt bé bị kích ứng do thuốc kháng sinh bôi tại chỗ khi sinh hoặc nhiễm virus hoặc vi khuẩn truyền từ mẹ sang con trong khi sinh. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm mắt do đau mắt đỏ:
- Chảy nước mắt trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi sinh;
- Mí mắt của bé sưng húp, đỏ và mềm.
Cách điều trị viêm kết mạc cho bé:
Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ sẽ cần được đưa đến bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm kết mạc. Sau đó, tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
- Viêm kết mạc do chlamydia: bác sĩ thường cho trẻ sơ sinh uống kháng để điều trị viêm kết mạc loại này.
- Viêm kết mạc do bệnh vi khuẩn gây bệnh lậu: bác sĩ cho dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn gây bệnh lậu. Nếu không được điều trị, trẻ sơ sinh có thể bị loét giác mạc (vết loét hở ở giác mạc) và mù lòa.
- Viêm kết mạc do chất hóa học: vì loại viêm kết mạc này là do kích ứng hóa học nên thường không cần điều trị. Trẻ sơ sinh cần tránh tiếp xúc với các chất hóa học và thường sẽ khỏe hơn sau 24 đến 36 giờ.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus khác: các bác sĩ thường cho nhỏ thuốc hoặc bôi thuốc mỡ kháng sinh để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn khác gây ra. Đối với viêm kết mạc do vi khuẩn và vi rút, chườm ấm lên mắt có thể làm giảm sưng và kích ứng. Mẹ hãy nhớ rửa tay trước và sau khi chạm vào mắt bị nhiễm trùng.
26. Một số vấn đề sức khỏe khác
Ngoài những bệnh liệt kê ở trên, mẹ chú ý thêm một số vấn đề sức khỏe thường gặp khác ở trẻ sơ sinh sau đây:
Ngạt mũi:
Bé bị ngạt mũi là do các niêm mạc trong mũi của bé bị sưng và viêm, thường do nhiễm virus, bị dị ứng hoặc do kích thích từ môi trường.
Để giảm ngạt mũi cho bé, ba mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý, sử dụng bóng hút mũi, chạy máy tạo độ ẩm phun sương mát trong phòng, kê hơi cao đầu của bé khi ngủ giúp dịch mũi thoát ra dễ hơn và làm giảm sự khó chịu khi bị nghẹt mũi.
Rốn lồi:
Rốn lồi còn được gọi là thoát vị rốn, đây là một khối u phình bất thường do một phần niêm mạc hoặc chất lỏng tích tụ, đi qua cơ của thành bụng và lồi ra lỗ rốn trẻ sơ sinh. Thoát vị rốn thường xảy ra ở những trẻ nhẹ cân và trẻ sinh non.
Thông thường, trong quá trình thăm khác, bác sĩ sẽ đẩy khối thoát vị trở lại vào bụng trẻ sơ sinh. Nhưng một số trường hợp trẻ có thể được chỉ định phẫu thuật:
- Khối thoát vị có đường kính > 1,5 cm;
- Khối thoát vị không giảm trong 2 năm đầu đời;
- Khối thoát vị không biến mất khi trẻ được 4 - 5 tuổi;
- Ruột của trẻ bị mắc kẹt trong khối thoát vị, và khiến trẻ bị đau.
Sau khi phẫu thuật, trẻ có thể được xuất viện và chăm sóc tại nhà, ba mẹ có thể yên tâm.
Ngạt thở:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể nâng đầu tốt. Vì vậy, bé có thể bị mắc kẹt trong tư thế cúi đầu gây khó thở và ngạt thở.
Một số cách giúp phòng ngừa tình trạng ngạt thở ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ sơ sinh phải luôn được đặt nằm ngửa trên một tấm nệm cứng cáp để ngủ;
- Không đặt trẻ sơ sinh trên các bề mặt mềm như chăn bông, thảm lông hoặc nệm mềm;
- Không đặt trẻ sơ sinh ngủ chung trên giường, ghế dài của người lớn;
- Trẻ sơ sinh không nên ngủ chung giường với trẻ em khác hoặc người lớn vì nguy cơ bị ngạt thở rất cao;
- Đảm bảo đệm trong cũi của bé có kích thước phù hợp và vừa khít với cũi. Điều này giúp bé không bị kẹt giữa đệm và thành cũi.
- Đảm bảo ga trải giường của bé vừa khít với nệm để không bị tuột ra và quấn quanh đầu bé.
Sụt cân tuần đầu sau sinh:
Việc trẻ sơ sinh giảm cân trong tuần đầu tiên sau sinh là điều bình thường. Thông thường, trẻ sơ sinh có thể giảm tới 7% đến 10% trọng lượng trong vài ngày đầu sau khi sinh. Việc giảm cân ban đầu này chủ yếu là do mất đi lượng chất lỏng dư thừa, phân su và do cơ thể bé đang điều chỉnh sự cân bằng chất lỏng.
Hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu tăng cân trở lại vào cuối tuần đầu tiên và thường trở lại cân nặng lúc sinh vào khoảng 2 tuần tuổi. Trẻ bú sữa mẹ có xu hướng tăng cân chậm hơn so với trẻ bú sữa công thức.
Nhìn chung, việc giảm cân trong tuần đầu tiên là bình thường, nhưng phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ để theo dõi chặt chẽ cân nặng của trẻ sơ sinh trong vài tuần đầu đời để đảm bảo trẻ tăng cân hợp lý. Nếu trẻ sơ sinh tiếp tục giảm cân sau tuần đầu tiên hoặc nếu giảm cân quá mức, các bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị bổ sung cữ bú, thêm dinh dưỡng hoặc đánh giá thêm để giải quyết vấn đề cơ bản.
Hướng dẫn phòng ngừa những bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh
1. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho bé
Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng một số bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em. Đặc biệt giai đoạn sơ sinh vì hệ thống miễn dịch của bé non nớt và sức đề kháng với bệnh tật kém. Kháng thể thụ động truyền từ mẹ sang con cũng dần suy giảm và mất dần đi sau khi sinh. Với cơ thể nhỏ bé, các tác nhân gây bệnh tấn công dù được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nặng, thậm chí tử vong cho trẻ.
Một số mũi tiêm quan trọng giúp tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi bao gồm:
- Vắc xin phòng bệnh viêm gan B: tiêm trong 24h đầu sau sinh;
- Vắc xin phòng ngừa bệnh lao: tiêm trong 1 tháng đầu sau sinh;
- Vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván; vắc xin phòng ngừa bệnh bại liệt, bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do HIb: tiêm từ 2 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus: uống từ 2 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn: tiêm từ 2 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn B, C: tiêm từ 6 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn B: tiêm từ 6 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng bệnh cúm: tiêm từ 6 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn A, C, Y, W-135: tiêm từ 9 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản (Imojev): tiêm từ 9 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng Sởi, Quai bị, Rubella (Priorix): tiêm từ 9 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng thủy đậu (Varilrix): tiêm từ 9 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng bệnh Sởi, Quai bị, Rubella (MMR-II); tiêm từ 12 tháng tuổi;
- Vắc xin phòng viêm gan A+B: tiêm từ 12 tháng tuổi.
- Vắc xin phòng thuỷ đậu (Varivax/Varicella): tiêm từ 12 tháng tuổi;
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai tuỳ vào tình hình sức khỏe sẽ được chỉ định tiêm vắc xin cúm, vắc xin uốn ván, vắc xin ho gà - bạch hầu - uốn ván để bảo vệ sức khoẻ và truyền kháng thể thụ động qua cho thai nhi.
⇒ Xem thêm:
Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh: 2 mũi quan trọng bố mẹ cần lưu tâm.
Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và các biến chứng nguy hiểm.
2. Quan sát trẻ thường xuyên để phát hiện sớm triệu chứng bệnh
Khi cảnh giác và chú ý đến những thay đổi trong hành vi, thói quen ăn uống và sức khỏe tổng thể của trẻ, phụ huynh có thể nhanh chóng xác định dấu hiệu các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời có thể bảo vệ trẻ khỏi các diễn biến bệnh nặng hoặc nguy cơ tử vong do các bệnh nguy hiểm.
Hơn nữa, việc phụ huynh quan sát thường xuyên các triệu chứng của bé cũng là dữ kiện giúp các bác sĩ nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ, tạo điều kiện cho việc đánh giá và can thiệp chính xác hơn khi các triệu chứng xuất hiện. Từ việc theo dõi sốt, sự thay đổi trong nhịp thở hay tình trạng da bất thường, việc quan sát nhất quán sẽ giúp đảm bảo rằng mọi lo ngại về sức khỏe đều được giải quyết kịp thời, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.
3. Môi trường sống cần được giữ sạch sẽ
Chất lượng không khí và môi trường sống trong gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Các chất gây ô nhiễm trong không khí như khói thuốc lá, bụi, nước hoa và hóa chất có khả năng gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các đợt hen suyễn, phản ứng dị ứng và các bệnh về đường hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Vì vậy, các phụ huynh cần phải duy trì một không gian sống luôn thông thoáng và trong lành cho trẻ, đảm bảo điều kiện sống tối ưu. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì sự sạch sẽ ở những khu vực mà bé thường lui tới, bao gồm nhà trẻ, giường ngủ, khu vui chơi cũng như các bề mặt như bàn, ghế và đồ chơi.
4. Nên cho bé bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời và có thể tiếp tục cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu để tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ nhờ thành phần phong phú các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, chất béo, đường và men vi sinh, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ.
Hơn nữa, nếu người mẹ được tiêm chủng ngừa một số bệnh trong thời kỳ mang thai, điều đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền kháng thể thụ động sang trẻ qua sữa mẹ. Do đó, nuôi con bằng sữa mẹ đóng vai trò như một phương tiện để bảo vệ hệ thống miễn dịch đang phát triển của trẻ sơ sinh.
Đối với những bà mẹ không thể cho con bú sữa mẹ, việc đảm bảo trẻ nhận đủ lượng sữa công thức theo quy định của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhà sản xuất là rất quan trọng.
⇒ Xem thêm: 10+ cách tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi hiệu quả.
Một số câu hỏi thường gặp
1. Bé sinh non tháng có dễ mắc bệnh hơn không?
Câu trả lời là CÓ. Trẻ sinh non dễ mắc bệnh hơn do hệ thống miễn dịch yếu và cơ quan phát triển chưa hoàn thiện. Hệ thống miễn dịch non nớt của trẻ sinh non tháng thiếu đi các kháng thể cần thiết để chống lại nhiễm trùng một cách hiệu quả.
Ngoài ra, trẻ sinh non thường phải nằm viện và can thiệp y tế kéo dài làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh và nguy cơ nhiễm trùng. Những thách thức trong việc cho ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bé. Kết quả là, trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, các vấn đề về đường tiêu hóa và các biến chứng khác.
Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ trẻ sinh non để phát hiện các dấu hiệu bệnh tật và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung để bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng. Các biện pháp chăm sóc chuyên biệt bao gồm dinh dưỡng hợp lý và giảm thiểu tiếp xúc với mầm bệnh.
2. Trẻ sinh non có được tiêm vắc xin không?
Câu trả lời là CÓ. Trẻ sinh non có thể được tiêm vắc xin nhưng cần được theo dõi, khám và chỉ định tiêm chủng bởi bác sĩ sau khi sàng lọc và đánh giá tình hình sức khoẻ. Phụ huynh cần cung cấp đầy đủ các thông tin sức khỏe của trẻ giúp bác sĩ tư vấn và chỉ định chính xác hơn.
3. Có nên tự mua thuốc cho bé uống khi bị ho, bị sốt không?
Câu trả lời là KHÔNG. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi mua thuốc cho bé uống khi bị ho hoặc sốt. Việc tự dùng thuốc, đặc biệt là với trẻ sơ sinh có thể nguy hiểm và không giải quyết được nguyên nhân của các triệu chứng.
Bác sĩ có thể hướng dẫn về các phương pháp điều trị thích hợp dựa trên độ tuổi, cân nặng và tiền sử bệnh của bé. Trong một số trường hợp, các biện pháp đơn giản như nghỉ ngơi, uống nhiều nước và cấp ẩm cho không khí có thể được khuyến nghị để kiểm soát các triệu chứng nhẹ.
Nhìn chung, phụ huynh hãy ưu tiên sức khỏe và tinh thần của bé bằng cách làm theo lời khuyên của bác sĩ và tránh dùng thuốc khi không cần thiết.
Kết luận
Trẻ sơ sinh dễ bị mắc bệnh do hệ miễn dịch của bé còn non nớt và cơ thể nhỏ bé chưa đủ sức chống lại các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài. Do đó, việc theo dõi dấu hiệu các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời cho bé. Song song đó, ba mẹ có thể nâng cao hệ miễn dịch của con bằng cách đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, cho bé ăn chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt và đảm bảo không gian sống của con luôn thoáng mát, sạch sẽ.