(CMO) Cà Mau là chặng cuối trong hành trình khẩn hoang, mở cõi, xây dựng chủ quyền đất nước của tiền nhân. Theo thống kê, Cà Mau có khoảng 90 di sản văn hoá (di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể) được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia và nhân loại. Bên cạnh đó là hệ thống đình, chùa, miếu mạo, các địa điểm tâm linh lưu dấu lại quá trình hình thành, phát triển của Cà Mau qua các thời đoạn lịch sử trải đều khắp địa phương. Có thể nói, bản sắc văn hoá là một trong những tài nguyên du lịch giàu có của Cà Mau, hoàn toàn có thể xây dựng được những tour - tuyến du lịch lịch sử - văn hoá - tâm linh với sức hấp dẫn mạnh mẽ, thú vị.
Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh Cà Mau đã có những chủ trương lớn để khai phá tiềm năng phát triển du lịch, trong đó có lĩnh vực du lịch văn hoá. Trên thực tế, những di sản văn hoá tiêu biểu của Cà Mau đều trở thành những sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương, được du khách phản hồi tích cực, trong đó có các địa điểm di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng; các nghề di sản như ăn ong, muối ba khía; đờn ca tài tử; du lịch trải nghiệm văn hoá sông nước; các lễ hội...”.
Theo đó, các mô hình du lịch đã khẳng định được sức hút của Cà Mau như homestay, farmstay đều có sự hoà quyện, khai thác được những nét riêng, độc đáo, hấp dẫn trong bản sắc văn hoá của Cà Mau.
Nhưng về tổng thể, du lịch văn hoá của Cà Mau vẫn chưa được khơi thông một cách đồng bộ, liên tục. Đối với hệ thống di sản văn hoá vật thể, nhất là với các di tích văn hoá - lịch sử, trừ một số được đầu tư tương xứng, tạo thành điểm nhấn cho phát triển du lịch, còn lại đều ở dạng tiềm năng. Ngay cả những di tích được xếp vào dạng ưu tiên trong sổ tay du lịch của Cà Mau, thì cũng chỉ phát huy theo thời điểm. Nghĩa là vào các mùa cao điểm du lịch, các lễ hội tổ chức định kỳ, những di tích, địa điểm này mới tổ chức các hoạt động dành cho du khách tham quan, trải nghiệm, còn lại thì khá im ắng.
Tại Cà Mau, cho đến nay vẫn chưa xuất hiện các tour, tuyến du lịch văn hoá đúng nghĩa. Du khách mặc dù có sự quan tâm nhất định đến du lịch văn hoá Cà Mau, nhưng phần đông đều là tự tìm hiểu, liên hệ, trải nghiệm mà không có sản phẩm du lịch rõ ràng. Tại các di tích lịch sử - văn hoá cũng chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, giới thiệu mà chưa có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch kèm theo. Nếu nói một cách rốt ráo, các di tích, địa điểm văn hoá - lịch sử mới chỉ tròn chức năng về nguồn, giáo dục truyền thống và chỉ bước đầu tiếp cận định hướng gắn với phát triển du lịch.
Tìm về Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Hồng Anh Thư Quán, một địa điểm nổi tiếng nằm gần chợ Phường 2, nội ô sầm uất của TP Cà Mau, hỏi thăm những người dân sinh sống gần đó, cũng hiếm người biết đến. Giá trị của di tích này với lịch sử Cà Mau là hết sức to lớn. Đây chính là nơi mà ánh sáng của thời đại, của tư tưởng tiến bộ cách mạng được soi rọi tại mảnh đất Cà Mau.
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Hồng Anh Thư Quán chưa được đầu tư tôn tạo, ít người biết đến.Chị Bùi Diệu Chuyên, cán bộ Bảo tàng phụ trách quản lý di tích này, chia sẻ: “Dù luôn mở cửa để phục vụ khách tham quan, nhưng Di tích Hồng Anh Thư Quán mỗi năm chỉ có vài cá nhân, đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. Chủ yếu là phục vụ cho quá trình nghiên cứu, học tập, tìm hiểu lịch sử, văn hoá, còn khách du lịch thuần tuý thì hầu như rất hiếm”.
Hiện trạng một số di tích lịch sử - văn hoá khác của Cà Mau còn khó khăn hơn, do quá trình đầu tư, xây dựng chưa hoàn thiện. Trong đó, có những di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia, có thể nói là rất nổi tiếng ở Cà Mau. Nhiều du khách tìm hiểu qua thông tin sách vở, báo chí, mong muốn được về tham quan, trải nghiệm nhưng thực tế lại khá hụt hẫng.
Nói như ông Lê Minh Sơn: “Muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, không cách nào khác là phải đầu tư, trùng tu, tôn tạo đúng mức. Đó là vấn đề cốt lõi để các di sản văn hoá thực hiện tốt các chức năng, trong đó có định hướng gắn với phát triển du lịch. Còn như hiện nay, quả thật là khó khăn”.
Ít ai biết, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Cà Mau - không gian văn hoá - tâm linh mà hầu như du khách nào về Cà Mau cũng tìm đến, lại không có trong danh sách di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng của địa phương. Tuy nhiên, với sự đầu tư đồng bộ, ý nghĩa to lớn thể hiện tấm lòng của mảnh đất Cà Mau với Bác Hồ, nơi đây trở thành một trải nghiệm văn hoá có sức hấp dẫn mạnh mẽ với tất cả mọi người. Bà Nguyễn Thị Xuân cùng người thân từ Hà Tĩnh vào tham quan địa điểm này, phải thốt lên: “Tôi có ước mơ trong đời được một lần vào Cà Mau, nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc. Vô cùng xúc động khi ở Cà Mau có một không gian thiêng liêng, trang trọng như thế này để tưởng nhớ công ơn Bác Hồ”.
Để du lịch Cà Mau sớm trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho địa phương, việc vực dậy, khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch văn hoá là ưu tiên không thể bỏ qua. Từ cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các tour - tuyến, sản phẩm du lịch văn hoá... đều cần sự chung sức, nỗ lực rất lớn của địa phương và cộng đồng. Mục tiêu là để các di sản văn hoá không chỉ là những giá trị đã qua, mà sẽ là tài sản quý giá, hiện hữu, cùng đồng hành với đà phát triển của quê hương Cà Mau trong hiện tại và cả tương lai...
Hải Nguyên