Vi khuẩn bạch hầu sản sinh độc tố không chỉ tác động đến đường hô hấp trên hoặc tác động ngoài da mà còn có thể gây tổn thương đến tim mạch, gan, thận, phổi và hệ thần kinh, gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Những người chưa được tiêm chủng vắc xin bạch hầu hoặc tiêm không đầy đủ đều có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Do đó, việc nhận biết sớm và can thiệp y tế kịp thời là yếu tố then chốt để giảm thiểu biến chứng và ngăn chặn nguy cơ tử vong. 17 hình ảnh bệnh bạch hầu thực tế dưới đây sẽ giúp nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh bạch hầu, từ đó áp dụng các biện pháp xử trí thích hợp.
BS Bùi Thanh Phong - Quản lý Y khoa Vùng TP.HCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Bạch hầu cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em. Trước khi vắc xin và thuốc kháng độc tố bạch hầu được phát triển, tỷ lệ tử vong do bạch hầu lên đến 80%. Tại Việt Nam, trước khi Chương trình Tiêm chủng Mở rộng được triển khai, bạch hầu thường xuyên bùng thành dịch ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Sau khi có vắc xin, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể xuống dưới 0,01/100.000 dân. Vắc xin là biện pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh, trẻ em từ 2 tháng tuổi và người lớn cần chủ động tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.”Hình ảnh về vi khuẩn bạch hầu
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi, phát tán vi khuẩn bạch hầu vào không khí hoặc do tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết của người bệnh. Một số người có thể mang vi khuẩn mà không biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng), nhưng vẫn có khả năng lây truyền cho người khác. Bệnh tiến triển nhanh chóng, có thể gây biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tác nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, vi khuẩn sản sinh độc tố gây hại cho cơ thể, có thể gây độc toàn thân, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Để hiểu rõ hơn về mối nguy hiểm này, có thể nhìn vào một số hình ảnh dưới kính hiển vi, phân tích cấu trúc vi khuẩn bạch hầu và cơ chế gây bệnh của chúng. Những hình ảnh bệnh bạch hầu này giúp chúng ta nhận thức khái quát hơn về tác nhân gây bệnh và cách thức chúng “hoạt động” khi xâm nhập vào cơ thể:
Hình ảnh vi khuẩn bạch hầu dưới kính hiển vi
Corynebacterium Diphtheriae (1) là một loại vi khuẩn hình que thuộc bộ Actinomycetales, thường được tìm thấy trong đất, là vi khuẩn gram dương, hiếu khí, không di động, không có vỏ, hình chùy có độ dài khoảng 2 - 6 μm và rộng khoảng 0,5 - 1μm, vi khuẩn bạch hầu có sinh độc tố.
Dưới đây là những hình ảnh của vi khuẩn bạch hầu được chụp bằng kính hiển vi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm:
Hình ảnh cấu trúc vi khuẩn bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu được cấu tạo nên từ nhiều thành phần phân tử khác nhau. Chỉ riêng lớp vỏ vi khuẩn đã được hình thành từ các lớp màng ngoài, Axit mycolic, vách tế bào, màng tế bào chất và bên trong cùng là tế bào chất. Ở đuôi vi khuẩn được gọi là “Pili” (thường được biết đến là nhung mao và tiêu mao) giúp vi khuẩn bạch hầu di chuyển và bám chặt vào các tế bào của vật chủ.
Hình ảnh vòng tuần hoàn của vi khuẩn bạch hầu
Tổ chức cấu trúc của độc tố vi khuẩn bạch hầu gồm 2 thành phần độc tố là độc tố tiểu đơn vị nhóm A và độc tố tiểu đơn vị nhóm B. Trong đó, tiểu đơn vị B có nhiệm vụ “hộ tống” tiểu đơn vị A đến tế bào chất nhằm gây độc tế bào hoặc ảnh hưởng đến sinh lý tế bào của vật chủ.
Vi khuẩn bạch hầu gây bệnh theo quy trình như sau:
- Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú, bám vào các tế bào niêm mạc hầu họng của vật chủ bằng những sợi Pili.
- Chúng tiết độc tố bạch hầu (DT), liên kết với thụ thể HB-EGF để hình thành phức hợp thụ thể - độc tố DT. Độc tố bạch hầu được tiết ra dưới dạng proenzym có khối lượng 58,3 kDa.
- Phức hợp này sau đó được hấp thụ thông qua quá trình nhập bào và xâm nhập vào bên trong tế bào của vật chủ.
- Sau khi được hấp thụ, Protease (enzyme phân giải protein) và môi trường axit bên trong nội bào làm thay đổi hình dạng của DT.
- Tiểu đơn vị A được đẩy qua màng và giải phóng vào tế bào chất.
- Tiểu đơn vị A ức chế tổng hợp protein của vật chủ.
Nhận biết triệu chứng qua hình ảnh bệnh bạch hầu
Bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm với các triệu chứng dễ nhận biết. Điển hình là sự hình thành giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi. Giả mạc này thường có màu trắng ngà hoặc xám, dính chặt vào tổ chức viêm và khi bóc ra có thể gây chảy máu, vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.
Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, sưng các tuyến ở cổ, ho ông ổng, viêm họng và sưng họng, da xanh tái, chảy nước dãi, cảm giác lo lắng, sợ hãi, đau khi nuốt và nổi hạch dưới hàm gây sưng đau vùng cổ. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em với biểu hiện lâm sàng điển hình là giả mạc nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ.
1. Hình ảnh màng giả mạc bạch hầu ở họng
2. Hình ảnh sưng tấy hạch cổ
3. Hình ảnh khàn tiếng, khó thở
4. Hình ảnh sốt cao, mệt mỏi
5. Hình ảnh da tái xanh
Hình ảnh biến chứng của bệnh bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể gây nhiễm độc toàn thân, ngoại độc tố của vi khuẩn xâm nhập vào máu gây ra tình trạng nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác. Hoặc có thể gây độc đến hệ thống tim mạch, gây ra các biến chứng bạch hầu nghiêm trọng như viêm cơ tim, đột ngột trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bạch hầu cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận; liệt do tổn thương hệ thần kinh vận động.
1. Hình ảnh tắc nghẽn đường hô hấp
Màng bạch hầu dày hình thành trong cổ họng hoặc amidan của người bệnh bạch hầu có thể chặn cản trở hô hấp, tắc nghẽn đường thở, dẫn đến khó thở và trong những trường hợp bạch hầu nghiêm trọng, thậm chí có thể gây ngạt thở và tử vong.
2. Hình ảnh viêm cơ tim
Độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu có thể gây độc hệ thống tim mạch, làm tổn thương cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim. Điều này có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim và thậm chí tử vong đột ngột do chết tim.
3. Hình ảnh biến chứng viêm dây thần kinh gây liệt mặt
Trong một số trường hợp hiếm gặp, độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh, dẫn đến các biến chứng thần kinh như tê liệt hoặc tổn thương thần kinh.
4. Hình ảnh suy thận
5. Hình ảnh viêm màng não
Biến chứng viêm màng não ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương của người bệnh, tỷ lệ tử vong cao. Ngay cả khi được phát hiện và cứu chữa kịp thời, tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức đáng báo động. Số người còn sống sót sau bệnh phải gánh chịu các di chứng bệnh tật vô cùng nghiêm trọng, có thể gây dị tật thần kinh và vận động đến suốt đời.
Hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh bạch hầu để phòng ngừa biến chứng
Nguy cơ biến chứng hoặc tử vong do bệnh bạch hầu có thể giảm xuống đáng kể nếu người bệnh được điều trị thích hợp từ sớm. Chính vì thế, nếu nghi ngờ mắc bệnh cần tiến hành xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh lý ngay lập tức và bắt đầu điều trị bệnh bạch hầu càng sớm càng tốt. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được chăm sóc cẩn thận, đúng cách, có thể tham khảo các phương pháp sau đây:
- Cần đảm bảo người bệnh được cách ly y tế đúng cách để tránh lây nhiễm cho người khác vì vi khuẩn bạch hầu sở hữu tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng trong cộng động, đặc biệt là trong cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp, nguy cơ bùng dịch. Phòng cách ly bệnh nhân cần thông thoáng, sạch sẽ và được tiệt trùng thường xuyên. Nhân viên y tế và người chăm sóc nên đeo khẩu trang, găng tay và tuân thủ các quy trình phòng ngừa nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.
- Người bệnh cần được theo dõi sát sao các dấu hiệu suy hô hấp và khó thở bởi bệnh bạch hầu có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp do màng bạch hầu hình thành ở họng và amidan. Do đó, trong trường hợp phát hiện triệu chứng đường thở diễn tiến nghiêm trọng, bệnh nhân cần được hỗ trợ thở bằng phương pháp máy thở hoặc thở oxy để tránh tình trạng nghẹt đường thở, gián đoạn hô hấp, gây tử vong.
- Việc dùng kháng sinh và huyết thanh chống độc đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ là bắt buộc để tiêu diệt vi khuẩn và trung hòa độc tố.
- Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh cũng là một yếu tố quan trọng. Người bệnh thường có triệu chứng đau họng, gây khó khăn trong ăn uống. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng cần ưu tiên chế biến những thức ăn mềm, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng. Cho người bệnh uống nước ấm, không nên uống nước đá lạnh vì có thể làm trầm trọng hóa triệu chứng đau họng, suy giảm sức đề kháng của người bệnh, nên cho người bệnh ăn các loại súp, cháo và các loại thực phẩm bổ sung vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng.
- Chú ý theo dõi các dấu hiệu của biến chứng bệnh bạch hầu như viêm cơ tim, tổn thương thần kinh hoặc nhiễm trùng huyết. Những biến chứng này có thể rất nguy hiểm và cần được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu người bệnh có triệu chứng như đau ngực, mệt mỏi, yếu cơ hoặc xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân.
- Đối với người chăm sóc bệnh nhân, việc vệ sinh tay phải được thực hiện trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc với các vật dụng hoặc bề mặt bị ô nhiễm hoặc nghi nhiễm khuẩn bạch hầu.
- Đặc biệt, công tác phòng ngừa chủ động bằng tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu cũng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh và ngăn ngừa lây lan. Ngay sau khi khỏi bệnh, người bệnh cần được tiêm ngừa vắc xin chứa thành phần bạch hầu theo đúng lịch tiêm khuyến cáo, đồng thời chú ý tiêm nhắc đúng lịch nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng với tiến triển nhanh, diễn biến nghiêm trọng, cần được điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ biến chứng và giảm thiểu tỷ lệ tử vong do các biến chứng. Chính vì thế, những hình ảnh bệnh bạch hầu thực tế trên đây có thể giúp nhận biết sớm tình trạng diễn biến của bệnh để kịp thời thăm khám và tiếp nhận điều trị thích hợp. Tích cực kiểm tra sức khỏe định kỳ và chủ động tiêm chủng đầy đủ tất cả các loại vắc xin quan trọng, tiêm sớm và đúng lịch khuyến cáo của bác sĩ là biện pháp dự phòng bệnh tật, bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất cho mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng.