Trĩ là bệnh rất phổ biến hiện nay, nhưng rất nhiều người ngại ngùng, tự ti khi nhắc đến bệnh dẫn đến việc phát hiện và điều trị gặp nhiều khó khăn. Đọc ngay bài viết bên dưới để tìm hiểu về nguyên nhân, phân loại, cũng như cách điều trị bệnh trĩ nhé!
1Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là tình trạng tĩnh mạch bên trong trực tràng hoặc bên ngoài hậu môn sưng to do sự ứ trệ tuần hoàn cấp máu cho hậu môn, gây triệu chứng đau kèm theo đi cầu ra máu.[1]
Theo hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, trĩ là bệnh lý hàng đầu trong bệnh hậu môn trực tràng với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 35 - 50%, đa phần ở nữ giới (chiếm 60%).
Có ba loại trĩ là trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp và chúng có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng với các triệu chứng khác nhau. Cụ thể là:
- Trĩ nội: búi trĩ xuất hiện trên đường lược nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
- Trĩ ngoại: búi trĩ xuất hiện dưới đường lược với các triệu chứng rầm rộ gây khó chịu cho người bệnh.
Bệnh trĩ là tình trạng giãn tĩnh mạch trực tràng - hậu môn
2Dấu hiệu của bệnh trĩ
Dấu hiệu trĩ nội
Khi búi trĩ xuất hiện bên trong trực tràng hiếm khi gây khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Chảy máu khi đi đại tiện.
- Thấy búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn khi rặn, có thể tự co lên sau khi đi đại tiện.
- Đau khi chạm vào búi trĩ.[2]
Dấu hiệu trĩ ngoại
Trĩ ngoại thường gây ra các triệu chứng rõ ràng hơn, bao gồm:
- Ngứa và khó chịu quanh hậu môn.
- Đau, đặc biệt khi ngồi hoặc đi đại tiện.
- Sưng hậu môn.
- Chảy máu hậu môn.
Đại tiện ra máu là dấu hiệu hay gặp trong bệnh trĩ
3Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Bệnh trĩ thường do sự kết hợp của 2 yếu tố gồm áp lực lớn tác động liên tục lên phần tĩnh mạch nằm ở hậu môn trực tràng và sự suy yếu của tĩnh mạch.
Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và rất hiếm ở người trẻ dưới 20 tuổi. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ bao gồm:
- Người từ 45 đến 65 tuổi.[3]
- Mang thai.
- Rặn mạnh khi đại tiện.
- Ngồi lâu, đặc biệt khi đi vệ sinh.
- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính.
- Béo phì.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Chế độ ăn ít chất xơ.
- Thường xuyên nâng vật nặng.
4Biến chứng của bệnh trĩ
Bệnh trĩ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng sau:
- Thiếu máu thiếu sắt mạn tính: do mất máu số lượng ít trong thời gian dài.
- Búi trĩ bị nghẹt: thường xuất hiện khi sa búi trĩ có kích thước lớn ra ngoài sau đó bị cơ thắt hậu môn chặn lại.
- Khi đó, người bệnh thường rất đau, búi trĩ căng cứng có thể dẫn đến hoại tử nếu không điều trị kịp thời.
- Hình thành cục máu đông gây tắc mạch: do ứ trệ tuần hoàn trong búi trĩ làm xuất hiện máu đông.
- Viêm nhiễm da quanh hậu môn: gây sưng đỏ, đau rát hoặc chảy dịch mủ.
Mất máu là biến chứng thường gặp trong bệnh trĩ
5Các chẩn đoán phát hiện bệnh trĩ
Để chẩn đoán bệnh trĩ, các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng mà người bệnh đến khám kết hợp với phương pháp thăm khám trực tràng để phát hiện và xác định kích thước búi trĩ.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán và điều trị như:
- Nội soi đại trực tràng: dùng ống mềm có gắn camera chuyên dụng ở đầu sau đó đưa vào hậu môn - trực tràng để nhìn thấy hình ảnh búi trĩ và tìm kiếm các dấu hiệu bệnh lý khác.
- Công thức máu: nhằm xác định mức độ mất máu hoặc thiếu máu.
Nội soi đại trực tràng là một phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ
6Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ
Để tránh làm nặng thêm tình hình bệnh hoặc xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, bạn nên đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:
- Chảy máu tươi hoặc phát hiện máu rây quanh phân khi đi đại tiện kéo dài trên 1 tuần.
- Thay đổi thói quen đi đại tiện.
- Phát hiện phân có sự bất thường về hình thái, màu sắc như kích thước nhỏ, thành cục rắn, phân lỏng, nát, màu nâu hoặc xanh.
- Có các biểu hiện toàn thân như sốt, choáng, suy nhược cơ thể.
Nơi khám chữa bệnh uy tín
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Tiêu hoá, Nội. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, Bệnh viện Thống Nhất.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Quân đội Trung Ương 108.
7Các phương pháp điều trị bệnh trĩ
Cách khắc phục bệnh trĩ tại nhà
Với tình trạng trĩ không cần điều trị y tế, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ: bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để làm mềm phân.
- Sử dụng kem bôi trĩ: Các loại kem hoặc gel chứa hydrocortisone có thể giúp giảm viêm và ngứa.
- Ngâm hậu môn trong nước ấm: Thực hiện ngâm hậu môn trong nước ấm từ 10 - 15 phút mỗi 2 - 3 lần/ngày để giảm sưng và ngứa.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc ibuprofen có thể được sử dụng để giảm đau nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Các thủ thuật điều trị bệnh trĩ
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một trong số những phương pháp sau:
- Thắt vòng cao su: dùng ống cao su thắt chặt búi trĩ để ngăn nguồn cấp máu đến búi trĩ. Khi búi trĩ không được cung cấp chất dinh dưỡng sẽ tự rụng và theo phân ra ngoài.
- Đốt điện: với tác dụng của dòng điện, sau khi cắp nguồn cấp máu, búi trĩ sẽ tự rụng.
- Quang đông hồng ngoại: lợi dụng tác dụng nhiệt từ ánh sáng hồng ngoại để làm co các mạch máu và ngăn chặn dòng máu đến búi trĩ, giúp búi trĩ rụng đi.
- Tiêm xơ tĩnh mạch: chất xơ được tiêm vào búi trĩ, gây viêm và khiến búi trĩ tự rụng.
- Cắt trĩ: với những búi trĩ lồi ra quá lớn, bác sĩ sẽ chỉ định cắt búi trĩ.
- Mổ trĩ Longo: cắt trĩ bằng ghim, ít gây đau, giảm thời gian hồi phục so với phương pháp bình thường.
8Phương pháp phòng ngừa
Để giảm nguy cơ xuất hiện trĩ, bạn có thể thực hiện một vài biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều chất xơ từ rau xanh, hoa quả, ngũ cốc.
- Uống nhiều nước tối thiểu từ 1,5 - 2 lít nước/ngày giúp làm mềm phân và hạn chế táo bón.
- Tập thói quen đi bộ thường xuyên, tránh ngồi tại chỗ quá lâu.
- Thực hiện thói quen đi đại tiện đều đặn trong một khung giờ cố định mỗi ngày.
- Không sử dụng điện thoại hay đọc sách báo khi đi đại tiện để hạn chế ngồi trên bồn cầu quá lâu.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, BMI từ 18,5 - 22,9.
- Điều trị tốt các bệnh mãn tính đang mắc như viêm phế quản mạn, bệnh kiết lỵ, táo bón.
Ăn nhiều chất xơ là phương pháp phòng ngừa trĩ hiệu quả
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích để bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị bệnh trĩ. Hãy chia sẻ bài viết đến bạn bè và người thân xung quanh bạn nhé!