Rối loạn đa nhân cách là bệnh tâm thần phức tạp. Trong cơ thể người bệnh sẽ có nhiều nhân cách khác nhau, chi phối và kiểm soát hành vi của họ vào 1 thời điểm bất kỳ. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người bệnh. Vậy dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh ra sao?
Rối loạn đa nhân cách là gì?
Rối loạn đa nhân cách là bệnh tâm thần, trong đó người bệnh có 2 hoặc nhiều tính cách riêng biệt. Những tính cách này điều khiển hành vi của người bệnh ở những thời điểm khác nhau, họ có thể quên mình là ai, đôi khi đang cười nhưng lúc sau đã khóc, đang giận dữ bỗng trở nên vui vẻ. Rối loạn đa nhân cách có thể dẫn đến những khoảng trống trong trí nhớ và gây ảo giác (tin rằng điều gì đó là có thật trong khi thực tế không phải vậy). Bệnh biểu hiện rõ ở tuổi vị thành niên hoặc giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành.
Rối loạn đa nhân cách có tên gọi quốc tế là Dissociative Identity Disorder (DID), rối loạn nhân dạng phân ly hoặc rối loạn nhân cách phân chia. Trong đó, rối loạn đa nhân cách là 1 dạng trong rối loạn phân ly.
Rối loạn đa nhân cách có 2 dạng: chiếm hữu và không chiếm hữu.
12 dấu hiệu đa nhân cách và biểu hiện đặc trưng
Rối loạn đa nhân cách là rối loạn tâm lý đặc biệt, bệnh có những dấu hiệu đa nhân cách và biểu hiện đặc trưng sau [1]:
- Cảm giác tách rời khỏi cơ thể và cảm xúc: đây là dấu hiệu đầu tiên của chứng đa nhân cách.
- Nhận thức mọi thứ xung quanh không thực tế: người mắc hội chứng đa nhân cách có nhận thức không thực tế về mọi thứ xung quanh mình. Người bệnh luôn có cảm giác thế giới này không có thật.
- Cảm thấy bản thân đang làm những việc mà bình thường không làm: người mắc chứng rối loạn đa nhân cách có thể thấy bản thân đang làm những việc mà bình thường không làm, chẳng hạn như lái xe quá tốc độ, ăn cắp tiền từ người khác,… Người bệnh có cảm giác như mình bị ép buộc làm những điều đó.
- Nhầm lẫn danh tính hoặc thay đổi danh tính: quên mất tên tuổi, địa chỉ, công việc chính là 1 trong những biểu hiện đa nhân cách thường thấy. Khi gặp tình trạng này người bệnh thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
- Mất trí nhớ: người bệnh quên thông tin cá nhân, ký ức đau thương trong quá khứ hoặc những sự kiện xảy ra hàng ngày.
- Biểu hiện ở tư thế, cử chỉ, cách nói chuyện: sự thay đổi danh tính của người đa nhân cách thường đi kèm với những thay đổi trong hành vi, trí nhớ và suy nghĩ. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể nhận thấy bởi người khác hoặc từ chính bản thân người bệnh.
- Ý nghĩ tự tử hoặc tự làm hại bản thân: 1 số trường hợp mắc rối loạn đa nhân cách có xu hướng tự ngược đãi bản thân. Có ý định tự tử là tình trạng phổ biến ở người rối loạn đa nhân cách. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết, có hơn 70% bệnh nhân ngoại trú mắc rối loạn đa nhân cách tại quốc gia này từng tìm cách tự tử. [2]
Một số biểu hiện khác:
- Ảo giác.
- Trầm cảm, lo âu.
- Lạm dụng chất kích thích.
- Các cơn co giật không phải động kinh.
- Rối loạn chức năng tình dục.
Nguyên nhân gây rối loạn đa nhân cách
Người bị lạm dụng thể chất, tình dục trong thời thơ ấu hoặc bị lạm dụng tình cảm cực đoan có nguy cơ mắc chứng rối loạn đa nhân cách cao nhất. Trong số những người mắc chứng rối loạn đa nhân cách ở Hoa Kỳ, Canada, châu Âu, có khoảng 90% trường hợp từng là nạn nhân của lạm dụng và bị bỏ rơi thời thơ ấu.
Trẻ em và người lớn trải qua các sự kiện đau thương, chẳng hạn như chiến tranh, thiên tai, bắt cóc, tra tấn hoặc điều trị bệnh kéo dài ở giai đoạn đầu đời, chấn thương, cũng có thể mắc phải tình trạng tâm lý này.
Các loại rối loạn đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách có 2 loại: chiếm hữu và không chiếm hữu. Hai loại rối loạn này có thể nhận diện thông qua những đặc điểm sau [3]:
1. Chiếm hữu
Trong hình thức chiếm hữu, các nhân dạng thường biểu hiện như thể họ là 1 tác nhân bên ngoài, thường là 1 người hay linh hồn siêu nhiên (nhưng đôi khi là 1 người khác), các nhân dạng này chi phối, kiểm soát cơ thể người bệnh, khiến họ phải nói và hành động theo những cách rất khác. Ở những trường hợp như vậy, các nhân dạng thường biểu hiện rất rõ ràng. Các nhân dạng khác nhau sẽ biểu hiện những hành động, cử chỉ, tính cách khác nhau.
2. Không chiếm hữu
Hình thức không chiếm hữu có xu hướng ít biểu hiện rõ hơn. Người bệnh có thể cảm nhận sự thay đổi đột ngột về bản thân, cảm giác như thể họ là những người quan sát từng lời nói, cảm xúc và hành động của chính mình.
Nguy cơ mắc đa nhân cách và đối tượng rủi ro
1. Trẻ em bị lạm dụng
Rối loạn đa nhân cách thường xảy ra ở người hay căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý quá mức thời thơ ấu. Theo đó, nạn nhân từng bị lạm dụng nặng nề về thể chất, tình dục, cảm xúc trong 1 thời gian dài hoặc bị bỏ rơi trong suốt thời thơ ấu.
Đứa trẻ bị lạm dụng, ngược đãi nặng nề có thể trải qua các giai đoạn mà ở đó, tri giác, ký ức và cảm xúc về những trải nghiệm của chúng tách biệt. Điều này càng tăng cao khi cha mẹ hoặc người chăm sóc khác có hành vi âu yếm xen kẽ ngược đãi. Theo thời gian, những đứa trẻ có thể thoát khỏi sự ngược đãi bằng cách “bỏ đi” - nghĩa là tách khỏi môi trường khắc nghiệt. Ngoài ra, chúng có thể thoát khỏi bằng cách rút lui vào tâm trí của mình. Mỗi giai đoạn phát triển hoặc trải qua những sang chấn có thể tạo ra 1 nhân cách khác nhau.
2. Người trải qua sự kiện đau thương
Người bệnh không bị lạm dụng nhưng trải qua 1 sự mất mát lớn, chẳng hạn như mất cha mẹ hoặc các sự kiện đau buồn khác.
3. Các thủ thuật y tế kéo dài, gây đau đớn
Người phải điều trị bệnh từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành cũng có nguy cơ cao mắc rối loạn đa nhân cách.
Chẩn đoán đa nhân cách thế nào?
Các triệu chứng của rối loạn đa nhân cách thường xuất hiện ở thời thơ ấu, từ 5 - 10 tuổi nhưng đa phần cha mẹ, giáo viên có thể bỏ qua các dấu hiệu. Bên cạnh đó, bệnh đa nhân cách có thể nhầm lẫn với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Do đó, hội chứng đa nhân cách thường không được phát hiện cho đến tuổi trưởng thành.
Không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán rối loạn đa nhân cách. Trước tiên, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ xem xét các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các chẩn đoán hình ảnh cần thiết để loại trừ các yếu tố gây triệu chứng, chẳng hạn như chấn thương đầu hoặc khối u não.
Chẩn đoán rối loạn đa nhân cách chủ yếu dựa trên lâm sàng thông qua các tiêu chuẩn từ Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần, Ấn bản lần thứ 5 (DSM-5) của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ [4]. Các chẩn đoán gồm:
- Người bệnh có trên 2 trạng thái nhân cách.
- Người bệnh có những khoảng trống ký ức về những việc hàng ngày, thông tin cá nhân quan trọng.
- Các triệu chứng khiến người bệnh rơi vào trạng thái đau khổ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Quá trình chẩn đoán yêu cầu kiến thức và các câu hỏi cụ thể về hiện tượng phân ly. Theo đó, các cuộc phỏng vấn kết hợp thôi miên hoặc phỏng vấn có thuốc hỗ trợ (barbiturat hoặc benzodiazepin) và bệnh nhân được yêu cầu mang theo 1 quyển sách giữa các lần thăm khám. Việc chẩn đoán trên nhằm mang đến việc xác định những nhân cách ở người bệnh.
Điều trị rối loạn đa nhân cách
Tùy vào độ tuổi, giới tính, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp khác nhau để điều trị rối loạn nhân cách. Những phương pháp phổ biến điều trị rối loạn nhân cách có thể kể đến như:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả chứng rối loạn đa nhân cách. Theo đó, phương pháp này sẽ tập trung vào:
- Xác định và lên phác đồ điều trị thông qua chấn thương hoặc những lạm dụng trong quá khứ.
- Quản lý những thay đổi hành vi đột ngột.
- Hợp nhất các nhân cách riêng biệt thành 1 nhân cách duy nhất.
2. Liệu pháp thôi miên
Liệu pháp thôi miên là 1 loại y học tâm thể có nguồn gốc từ phương pháp điều trị tâm lý học phương Tây. Người bệnh được đưa vào trạng thái thư giãn sâu và tập trung cao độ nhằm cải thiện các vấn đề về sức khỏe.
Thôi miên được sử dụng trong cải thiện sức khỏe tâm thần thông thường như:
- Căng thẳng, lo lắng, hoảng loạn và hội chứng căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
- Ám ảnh.
- Các vấn đề kiểm soát hành vi, chẳng hạn như cai thuốc lá , giảm cân và đái dầm.
Thôi miên gồm 4 giai đoạn: cảm ứng, đào sâu, gợi ý và xuất hiện. Thôi miên kết hợp tâm lý trị liệu nhằm giúp người bệnh tiếp cận với những ký ức bị kìm nén, kiểm soát hành vi chống đối cũng như tích hợp các tính cách thành 1.
3. Điều trị bổ trợ
Không có loại thuốc nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận đặc biệt để điều trị bệnh đa nhân cách. Tuy nhiên, 1 số loại thuốc điều trị tâm thần có thể giảm các triệu chứng rối loạn đa nhân cách, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng.
Phòng ngừa rối loạn đa nhân cách
Trẻ em bị lạm dụng thể chất, tình cảm hoặc tình dục có nguy cơ mắc các rối loạn đa nhân cách cao hơn trẻ bình thường. Nếu tâm trạng đang căng thẳng hoặc gặp các vấn đề khác ảnh hưởng đến cách đối xử với trẻ, phụ huynh nên tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để có hướng điều trị sớm.
Trường hợp trẻ bị lạm dụng hoặc trải qua 1 sự việc đau thương nào đó, nên đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức nhằm giúp con sớm phục hồi và phát triển bình thường.
Tâm sự với 1 người đáng tin cậy chẳng hạn như bạn bè, người thân, bác sĩ để giải tỏa trạng thái căng thẳng, lo lắng.
Sống chung với rối loạn đa nhân cách
Nếu có người thân bị rối loạn đa nhân cách, có thể sống chung bằng cách:
- Tìm hiểu về rối loạn đa nhân cách và các triệu chứng của bệnh.
- Giữ bình tĩnh và hỗ trợ khi người bệnh có những thay đổi hành vi đột ngột.
- Giao tiếp cởi mở, yêu thương và đừng ngại giúp đỡ người rối loạn đa nhân cách.
Lập tức đưa người rối loạn đa nhân cách đến gặp bác sĩ khi họ có những triệu chứng sau đây:
- Tự làm hại mình.
- Người có ý định tự tử.
- Có hành vi bạo lực.
Các câu hỏi liên quan rối loạn đa nhân cách
1. Đa nhân cách có di truyền không?
Có! Rối loạn đa nhân cách có tỉ lệ di truyền chiếm khoảng 50%, tương đương hoặc cao hơn so với các rối loạn tâm thần khác.
2. Rối loạn đa nhân cách có nguy hiểm không?
Có! Cũng như những rối loạn tâm thần khác, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, rối loạn đa nhân cách có thể gây những tổn thất lớn cho sức khỏe người bệnh như: lạm dụng chất kích thích, tự hủy hoại thân, thậm chí tự tử.
Không có biện pháp ngăn rối loạn đa nhân cách, tuy nhiên, việc xác định các dấu hiệu và tìm cách điều trị sớm có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng. Cha mẹ, người chăm sóc và giáo viên có thể theo dõi và phát hiện các dấu hiệu ngay khi trẻ còn nhỏ.
Khoa Khám bệnh BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình chu đáo, đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, giới thiệu, cung cấp thông tin tư vấn về khám chữa bệnh, chính sách với người bệnh, người nhà trong suốt quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Người rối loạn đa nhân cách gần như sống tách biệt với thế giới xung quanh, họ mất kết nối với suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động hoặc nhân cách của chính mình. Khi bị đa nhân cách, trong cơ thể họ sẽ tồn tại nhiều tính cách khác nhau. Bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về rối loạn đa nhân cách là gì? 12 dấu hiệu giúp nhận biết, nguyên nhân và cách chẩn đoán bệnh. Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu mắc rối loạn đa nhân cách, nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.