Cắt polyp trực tràng là thủ thuật y khoa được thực hiện để giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về đường tiêu hóa. Thủ thuật này sẽ dùng dụng cụ nội soi đưa vào qua đường hậu môn để loại bỏ khối u ở trực tràng. Vậy tại sao cần cắt polyp trực tràng? Cắt polyp trực tràng có nguy hiểm không? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu về cắt polyp trực tràng
Polyp trực tràng hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc trực tràng. Đa số các trường hợp polyp đều là lành tính. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ tiến triển thành ung thư trực tràng nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.
Cắt polyp trực tràng là thủ thuật y tế được sử dụng để loại bỏ các mô bất thường phát triển trong niêm mạc của trực tràng. Thủ thuật này thường được thực hiện trong quá trình nội soi đại trực tràng với quy trình nhanh chóng, đơn giản và ít xâm lấn.
Có 2 dạng polyp trực tràng phổ biến là polyp không cuống (polyp phẳng) và polyp có cuống. Trong đó, thường gặp nhất là polyp không cuống.
Tại sao cần cắt bỏ polyp trực tràng?
Thông thường, các khối polyp trực tràng đều là lành tính và không gây ra triệu chứng. Trong trường hợp này, người bệnh chỉ cần theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Việc cắt bỏ polyp trực tràng thường sẽ được bác sĩ chỉ định với các mục đích như:
- Loại bỏ các khối polyp nghi ngờ ác tính hoặc có nguy cơ tiến triển thành ung thư trực tràng.
- Loại bỏ các mô bất thường phát triển ở niêm mạc trực tràng và thực hiện giải phẫu mẫu bệnh để tầm soát ung thư.
- Khắc phục các triệu chứng liên quan đến polyp trực tràng như chảy máu trực tràng, đau bụng, tiêu chảy, khó đi cầu, và cản trở quá trình tiêu hóa.
Khi nào nên cắt polyp trực tràng?
Với các trường hợp polyp trực tràng nghi ngờ ác tính, các bác sĩ cần phải tiến hành cắt bỏ ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, nếu phát hiện polyp có kích thước lớn hơn 0.5 cm hoặc có nhiều polyp xuất hiện trong trực tràng, bác sĩ cũng sẽ xem xét việc cắt bỏ để kiểm tra sinh thiết.
Với polyp có kích thước nhỏ hơn 0.5 cm và không gây ra triệu chứng đáng ngại, thường có nguy cơ tiến triển thành ung thư thấp. Trong trường hợp này, người bệnh có thể không cần cắt mà chỉ cần theo dõi sức khỏe và thực hiện nội soi đại trực tràng thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
Phần lớn polyp trực tràng đều là lành tính và không gây hại. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn loại trừ khả năng tiến triển thành ung thư. Do đó, việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.
Quy trình thực hiện thủ thuật cắt polyp trực tràng
Để biết cắt polyp trực tràng có nguy hiểm không, cần hiểu về quy trình thực hiện thủ thuật này. Người bệnh khi thực hiện phẫu thuật cắt polyp sẽ được hướng dẫn nằm ở tư thế nghiêng bên trái, đầu gối co gập về phía bụng. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê cho người bệnh với một lượng thuốc mê vừa đủ. Điều này sẽ giúp làm giảm đau đớn và khó chịu trong suốt quá trình cắt polyp trực tràng.
Tiếp đến, bác sĩ sẽ sử dụng một sợi dây thòng lọng luồn qua ống nội soi và đưa ống nội soi vào trực tràng qua đường hậu môn. Dây thòng lọng sẽ được đặt dưới đáy của polyp và dùng để cắt rời cuống polyp sau khi đốt đáy bằng dòng điện. Tùy vào hình dạng và kích thước polyp mà bác sĩ nội soi sẽ lựa chọn phương pháp loại bỏ phù hợp. Sau khi cắt, mẫu polyp sẽ được đưa đi sinh thiết để đánh giá xem là u lành tính hay ác tính.
Sau khi cắt bỏ xong, người bệnh sẽ được chuyển về phòng hồi sức để đợi cho hết thuốc mê và có thể ra về rồi sinh hoạt như bình thường.
Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện cắt polyp trực tràng
Để bác sĩ đánh giá được mức độ rủi ro và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng trong quá trình thực hiện cắt polyp trực tràng. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về các vấn đề đang gặp phải như:
Những loại thuốc đang sử dụng
- Những loại thuốc hoặc thực phẩm mà người bệnh dễ bị dị ứng, đặc biệt là thuốc gây tê;
- Người bệnh hoặc gia đình người bệnh có tiền sử rối loạn đông máu, thiếu máu hoặc máu không đông;
- Người bệnh có tiền sử bị đái tháo đường, cao huyết áp, đau tim, tức ngực, đột quỵ, tắc mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu;
- Những phẫu thuật mà người bệnh từng thực hiện như cắt ruột thừa, túi mật hay bất kỳ các phẫu thuật nào trên các bộ phận của cơ thể;
- Tránh sử dụng đồ uống có cồn trước khi phẫu thuật.
Cách chăm sóc người bệnh sau khi cắt polyp trực tràng
Người bệnh sau khi thực hiện phẫu thuật cắt polyp trực tràng và được bác sĩ cho xuất viện, cần lưu ý cách chăm sóc như sau:
- Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là những ngày đầu sau khi cắt polyp trực tràng. Tránh lao động nặng nhọc trong khoảng 4 tuần sau khi phẫu thuật.
- Liên hệ báo ngay với bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường như phân đổi màu sau khi đi đại tiện lần đầu;
- Dùng thuốc đủ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).
- Không ăn các loại thức ăn cay, đồ chua, bánh kẹo ngọt hay thức uống có cồn, cà phê… vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của vết mổ.
Cắt polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Khi được tư vấn về việc cắt polyp trực tràng, nhiều người cảm thấy lo lắng vì không biết cắt polyp trực tràng có nguy hiểm không? Tuy nhiên, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm vì thủ thuật cắt polyp trực tràng không gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngược lại, thủ thuật này còn giúp loại bỏ các khối polyp nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Hiện nay, cắt polyp trực tràng bằng nội soi là phương pháp được sử dụng phổ biến và được nhiều người bệnh đánh giá tích cực. Toàn bộ quy trình thực hiện sẽ được kiểm soát và theo dõi qua máy tính. Nhìn chung, cắt polyp trực tràng không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Sau khi cắt, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và sinh hoạt như bình thường.
Tuy nhiên, một số trường hợp có thể xuất hiện biến chứng như xuất huyết trực tràng, viêm nhiễm, hoặc đau đớn nếu phẫu thuật được thực hiện tại các cơ sở không đáng tin cậy. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tới các bệnh viện có đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện phẫu thuật.
Những điều cần lưu ý gì sau khi cắt polyp trực tràng?
Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt polyp trực tràng, người bệnh cần phải tuân thủ theo các hướng dẫn dưới đây để sức khỏe nhanh chóng hồi phục.
- Về chế độ ăn uống: Sau khi phẫu thuật, người bệnh không nên ăn uống ngay. Có thể uống một ít nước hoặc sữa sau khoảng vài tiếng cắt polyp trực tràng. Ngày thứ 3, người bệnh có thể ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh và tăng dần độ đặc lên. Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và nhai kỹ trước khi nuốt. Tránh ăn đồ cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ vì chúng không tốt cho hệ tiêu hóa.
- Về chế độ sinh hoạt hàng ngày: Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngủ đúng giờ và đủ giấc. Giữ cho tâm trạng luôn được thoải mái và tránh thức khuya.
- Về chế độ vận động: Chỉ nên vận động với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, dưỡng sinh, yoga… tránh vận động mạnh.
Cắt polyp trực tràng là thủ thuật không quá phức tạp và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Điều quan trọng là người bệnh cần thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở uy tín với các bác sĩ giàu kinh nghiệm để hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả điều trị. Hy vọng bài viết chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích và phần nào giải đáp được cho thắc mắc cắt polyp trực tràng có nguy hiểm không nhé!
Xem thêm:
- Sau khi cắt polyp đại tràng nên ăn gì?
- Chi phí cắt polyp đại tràng khoảng bao nhiêu tiền?
- Cắt polyp đại tràng có mọc lại không?