Việc trường ĐH Bách khoa HN được chuyển thành ĐH Bách khoa HN khiến nhiều người thắc mắc về sự khác nhau giữa trường ĐH và ĐH. Tuyển sinh số xin giải thích bằng bài viết dưới đây.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia.Trường ĐH và ĐH là gì?
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học/học viện là cơ sở giáo dục với trình độ đại học, đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Các ngành này thuộc một hoặc vài lĩnh vực. Còn, đại học là cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực và gồm nhiều trường đại học/khoa thành viên.
Việc nâng cấp từ trường đại học thành đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên. Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học, nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc.
Một đại học có thể có nhiều trường đại học thành viên. Các trường thành viên này có tư cách pháp nhân, cấp bằng tốt nghiệp riêng hoặc cũng có thể chỉ là trường trực thuộc, không có tư cách pháp nhân, không cấp bằng tốt nghiệp riêng.
Về tổ chức quản trị, Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học. Khi đó, Hội đồng đại học sẽ đề ra chiến lược phát triển tầm vĩ mô hơn, áp dụng cho cả các đơn vị thành viên.
Hiện cả nước có khoảng 240 trường đại học và 6 đại học, là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội. Còn các trường ĐH thì rất nhiều như trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Sư phạm HN, trường ĐH Thương Mại, trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường ĐH Tài chính - Marketing...
Trong đó, đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác.
Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các đơn vị cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
"Không phải cứ lên đại học là tốt hơn, quan trọng trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình đại học không phù hợp", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.
Xem thêm:
- Những địa điểm vui chơi Noel ở TP.HCM cho học sinh, sinh viên
Jennie