Bông móng tay có tên khoa học là Impatiens balsamina L., thuộc họ Bóng nước (Balsaminaceae). Cây còn có tên gọi khác là cây Nắc nẻ, cây Bóng nước, Phương tiên hoa. Theo Đông y, cây có vị đắng, tính ôn, với nhiều tác dụng như chữa phong thấp, tiêu viêm, chữa rắn cắn. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây.
1. Giới thiệu chung về cây Bông móng tay
1.1. Mô tả
Là cây thảo, sống hằng năm, cao 30 - 50cm. Thân hình trụ, nhẵn, màu lục nhạt, đôi khi pha đỏ tía. Lá mọc so le, hình mác, dài 6 - 8cm, rộng 2 - 2,5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép có răng cưa to, hai mặt nhẵn, màu lục nhạt.
Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, lưỡng tính, không đều, màu trắng, hồng, đỏ tía.
Quả nang, có lông, có khía dọc. Khi chín nứt thành 5 mảnh, tung hạt đi rất xa, hạt tròn màu nâu.
1.2. Phân bố, sinh thái
Ở Việt Nam, chi Impatiens L. có khoảng 35 loài, tập trung nhiều ở vùng núi, đến độ cao 1.600m hoặc hơn. Trong đó, cây Bông móng tay được nhập trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và một vài nước khác.
Bông móng tay là cây ưa sáng và đặc biệt ưa ẩm. Cây mọc từ hạt vào cuối mùa xuân hay đầu mùa hè. Sau khi mùa hoa quả kết thúc, cây tàn lụi. Quả chín tự mở, hạt phấn tán sinh trưởng thành hệ cây mới.
1.3. Thành phần hóa học
Toàn cây Bông móng tay có chứa acid p-hydroxybenzoic, acid gentisic, acid ferulic, acid p-coumaric, acid sinapic, acid caffeic. Ngoài ra còn có scopoletin.
- Phần trên mặt đất có chứa lawson, quercetin.
- Thân chứa kaempferol-3-glucosid, pelargonidin, cyanidin, delphinidin.
- Hoa chứa các hợp chất anthocyan.
>> Đọc thêm: Toàn phúc hoa: Loài hoa có công dụng trị ho.
2. Tác dụng theo y học hiện đại
2.1. Tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn
Chất lawson được chiết từ các bộ phận trên mặt đất của cây Bông móng tay có tác dụng kháng nấm rất mạnh. Nồng độ 100pm có thể ức chế hoàn toàn sự phát triển một số nấm. Dịch chiết bằng methanol từ cây cho một dẫn chất naphthoquinon. Chất này có tác dụng chống nấm rất mạnh đối với các chủng Candida albicans, Aspergillus niger, Crytococcus neoformans và Epidermophyton floccussum.
Tác dụng diệt nấm đối với Epidermophyton floccussum tương đương với tác dụng của nystatin. Chất này cũng có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng gram dương như Bacillus subtilis cũng như các chủng gram âm như Salmonella typhimurium. Tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng gram âm kém hơn so với các chủng gram dương.
Dịch chiết từ lá có tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn dịch chiết từ thân và dịch chiết bằng methanol có tác dụng mạnh hơn dạng chiết nước.
Bốn peptid được chiết từ hạt bóng nước đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn và nấm mà không độc đối với tế bào người nuôi cấy.
2.2. Tác dụng chống phản ứng phản vệ
Tác dụng chống phản ứng phản vệ của hoa màu trắng của cây Bông móng tay được xác định bằng phản ứng quá mẫn ngay tức khắc gây nên do lysozym lòng trắng trứng gà trên chuột. Kết quả chứng minh các dạng chiết và hợp chất phenolic của cây ức chế một cách có ý nghĩa sốc phản vệ và phản ứng phản vệ da thụ động khác loài.
2.3. Tác dụng kích thích tử cung
Các dạng chiết cồn, chiết nước của hạt đối với tử cung bình thường cũng như tử cung có chửa cô lập của thỏ và chuột lang đều có tác dụng kích thích rõ rệt, trương lực tử cung tăng cao, tần số co bóp tăng nhanh.
Đối với tử cung tại chỗ của thỏ gây mê, dạng chiết nước từ hoa Bông móng tay bằng đường uống, dùng liên tục trong 10 ngày có tác dụng ngừa thai rõ rệt, ức chế chu kỳ động dục của súc vật thí nghiệm.
2.4. Các tác dụng khác
Dịch ép từ cây có mùi hăng nhẹ, có tác dụng gây nôn, tẩy nhẹ và lợi tiểu.
3. Tác dụng theo y học cổ truyền
Toàn cây có vị cay, ngọt, hơi đắng, tính ôn. Có tác dụng khử phong thấp, hoạt huyết, chỉ thống, tiêu thũng, chữa phong thấp, vết thương sưng đau, mụn nhọt, rắn rết cắn.
Liều dùng 10 - 15g/ngày, sắc nước uống. Hoặc 1,5 - 3g hoa phơi khô hoặc 3 - 9g hoa tươi sắc uống. Dùng ngoài giã nát đắp tại chỗ hoặc dùng nước sắc để rửa
Chú ý: phụ nữ có thai không được dùng.
4. Bài thuốc có chứa cây Bông móng tay
4.1. Chữa phong thấp
Cây Bông móng tay dùng phối hợp với Ngũ gia bì, Uy linh tiên. Sắc nước uống.
4.2. Chữa vết thương do hung khí
Cây Bông móng tay tươi giã nát, ép lấy nước, uống với rượu.
4.3. Chữa bế kinh ở phụ nữ
Bông móng tay (3 - 6g), sắc nước uống.
4.4. Chữa hóc xương
Hạt hoặc rễ Bông móng tay nhai nhỏ, ngậm trong miệng, không được nuốt. Sau đó dùng nước ấm súc miệng để không hại răng.
Bài viết đã cung cấp thêm nhiều thông tin về cách dùng và liều dùng của cây Bông móng tay. Cây có nhiều tác dụng như khử phong thấp, hoạt huyết, chỉ thống, tiêu thũng, vết thương sưng đau, mụn nhọt, rắn rết cắn. Tuy nhiên giống như các dược liệu khác, quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất.