Trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, dữ liệu đã trở thành trụ cột không thể thiếu đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, bao gồm cả những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Dữ liệu giờ đây không chỉ đóng vai trò quan trọng trong ngành tài chính hay y tế, mà còn trở thành yếu tố then chốt trong việc định hình và phát triển các chiến lược kinh doanh. Nhờ việc phân tích dữ liệu sâu sắc, nhiều công ty đã cải thiện đáng kể hiệu suất và hiệu quả hoạt động. Điều này đã tạo nên một nhu cầu mạnh mẽ đối với những chuyên gia khoa học máy tính và phân tích dữ liệu, những người có khả năng khai thác và chuyển hoá dữ liệu thành thông tin hữu ích, từ đó hỗ trợ quá trình ra quyết định kinh doanh. Vậy thực chất, ngành Khoa học Dữ liệu là gì?
Ngành Khoa học Dữ liệu là gì ?
Khoa học dữ liệu (Data science) là một lĩnh vực đa ngành kết hợp khả năng phân tích thống kê, học máy, và kỹ thuật để hiểu và phân tích dữ liệu phức tạp. Mục tiêu chính của khoa học dữ liệu là trích xuất kiến thức và thông tin hữu ích từ các tập dữ liệu lớn và phức tạp, thường được gọi là “big data”. Các khía cạnh chính của Khoa học dữ liệu bao gồm: phân tích thống kê và học máy, thu thập và xử lý dữ liệu (data wrangling), trực quan hoá dữ liệu (data visualisation), mô hình dự đoán (predictive modelling) và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu (data-driven decision making).
Xu hướng ngành Khoa học Dữ liệu
Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành Khoa học Dữ liệu, Phân tích Dữ liệu Kinh doanh hoặc một lĩnh vực tương tự có cơ hội làm việc trong rất nhiều ngành nghề khác nhau. Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay có thể kể đến như:
- Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst): Vị trí công việc phổ biến nhất mà bạn có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp ra trường là chuyên viên phân tích dữ liệu trong các lĩnh vực như tài chính, tiếp thị, bảo hiểm, truyền thông, chăm sóc sức khỏe,… Bạn có thể bắt đầu với những công việc đơn giản nhất như thu thập, quản lý, trích xuất, phân tích hay lọc dữ liệu theo yêu cầu của các bên liên quan.
- Chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analyst): Chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh phụ trách công việc phân tích và tối ưu các hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm việc đánh giá mô hình kinh doanh hiện có, xác định cách thức hiệu quả nhất để phân phối sản phẩm, phân công công việc cho nhân viên, cắt giảm chi tiêu,… Là một chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh, bạn không chỉ phải thu thập và phân tích dữ liệu mà còn tham gia bàn bạc và đưa ra các quyết định chiến lược, định hướng phát triển của công ty.
- Kỹ sư khoa học dữ liệu (Data Scientist): Đây là những chuyên gia trong lĩnh vực thu thập và phân tích dữ liệu. Quan trọng hơn hết, họ thành thạo kỹ năng lập trình và kiến thức chuyên môn về Machine Learning. Nếu như Data Analyst chỉ có thể xác định được các xu hướng phát triển và sử dụng dữ liệu cụ thể để trả lời các câu hỏi thì Data Scientist còn có thể thiết kế các mô hình dữ liệu mới, viết thuật toán để dự đoán các xu hướng phát triển trong tương lai.
- Quản lý phát triển kinh doanh (Business Development Manager): Có thể nói rằng người thực hiện công việc Quản lý kinh doanh chính là người thuyền trường đang lèo lái cả một con thuyền, sẽ quyết định hướng đi và có thể giúp con thuyền đạt được nhiều thành quả sau mỗi chuyến đi hay không. Vai trò của nhà Quản lý phát triển kinh doanh là không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt công việc này đưa con thuyền đi đúng hướng thì đòi hỏi người thực hiện nó cần không ít kỹ năng và kiến thức.
Ngành Khoa học Dữ liệu học gì?
Trọng tâm của ngành học là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các vị trí trong lĩnh vực Khoa học Dữ liệu. Sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức nền tảng về Công nghệ Thông tin. Các kiến thức có thể kể đến như: Phát triển Web, Giải quyết vấn đề bằng ICT, Nhập môn lập trình, Phân tích và thiết kế cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng, cloud, quản lý dữ liệu, hệ thống máy tính, lập trình nhúng đối tượng.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng sẽ được học những kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành Khoa học dữ liệu. Đồng thời các bạn cũng sẽ được tìm hiểu cách ứng dụng việc phân tích vào trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến những kiến thức về: Trực quan hóa trí tuệ kinh doanh và cơ sở dữ liệu, Quản lý dữ liệu lớn, Phân tích và mô phỏng dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý dữ liệu và ra quyết định, điều khiển thiết bị IoT, Robot.
Học Khoa học Dữ liệu tại Swinburne Việt Nam
Swinburne Việt Nam là chương trình liên kết đào tạo giữa Swinburne University of Technology và Đại học FPT. Sinh viên khi chọn chuyên ngành Khoa học dữ liệu tại Swinburne Việt Nam được cập nhật những kiến thức chuyên môn tiến bộ nhất trên thế giới và học tập cùng các chuyên gia hàng đầu. Toàn bộ nội dung và chương trình đào tạo chuyên ngành Khoa học dữ liệu đều được chuyển giao trực tiếp và đảm bảo quy trình kiểm định khắt khe từ Swinburne University of Technology, Australia.
Swinburne University of Technology được biết đến là một trong số những trường đại học tốt nhất, xếp thứ 285 trên Bảng xếp hạng QS Rankings 2024 và thuộc Top 1% các trường đại học hàng đầu thế giới. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành Khoa học dữ liệu sẽ nhận được tấm bằng cử nhân được cấp bởi Đại học Công nghệ Swinburne, Australia.
Thông qua chuyên ngành Khoa học dữ liệu (Data Science), sinh viên sẽ được học tìm hiểu các phương pháp và công cụ thống kê cần thiết để quản lý các tập dữ liệu lớn và các kỹ thuật trực quan hóa cần thiết để trình bày và hiểu dữ liệu đó; cách thu thập các loại dữ liệu khác nhau (bao gồm siêu dữ liệu) và cách sử dụng các công cụ mới nhất để lưu trữ, xử lý, trích xuất, trực quan hóa và tìm kiếm thông tin chi tiết bên trong.
Trong quá trình học, các công nghệ mới như Big Data, IoT, Blockchain, Data Science, AI, Cloud luôn được cập nhật. Chương trình được trang bị các cơ sở vật chất hiện đại như Network, Cloud, Robotic và các phần mềm chuyên dụng khác nhằm tăng tính thực tiễn cho chuyên ngành. Sinh viên theo học chuyên ngành Khoa học dữ liệu được học sâu về các công nghệ mới và biết cách sử dụng công cụ. Tại các workshop, các chuyên gia trong ngành cũng sẽ thường xuyên chia sẻ về những công nghệ mới nhất, điều này giúp các bạn sinh viên nắm bắt nhanh các xu hướng để luôn sẵn sàng thích ứng trước sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của ngành.
Một trong những lợi thế khi là sinh viên Swinburne Việt Nam đó là có cơ hội việc làm rộng mở nhờ những trải nghiệm sớm. Hiện nay, các cựu sinh viên của Swinburne Việt Nam đều đang thực tập, làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại những công ty lớn như: Sam Sung, Viettel, Panasonic, FPT Software, One Mount, Mumesoft…Điều này có được bởi trong quá trình học sinh viên đã có những trải nghiệm thực tế gắn liền với doanh nghiệp.
Sinh viên sẽ trực tiếp tham gia những dự án liên quan tới khoa học dữ liệu triển khai bởi Tập đoàn FPT cũng như rất nhiều các đơn vị đối tác ở trong và ngoài nước của Tập đoàn, trong số đó có cả những “ông lớn” như Boeing, Airbus, Hitachi. Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội tham gia các chuyến đi thực tế và tham quan học tập tại các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ như: Panasonic, FPT Software, Samsung… Studytour & Fieldtrip là hoạt động tham quan doanh nghiệp diễn ra ít nhất một lần trong một môn học, giúp sinh viên hiểu hơn về môi trường doanh nghiệp và hình dung được công việc của các chuyên gia khoa học dữ liệu trong tương lai.
Trung ST