U lympho không Hodgkin sống được bao lâu, u lympho ác tính không Hodgkin có chữa được không là mối quan tâm của nhiều bệnh nhân và gia đình.
Mặc dù u lympho không Hodgkin là một bệnh ung thư ác tính, tuy nhiên, khả năng điều trị hiệu quả và tỷ lệ thuyên giảm cũng như thời gian sống của bệnh nhân sau điều trị cao.
1. U lympho ác tính không Hodgkin có chữa được không?
U lympho không Hodgkin là một dạng ung thư xuất phát từ hệ bạch huyết, là bộ phận giữ chức năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân nhiễm trùng và gây bệnh tật. Hiện nay, bệnh u lympho không Hodgkin được điều trị bằng 4 phương pháp chính sau:
- Phương pháp hóa trị.
- Phương pháp xạ trị.
- Liệu pháp miễn dịch: sử dụng kháng thể đơn dòng hoặc loại thuốc có khả năng ức chế tế bào CAR-T và điểm kiểm soát miễn dịch.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: sử dụng một số loại thuốc mới có thể ngăn chặn một số chức năng của tế bào u lympho.
Trong điều trị u lympho không Hodgkin thông thường, bác sĩ có thể áp dụng kết hợp các phương pháp điều trị nêu trên. Bên cạnh đó, phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc ghép tế bào gốc cũng được các bác sĩ cân nhắc tùy vào giai đoạn của bệnh.
Để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ dựa vào một số yếu tố như: loại u lympho không Hodgkin, giai đoạn của bệnh, tác dụng phụ có thể xảy ra, tình trạng sức khỏe của người bệnh.
1.1 Điều trị u lympho không Hodgkin bằng phương pháp hóa trị
Hóa trị được xem là phương pháp chính để điều trị u lympho không Hodgkin. Người bệnh có thể được chỉ định dùng một loại thuốc trong một lần điều trị hoặc kết hợp nhiều loại khác nhau cùng lúc. Tùy vào giai đoạn và loại u, phác đồ sử dụng hóa chất điều trị sẽ khác nhau.
1.2 Điều trị u lympho không Hodgkin bằng phương pháp xạ trị
Tùy vào loại khối u, phương pháp xạ trị sẽ được áp dụng sau hoặc bổ sung cho phương pháp hóa trị. Xạ trị thường được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Giai đoạn đầu: Khối u lympho không Hodgkin còn khu trú ở 1 hoặc 2 khu vực lân cận.
- Giai đoạn muộn: Xạ trị có thể làm thuyên giảm những triệu chứng tại chỗ (liều rất thấp).
- Bệnh nhân với khối hạch bạch huyết có đường kính lớn (hơn 7 - 10 cm).
1.3 Điều trị u lympho không Hodgkin bằng liệu pháp miễn dịch
Điều trị u lympho không Hodgkin bằng liệu pháp miễn dịch có thể giúp tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại khối u. Bằng việc sử dụng kháng thể đơn dòng, hoặc các loại thuốc có khả năng ức chế tế bào CAR-T và điểm kiểm soát miễn dịch, liệu pháp này có thể cải thiện hoặc giúp khôi phục chức năng hệ thống miễn dịch của cơ thể.
1.4 Điều trị u lympho không Hodgkin bằng liệu pháp nhắm trúng đích
Điều trị u lympho không Hodgkin bằng liệu pháp nhắm trúng đích có thể giúp ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư, đồng thời hạn chế khả năng gây thương tổn đối với những tế bào khỏe mạnh.
Bên cạnh 4 phương pháp điều trị u lympho không Hodgkin, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy. Ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy được xem là phương pháp điều trị tấn công, áp dụng đối với những bệnh nhân u lympho không Hodgkin giai đoạn đang tiến triển hoặc bị tái phát. Tùy vào loại u, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp này để giúp ngăn chặn sự tái phát của bệnh.
Tùy vào nguồn thay thế tế bào máu gốc, có 2 loại cấy ghép là dị ghép (ALLO) và tự ghép (AUTO):
- Dị ghép (ALLO): là phương pháp sử dụng tế bào gốc của người khỏe mạnh hiến tặng. Phương pháp này thường gây ra phản ứng thải trừ khi tế bào của người hiến tặng làm tổn thương mô hoặc cơ quan của bệnh nhân.
- Tự ghép (AUTO): là phương pháp sử dụng tế bào gốc của người bệnh sau khi đã được điều trị bằng hóa trị liệu liều cao.
2. Tác dụng phụ của việc điều trị u lympho ác tính không Hodgkin
Việc điều trị u lympho không Hodgkin có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Hóa trị: Tùy vào loại thuốc và liều lượng sử dụng, hóa trị liệu có thể gây ra các tác dụng phụ như: buồn nôn và nôn, chán ăn, tiêu chảy, mệt mỏi, phát ban, rụng tóc, thiếu máu (tạm thời), nguy cơ nhiễm trùng cao. Trong quá trình điều trị, hầu hết những tác dụng phụ này có thể được kiểm soát và sau điều trị chúng thường biến mất. Bên cạnh đó, hóa trị có thể gây ra vô sinh, là tác dụng phụ muộn sau khi điều trị nhiều năm.
- Xạ trị: Về tổng quan, bệnh nhân sau điều trị u lympho không Hodgkin bằng xạ trị có thể thường cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ ở những vùng của tiếp nhận bức xạ như: khô miệng, rụng tóc (tạm thời), phản ứng da (mức độ nhẹ), mất nhu động ruột, viêm phổi (xạ trị ở ngực), thiếu máu tạm thời (xạ trị ở xương). Sau điều trị, các tác dụng phụ được nêu ở trên thường sẽ biến mất. Cũng như hóa trị, xạ trị cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ muộn như: ảnh hưởng đến tim, mạch, ung thư thứ phát, sức khỏe sinh sản (xạ trị vào khung chậu).
3. Mắc bệnh u lympho không Hodgkin sống được bao lâu?
Với sự tiến bộ của khoa học y học, hiện nay, bệnh nhân u lympho không Hodgkin có thể được chẩn đoán và phát hiện bệnh bằng những kỹ thuật tiên tiến như chụp MRI, chụp PET hoặc CT-scan để xác định chính xác giai đoạn của bệnh (đồng thời đánh giá khả năng đáp ứng điều trị), các xét nghiệm sinh học phân tử giúp phân loại thể bệnh, cùng nhiều phương pháp điều trị hiện đại như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, cấy ghép tủy hoặc tế bào gốc,... đã giúp cải thiện và kéo dài thời gian sống của người bệnh, ngay cả khi bệnh đã giai đoạn muộn hoặc bệnh nhân lớn tuổi, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị của bệnh nhân.
Các nghiên cứu đã chỉ ra răng, có đến 75% bệnh nhân u lympho không Hodgkin có khả năng đáp ứng điều trị tốt, tỷ lệ lui bệnh cao và thời gian sống được kéo dài. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong điều trị, còn tùy vào giai đoạn của bệnh, loại bệnh, cách chăm sóc và trên hết là tâm lý của bệnh nhân khi điều trị.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM:
- Hodgkin: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Chẩn đoán u hạch bạch huyết bằng siêu âm
- Có thể trì hoãn điều trị ung thư hạch không Hodgkin?