Là cha mẹ, chúng ta đều biết rằng vitamin rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh của trẻ. Vitamin A, vitamin D hẳn đã rất quen thuộc với hầu hết các bậc phụ huynh.
Trong khi đó, chưa nhiều cha mẹ hiểu đúng về vitamin B - một nhóm vi chất rất quan trọng với sự phát triển của não bộ, cơ bắp cũng như duy trì hoạt động bình thường của nhiều hệ cơ quan. Hôm nay, cha mẹ hãy cùng Genetica tìm hiểu về vitamin B và cách bổ sung vi chất này cho trẻ nhé!
1, Vitamin B là gì?
Vitamin B là tên gọi của một nhóm gồm 8 vitamin tan trong nước. 8 vitamin này được đánh số và mỗi loại đảm nhận một vai trò khác nhau trong cơ thể. Khác với vitamin A và vitamin D thuộc nhóm vi chất tan trong dầu nên được cơ thể dự trữ và giải phóng dần dần, vitamin B cần liên tục đưa vào cơ thể trẻ hàng ngày.
2, Vitamin B có tác dụng gì?
Có 8 loại vitamin B với cấu trúc và vai trò khác nhau đối với sức khỏe của trẻ:
- Vitamin B1 (Thiamine) thúc đẩy sự phát triển các dây thần kinh và cơ bắp của trẻ. Bên cạnh đó, vitamin B1 giúp cơ thể chuyển hóa tinh bột thành năng lượng.
- Vitamin B2 (Riboflavin) tham gia sản xuất hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu. Vitamin này còn giúp trẻ tiêu hóa thức ăn, hấp thụ năng lượng và hỗ trợ vitamin B3, B6 hoạt động.
- Vitamin B3 (Niacinamide/ Niacin) là vi chất quan trọng trong chuyển hóa chất béo và tinh bột. Cung cấp đủ vitamin B3 giúp hệ tiêu hóa và thần kinh của trẻ khỏe mạnh. Một tác dụng tuyệt vời nữa của vitamin B3 là tăng độ đàn hồi của da và chắc khỏe của tóc.
- Vitamin B5 (Pantothenic acid) cùng với vitamin B3 tham gia quá trình tiêu thụ chất béo và tinh bột. Đồng thời, vitamin B5 cũng kích thích cơ thể trẻ sản sinh hồng cầu và hormone tuyến thượng thận điều chỉnh sự trao đổi chất, hệ thống miễn dịch và huyết áp.
- Vitamin B6 (Pyridoxine) là vi chất quan trọng giúp não bộ và hệ miễn dịch của trẻ phát triển. Trẻ được cung cấp đủ vitamin B6 sẽ thông minh, nhanh nhẹn và ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, vitamin B6 còn kích hoạt não bộ giải phóng nhiều hormone điều hòa căng thẳng và cảm xúc.
- Vitamin B7 (Biotin) cần thiết cho quá trình chuyển hóa cholesterol, axit amin và axit béo trong cơ thể. Đồng thời, biotin cũng thúc đẩy sự phát triển của da, tóc và móng khỏe mạnh.
- Vitamin B9 (Folic acid) là vi chất vô cùng quen thuộc và đã được các bà mẹ bổ sung ngay trong thai kỳ. Với trẻ em, acid folic tham gia sản xuất hồng cầu và đảm bảo các tế bào trong cơ thể hoạt động và phát triển khỏe mạnh.
- Vitamin B12 (Cobalamin) tham gia vào quá trình hình thành các tế bào hồng cầu, đồng thời thúc đẩy hệ thống thần kinh phát triển khỏe mạnh.
3, Nhu cầu vitamin B ở trẻ
Nhu cầu vitamin B ở trẻ em thay đổi theo độ tuổi. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã chia mức độ nhu cầu vitamin thành 2 nhóm, gồm nhóm trẻ dưới 4 tuổi và nhóm trẻ từ 4 tuổi trở lên.
Đối với trẻ dưới 4 tuổi, nhu cầu vitamin B mỗi ngày được khuyến nghị như sau:
- Vitamin B1 (thiamin): 0,5-0,7 mg
- Vitamin B2 (riboflavin): 0,6-0,8 mg
- Vitamin B3 (niacin): 8-9 mg
- Vitamin B5 (axit pantothenic): 3-5 mg
- Vitamin B6 (pyridoxine): 0,1-0,5 mg
- Vitamin B7 (biotin): 50-150 mcg
- Vitamin B9 (folate): 100-200 mcg
- Vitamin B12 (cyanocobalamin / methylcobalamin): 2-3 mcg
Trong khi đó, trẻ từ 4 tuổi trở lên có nhu cầu vitamin B hàng ngày cao hơn, cụ thể là:
- Vitamin B1 (thiamin): 1,5 mg
- Vitamin B2 (riboflavin): 1,7 mg
- Vitamin B3 (niacin): 20 mg
- Vitamin B5 (axit pantothenic): 10 mg
- Vitamin B6 (pyridoxine): 2 mg
- Vitamin B7 (biotin): 300 mcg
- Vitamin B9 (folate): 400 mcg
- Vitamin B12 (cyanocobalamin/methylcobalamin): 6 mcg
4, Vitamin B có trong thực phẩm nào?
Vitamin B được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như:
- Sữa và các chế phẩm bơ sữa bao gồm bơ, phô mai, sữa chua, váng sữa,...
- Trứng
- Gan động vật
- Thịt gia cầm và thịt đỏ
- Cá như cá ngừ, cá thu, cá hồi,...
- Động vật có vỏ như hàu, trai, hến...
- Rau có lá màu xanh đậm như cải thìa, cải xoăn, xà lách...
- Khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào và các loại đậu như đậu hà lan, đậu đen, đậu xanh,...
- Các loại quả như bơ, dưa hấu, cam quýt và chuối,...
- Các loại hạt và ngũ cốc
5, Cách bổ sung vitamin B cho trẻ
Cách tốt nhất để bổ sung vitamin B cho trẻ là thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Dưới đây Genetica sẽ gợi ý một số công thức món ăn vừa ngon miệng vừa đảm bảo dinh dưỡng mà bạn có thể thêm vào thực đơn cho trẻ.
- Cơm cuộn cùng rau và thịt xào: bạn có thể thêm nước sốt để tăng thêm hương vị cho món ăn.
- Bánh mỳ kẹp thịt gà với cà chua và rau xà lách: làm nóng bánh mỳ bằng chảo hoặc máy nướng bánh để có một chiếc bánh nóng giòn, đảm bảo trẻ sẽ rất thích thú với món ăn vừa quen thuộc vừa mới lạ này.
- Trứng luộc cùng một cốc sữa tươi: đây là bữa ăn nhẹ đơn giản, nhanh gọn mà giàu vitamin B.
- Sữa chua trộn cùng hoa quả cắt nhỏ như chuối, nho, dưa hấu,...
- Sinh tố bơ, dưa hấu, nước cam là các loại nước ngon miệng, giàu vitamin mà cha mẹ có thể bổ sung thêm vào chế độ ăn cho trẻ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ cần bổ sung vitamin B cho trẻ bằng đường uống trực tiếp. Đó là những trẻ đã được bác sĩ chẩn đoán thiếu vitamin B. Lúc này cha mẹ cần cho trẻ uống vitamin B theo đúng liều lượng bác sĩ đã kê. Ngoài ra cha mẹ không nên tự ý cho trẻ bổ sung vitamin B, tránh tình trạng quá liều cũng sẽ gây nguy hiểm.
Tài liệu tham khảo:
- https://hiyahealth.com/blogs/news/why-is-the-vitamin-b-complex-important-for-kids
- https://parenting.firstcry.com/articles/vitamin-b-for-kids-benefits-food-sources-and-more/