Nghề săn châu chấu tại Nghệ An có từ khá lâu nhưng người thực sự sống với nghề này chủ yếu tập trung ở thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.
Vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, những người săn châu chấu có mặt trên khắp các cánh đồng từ Nghệ An đến Hà Tĩnh để hành nghề.
Nếu như người đi săn cào cào sống trên cây phi lao bằng vợt hoặc các loại dụng cụ cầm tay thì thợ săn châu chấu chuyên sống trên đồng lúa hoặc đồng cỏ có phương thức đánh bắt bằng xe máy. Người thợ chỉ cần một chiếc xe động cơ khỏe cùng bộ càng được chế tạo riêng, lồng 2 túi lưới để vợt.
Khung thép chắc chắn được đấu vào trục bánh sau xe máy, lắp thêm chiếc túi lớn thành "bẫy" hút châu chấu. Túi phải dùng loại lưới mắt dày, chắc chắn để có thể chịu được tác động từ va đập, cọ sát và áp lực ngược gió lại cần đủ thoáng để dễ dàng di chuyển mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của châu chấu khi gom vào.
Khi di chuyển, dưới tốc độ của xe, chiếc túi lưới trở nên căng phồng. Miệng lưới được gia cố bằng khung thép há rộng, trở thành chiếc túi lớn "hút" châu chấu trên ruộng vào.
"Nếu bắt châu chấu trên đồng lúa cần cẩn thận để không ảnh hưởng đến hoa lợi thì bắt trên đồng cỏ dễ dàng hơn. Mùa này lúa mới gieo cấy, châu chấu ít nên thợ săn tôm bay chúng tôi chủ yếu bắt trên đồng cỏ", anh Lê Văn Tấn (trú thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay.
Từ 5h, anh và đồng nghiệp đã dậy, chất đồ nghề lên xe, di chuyển vào thành phố Vinh (Nghệ An) để bắt châu chấu. Hôm nay, "bãi săn" của anh là cánh đồng bỏ hoang nằm gần khu công nghiệp Bắc Vinh (thành phố Vinh).
Ở các cánh đồng bỏ hoang, mặt ruộng không bằng phẳng, hình thành nhiều ụ cỏ, ổ gà, ổ voi. Địa hình lồi lõm ẩn dưới lớp cỏ dày là thách thức đối với thợ bắt châu chấu.
Trên mặt ruộng mấp mô, gập ghềnh, anh Hồ Đức Tiến (trú tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) phải chạy xe ở tư thế đứng, hai tay tì mạnh vào ghi đông để điều khiển xe luồn lách qua những ụ đất hay tăng lực kiểm soát, tránh va đập...
Tuy nhiên, những cái "bẫy" ẩn dưới lùm cỏ rậm rạp khiến anh nhiều phen "đo đất" nếu tay lái không đủ chắc và thiếu kinh nghiệm xử lý. "Cũng có phen ngã văng xuống ruộng, đầu gối thâm tím nhưng may chưa có tình huống nghiêm trọng nào xảy ra", anh Tiến cho hay.
Áng chừng lượng châu chấu trong vợt đã nhiều, anh Tiến lên bờ để trút vào túi cước khác. Châu chấu nhỏ cỡ đầu đũa lẫn với cỏ khô, anh Tiến phải giũ sạch cỏ, "tách" châu chấu ra. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo và nhanh nhẹn để tránh châu chấu "vượt biên" tháo chạy.
Cách thức đánh bắt này đảm bảo châu chấu khỏe mạnh, không bị đứt, gãy càng. "Trung bình mỗi ngày tôi bắt được 10-15kg châu chấu. Toàn bộ số châu chấu đều được các thương lái ngoài Hà Nội gom hết để cung cấp cho các nhà hàng làm mồi nhậu hoặc đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho chim", anh Tiến cho hay.
Sau khi nhặt sạch cỏ khô, rác..., châu chấu sẽ được đổ vào một túi lưới khác có mắt thưa hơn để bảo quản.
Anh Tiến chia sẻ: "Công việc này không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, chỉ cần chịu khó. Giá châu chấu nhập cho các đại lý hiện ở mức 110.000 đồng/kg. Mỗi ngày thu nhập của tôi khoảng 1.500.000 đồng, cuối mùa thì chỉ khoảng 700.000-800.000 đồng/ngày. Ngày nhiều bù ngày ít, tính sơ sơ, trừ chi phí xăng xe, thu nhập mỗi ngày được 1.000.000 đồng".
Những nông dân xứ Nghệ sống bằng nghề bắt châu chấu như nghệ sĩ xiếc hay tay đua cừ khôi băng băng trên các cánh đồng.